Thứ 6, 28/06/2024, 17:52[GMT+7]

Thanh tảo Tiền Châu

Chủ nhật, 09/06/2024 | 20:35:07
3,136 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu, các nguyên mộ (người khởi xướng), thứ mộ dẫn “tòng mộ” đi tự do được phiên chế vào các giáp, lý, ấp hoặc tùy số dân mộ khá hơn để cử ra lý trưởng, ấp trưởng. Chỉ trong vòng 3 tháng, sở doanh điền Tiền Châu đã tập hợp được 109 nguyên mộ, trong đó có 93 người xuất thân dòng con cháu quan lại, nhà nho và giàu có, 16 nguyên mộ thuộc tầng lớp nghèo… Các vị có gia cảnh khá giả hoặc có kiến thức đều bám trụ vững, chỉ có 7 nguyên mộ nghèo bỏ cuộc (tương truyền, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cho qua, không truy cứu đòi bồi thường vì họ quá nghèo). Từ quy hoạch của doanh điền, những người dân chài khi xưa chỉ sống trên sông nước không một tấc đất cắm dùi, không ai quản lý nay đã có nơi buông neo, chung lưng đấu cật khai hoang, lấp trũng, bồi cơ để làm nhà, làm ruộng vườn…

Cư dân ven biển thuộc các xã Nam Chính, Nam Cường, Nam Hồng... vẫn kiên trì quật thổ, bồi cơ, tạo dựng cơ đồ của các bậc tiền nhân để lại.

Các nguồn khảo luận cho hay, thực chất, cuộc khởi nghĩa của Phan Ba Vành (1827) cốt lõi là do dân đói khổ mà nổ ra. Nắm được mấu chốt này, Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) đã dâng sớ, tấu lên triều đình Minh Mệnh, bản tấu chỉ rõ: “Người xưa chia cấp ruộng đất tạo nên của cải cho dân có nghề nghiệp thường xuyên an phận với ruộng đất trong làng, không ai còn có lòng tà nghĩ đến làm bậy. Tại trấn Nam Định, hai huyện Giao Thủy và Chân Định đất đai nhàn rộng mênh mông, tầm mắt trông xa không thấy bờ bến, không biết mấy ngàn, mấy trăm mẫu. Nay nếu cấp cho công nhỏ, truyền cho tập trung dân nghèo đến đó khai khẩn thì quốc gia chi phí tổn không bao nhiêu mà nguồn lợi tự nhiên sẽ được vô cùng vậy”… 

Đình thần triều Nguyễn bàn định lời tâu của Nguyễn Công Trứ, xin cho làm thử trong 3 năm. Ông tấu: “Vả lại Tiền Châu cỏ cây rậm rạp, bọn giặc cướp thường tụ họp ở đó; nay nếu khai phá, thời chẳng những bần dân có nghề nghiệp làm ăn mà cũng có thể tuyệt trừ đảng ác. Tâu xin ra lệnh cho các quan trấn mộ dân đến khai khẩn, cứ 50 người lập thành một làng, 30 người lập thành một ấp, tùy theo đất mà định cư. Các ngưu canh điền khí (công cụ sản xuất và trâu bò đều do quan cấp). 3 năm thành ruộng bắt đầu cho trưng, như thế thời đất không mất lợi mà dân đều hướng về nông nghiệp, nếp sống phiêu bạt trở nên thuần hậu…”. Vua Minh Mệnh tin ý chí và tài năng Nguyễn Công Trứ, phê rằng: “Chỉ cần nửa thời gian ấy là xong”. Vua phong ông là doanh điền sứ. Căn cứ vào số dân, diện tích đã trù liệu tâu lên đều được cấp đủ vốn theo yêu cầu. Ngay đầu năm ấy, Nguyễn Công Trứ đem theo vài người phụ tá đến Nam Định gặp gỡ các quan sở tại, trực tiếp làm việc với tri phủ Thiên Trường, Kiến Xương và tri huyện Trực Định, Xuân Trường, Giao Thủy yêu cầu giúp đỡ, cùng vận động các phú hào, thân sĩ phối hợp. Ông cho niêm yết chỉ dụ của triều đình và chế độ, chính sách doanh điền tại các đình làng, điếm canh, dịch quán. Mỗi một lý đủ 50 đinh sẽ được cấp 100 quan tiền làm nhà ở, 40 quan tiền mua nông cụ, 300 quan tiền mua trâu, bò, cộng bằng 440 quan. Mỗi ấp đủ 30 đinh được cấp 60 quan tiền làm nhà, 24 quan tiền mua nông cụ, 180 quan tiền mua trâu, bò, cộng bằng 264 quan. Mỗi trại đủ 15 suất đinh được cấp 30 quan tiền làm nhà, 12 quan tiền mua nông cụ, 90 quan tiền mua trâu, bò. Mỗi giáp đủ 10 đinh được cấp 20 quan tiền làm nhà, 8 quan tiền mua nông cụ, 60 quan tiền mua trâu, bò. Ai tổ chức được 10 đinh đi khẩn hoang được làm giáp trưởng; 15 đinh được làm trại trưởng; 30 đinh được làm ấp trưởng; 50 đinh được làm lý trưởng không thời hạn. Mỗi dân đinh đi khẩn hoang được cấp đủ 6 tháng lương thực, mỗi gia đình đi theo đều được cấp đất ở rộng rãi, đất vỡ hoang được chia theo chế độ ruộng công, cho miễn tô thuế trong 3 năm đầu rồi mới chiếu thu thuế ruộng tư (nhẹ hơn thuế canh tác trên ruộng đất công). Ai muốn tổ chức doanh điền sẽ đăng ký tên họ, làm cam kết, đi nhận đất, nhận tiền. 

