Chủ nhật, 07/07/2024, 20:00[GMT+7]

Hiển liệt Đa Cương

Thứ 2, 21/03/2022 | 09:31:05
3,809 lượt xem
Năm 1272, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam do sử gia lỗi lạc Lê Văn Hưu (1230 - 1322) chủ biên chính thức được công bố với “bàn dân thiên hạ” có tên gọi “Đại Việt sử ký”. Khi chép về giai đoạn đầu thiên niên kỷ I, thời chống giặc Đông Hán, nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, sử gia Lê Văn Hưu đã viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp vương bá”. Ở vùng Đa Cương (Hưng Hà nay) có nữ tướng Vũ Thị Thục vì “nợ nước, thù nhà” mà dấy binh dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà đánh cho quân giặc Đông Hán nhiều phen bạt vía kinh hồn. Khi thế cùng, lực kiệt, bà cưỡi ngựa về gò Kim Quy, giữ lòng trung, tiết nghĩa.

Cụm di tích đình, chùa, đền Thượng Hộ, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư - nơi từng diễn ra những trận chiến oai hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Sử cũ ghi: Mùa xuân năm 42 khi Mã Viện - Lưu Long đốc thúc đại quân tiến vào nước ta, Trưng Vương phải tổng động viên hương binh từ các nơi về, dàn trận chặn mũi nhọn, thực hiện trận địa chiến. Khi cứ địa Lãng Bạc (dòng Lãng Bạc thời đầu Công nguyên, nay là sông Trà Lý) thất thủ, căn cứ Hát Giang (Phú Thọ) quân ta thua to, thế giặc quá mạnh, nữ chủ tướng tuẫn tiết, các châu huyện không còn ngọn cờ, quân quê ở đâu chạy về đấy, bị xé lẻ nên đội quân hùng hậu ngày nào tan rã, Mã Viện “dựa gió, bẻ măng” như “bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa” khiến cuộc khởi binh của Hai Bà Trưng thành công trong một tháng và cũng chỉ trong một tháng là tan rã. 300 cử súy bị bắt đưa về Trung Quốc, mấy trăm cử súy hy sinh, số còn lại chạy về các làng quê mai danh, ẩn tích.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua (Trưng Vương) khổ vì thái thú Tô Định dùng luật pháp trói buộc, lại thù Định giết chồng mình mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở Châu... Các quân đều hưởng ứng, lấy được 65 thành”. Hậu Hán thư chép rằng: Mã Viện bắt sống của Trưng Vương 300 cử súy, đó chỉ là các thủ lĩnh quân sự địa phương, trong đó phần lớn ở vùng Đa Cương. Tương truyền, khi Sỹ Nhiếp sang làm thái thú Giao Châu, đi tuần du đến cửa Vường (nay thuộc địa phận hai xã Hồng Minh, Hưng Hà và Đồng Thanh, Vũ Thư), thấy vượng khí trang ấp, Sỹ Nhiếp liền ghé vào thăm đền miếu các liệt nữ này, ông lưu bút tại đền Mỹ Lộc (xã Việt Hùng) 7 chữ: “Nhất gia trung liệt hiển Giao Châu” (một nhà trung liệt rực rỡ ở Giao Châu).


Truyền ngôn, dân Đa Cương hương tôn Vũ Thị Thục là mẹ, thề “đền nợ nước, trả thù nhà”. Dân làm rẫy ở An Nhân vác liềm đánh giặc, dân cày ruộng An Lạc (2 làng này nay thuộc xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà) vác cuốc đầu quân, dân Mỹ Lộc (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) đốt ngọn tre làm mác, đập mảnh sành làm dao..., bất cứ thứ công cụ thô sơ nào cũng có thể thành vũ khí đánh giặc. Khi Vũ Thị Thục chém giặc, giáo gẫy, gươm mẻ, mình tắm máu giặc, chạy đến gò Kim Quy thì kịch đường, tự nhiên thân bốc thành đuốc lửa, bà theo dải lụa đỏ bay về trời. Chiến thắng Luy Lâu, Đa Cương hương và vùng lân cận (nay là Thái Bình) được Trưng Vương phong gần 30 tướng.

Ngày đầu chống giặc Đông Hán, thủ lĩnh của Hai Bà hầu hết là cử súy, con dòng lạc tướng, huyện lệnh, huyện doãn nối chí cha, trả thù nhà, vì dân mà đứng lên gánh vác việc quân. Thầy giáo làng Khúc Mai gọi học trò cất bút nghiên theo con trai huyện quan Vũ Mãnh lên đường. Có nhà 4 anh em đều cầm giáo (anh em Ý, Hiển, Tức, Thúy ở Đông Cường, Đông Hưng; Đặng Chấn, Đặng Minh, Đặng Mẫn, Đặng Khang ở Dân Chủ, Hưng Hà). Cha con cùng chiến hào, mẹ con cùng ra trận. Nữ tỳ Trần Thị Nguyệt liều mình cứu chủ (Long Nương), công chúa Cấp Cước lấy thân mình chắn mũi tên cho Trưng Trắc. Ả Rồng tế chồng hy sinh vì nước, rồi vác gươm tử thủ ở Mỹ Lộc. Mẹ con bà Cao Thị Nguyên cũng vì nước hy sinh. Nói như nữ tướng Cẩm Hoa (quê cha ở làng Thượng Phán, nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, quê mẹ ở làng Rèm, nay thuộc xã Thăng Long, huyện Đông Hưng), trước khi gieo mình xuống sông Rèm. “Ta sinh ra vì việc nước, nay được chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy”. Nữ tướng Cẩm Hoa từng dâng cung trước bàn thờ thân phụ “thề quyết báo thù”, dâng tên đồng trước cửa thân mẫu “thề giết hết giặc”. Dân Đa Cương tôn Vũ Thị Thục là mẹ “thề đền nợ nước, trả thù nhà”.