Văn phòng doanh điền đặt tại làng Ngoại Đê, xã Tiểu Hoàng (nay thuộc thị trấn Tiền Hải), chi nhánh văn phòng đặt tại thôn Năng Tĩnh (nay thuộc xã Nam Chính). Nguyễn Công Trứ đã trực tiếp gặp gỡ chánh phó lý trưởng, hương hào các làng Đại Hoàng, An Khang, Tiểu Hoàng, Diêm Điền, Quản Bắc, Phương Công, Doãn Trung, Đồng Xâm, Doãn Thượng, Đông Hào, Nam Đồng (huyện Trực Định, nay đều thuộc huyện Kiến Xương), Phúc Khê, Thần Huống (huyện Thanh Quan, nay thuộc huyện Thái Thụy), hiểu dụ cho dân xã, vận động trai đinh đi khẩn hoang, làm việc ích nước, lợi nhà. Theo chỉ dụ của Minh Mệnh, cũng trong năm ấy “nên xuất nhiều vật hạng trong kho ra mà làm khiến cho mười phần kiên cố để phòng ngừa nạn nước dâng lên lần nữa, đình thần nghị tâu: “Sông hạng trung (cỡ như sông Trà Lý) mặt rộng 1 trượng 2 thước, chân đê 4 trượng, bề cao 1 trượng; sông nhỏ (cỡ sông Lân, sông Cá) mặt đê 9 thước, chân đê 3 trượng, cao 9 thước”, “Đất có nơi cao, nơi thấp, nên lấy nước làm chuẩn đích, tùy theo thế nước mà thi hành công tác, hoặc cần tăng thêm bề rộng, chiều cao thời làm bản dự trù tâu lên. Đến mùa đông nước đã rút. Tâu xin thuê dân khởi công thi hành”. Về tổ chức khẩn điền, Nguyễn Công Trứ đã tổng kết kinh nghiệm các đợt doanh điền vùng Nam Bộ, gặp gỡ một số dân sớm trụ bám ở Đồng Châu thuộc các họ Mai, Nguyễn, Phan - những gia đình sớm bám trụ trên bãi Tiền Châu, ông Phạm Duy Minh (quê Xuân Trường, Nam Định) và Phan Trọng Lạn (thân quyến Phan Bá Vành - quê Minh Giám, Chân Định) về quyền lực lao động địa phương, luồng lạch dòng chảy, đỉnh cao triều cường, vàm cao, bãi trũng; lại trực tiếp làm việc với chánh phó tổng, chánh phó lý, hương hội, vận động dân làng cựu trong nội đồng giúp đỡ những người dám tiên phong đi lấn biển, làm giàu cho quê hương. Người dân xã Nguyệt Lâm (xã Minh Giám cũ) giúp dân khai ấp Nho Lâm và Tân Cơ. Giao nguyên mộ Phan Trọng Lạn quản các nguyên mộ, tòng mộ vùng Thủ Chính, Trung Lập, Đông Quách, Năng Tĩnh, Dưỡng Chân. Dân xã Đại Hoàng giúp đỡ dân xã mới Đại Hữu, dân xã An Khang giúp dân xã mới Vĩnh Ninh, dân xã Tiểu Hoàng giúp dân xã mới Hoàng Tân. Dân xã Diêm Điền (Thủ Điền) giúp dân xã mới Diêm Trì. Dân xã Đồng Xâm giúp dân xã mới Tân Bồi. Nguyễn Công Trứ tận dụng sông Long Hầu (lạch ven biển Chân Định cũ, nối từ sông Trà Lý sang sông Lân) làm trục lấy nước ngọt, dựa vào dòng trũng phía đồng bãi Tiền Châu, xây 2 cống lớn để tiêu úng. Từ phía Nam sông Trà Lý đến cửa Lân, tùy theo số dân ấp đều được chia theo chiều dọc “Thượng chí Long Hầu, hạ chí Hải Thâm”, mỗi lý có bề ngang 600m, mỗi ấp có chiều ngang 360m. Dân các lý, ấp chia bổ dân công đào 14 sông chạy song song dẫn thủy từ Long Hầu ra biển (dân huyện Tiền Hải quen gọi là sông Xương Cá). Sông giữa các lý lòng rộng 5m, giữa các ấp lòng rộng 3m. Tùy theo địa hình có thể sâu từ 2 - 3m (hiện nay do nước cuốn lở bờ, nhiều lần khơi vét, dòng sông đào đã to gấp 2 - 3 lần lúc khởi đầu). 

Quang Viện