Truyền ngôn, đầu thời Đông Hán, ở Hương Đường nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư có hai anh em Đỗ Công và Đỗ Hùng văn võ song toàn, người anh bị nhiều lần ép buộc, phải nhận chức quan nhỏ trong địa hạt, người em lánh mình sang làng Tịnh Thủy (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), bất hợp tác với chính quyền Tô Định, Đỗ Công không chịu nộp tô thuế, Tô Định cho Đỗ Công làm phản, lại thêm Đỗ Hùng không cho con gái làm tỳ thiếp cho quan đô hộ, Định giết cả hai anh em Đỗ Công, Đỗ Hùng. Tiếp nối chí cha, cộng thêm nợ nước thù nhà, con gái Đỗ Công là Quế Hoa đem gia nhân, mộ dân binh ở Hương Đường và các vùng phụ cận, tự thay cha làm chủ hương xá. Hai con của Đỗ Hùng là Đỗ Mỡ Huy, Đỗ Kim Sa hô hào dân Tịnh Thủy và các vạn chài Thượng Hộ, phường thủy cơ Cửa Vường tập trung thuyền bè, sắm sửa vũ khí, xếp thành đội ngũ tự đứng lên giành chính quyền các bản, xá. Làng Mỹ Lộc (nay thuộc xã Việt Hùng) có Nguyễn Tuấn, vợ là Trần Thị Khương vì bất hợp tác với chính quyền đô hộ, không chịu nộp con gái cho phủ thái thú, lại lấy cớ tuổi già không nhận chức tri huyện, giặc lấy cớ ấy vu án, giết hại. Con gái Nguyễn Tuấn là Ả Rồng (Long Nương) cùng chồng là Triệu Công Tằng, thị nữ Trần Thị Nguyệt cùng con em và dân quanh huyện hạt kết thành đội ngũ (300 quân), đóng đồn doanh tại bến sông Mỹ Lộc “đốt tre tươi mài thành mũi giáo, đập mảnh vại làm gươm”, tiến đánh các doanh trại giặc, giúp Bà Trưng thu hồi một giải Nam đạo trong cõi Lĩnh Nam…

Thần tích Nam Huân tổng (Kiến Xương) lưu trữ ở Viện Hán Nôm có ghi: Thời bấy giờ có người con gái tên là Kiều Hoa, vào tuổi đôi tám Kiều Hoa là “tuyệt sắc giai nhân”, tiếng đồn về tận phủ Thái Thú, Tô Định đem đồ lễ đến xin đón Kiều Hoa làm thiếp. Cha mẹ Kiều Hoa không nhận đồ sính lễ, Tô Định cho quân về giết vợ chồng ông. Ba anh em Hách Thanh, Hương Trản, Kiều Hoa dắt nhau đi tìm nơi ẩn náu, tìm cách “báo thù nhà, đền nợ nước”, họ đến náu mình tại chùa làng Kinh Nhuế. Được nhân dân Kinh Nhuế cưu mang, đồng cảm. Khi Hai Bà Trưng dấy binh, ba anh em họ hô hào dân ấp Kinh Nhuế tự vũ trang, lật đổ ngụy quân, ngụy quyền Kinh Nhuế, rồi kéo 8.400 nghĩa sĩ về Mê Linh đánh đuổi thái thú Tô Định. Cùng thời ấy ở ấp An Bồi có người con gái họ Cao tên Nhự Nương. Truyền ngôn rằng: “Thần họ Cao, tên Nhự, tuổi vừa đôi mươi, đẹp nghiêng nước, nghiêng thành, gồm cả tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh, lại tinh thông võ lược. Tô Định nghe tiếng, muốn ép làm vợ nhưng bị cự tuyệt, đã bức cha mẹ bà phải chết. Nhự Nương giả dạng tăng ni đạo sĩ lên chùa ở núi Yên Tử rồi trở lại chiêu tập anh hùng hào kiệt và trai tráng các xã lân cận được hơn 1.000 người, phất cờ khởi nghĩa ở cửa Tiểu Hoàng Giang (Trà Lý). Bà tự xưng là Cao Thiên Hoàng Bà, chiêu tập quân sĩ giao chiến với quân Tô Định. Khi Bà Trưng khởi nghĩa, Hoàng Bà liền đem quân sĩ của mình đứng dưới cờ của Hai Bà Trưng, lại được giao thêm ba vạn quân tiến thẳng về cửa Tiểu Hoàng Giang giao chiến với quân Tô Định, đánh nhau hơn 30 trận. Ngày 15/8 năm ấy Hoàng Bà lui quân về đóng tại ấp An Bồi, quê nhà. Trưng Trắc xưng vương bà được triệu về kinh phong tiếp Hoàng Bà là Minh Quý, cho quản thị nữ điện nội. Sau khi Hoàng Bà qua đời, tướng suý nghĩa binh, nhân dân nam phụ, lão ấu xã An Bồi tụ tập tại cựu đồn làm lễ điếu phúng, viết thần hiệu: Cao Thiên Hoàng Bà chủ A thiên binh tỉnh thành Nhự Tấu Minh Quý Đại Vương. Tôn vinh là thành hoàng, phụng thờ muôn vạn năm.

Quang Viện