Thứ 6, 28/06/2024, 17:55[GMT+7]

Trầm tích Hàm Châu

Thứ 6, 14/06/2024 | 09:53:34
5,221 lượt xem
Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn 974 - 1028), tự tay viết bài minh bi ký thương tiếc Anh Dực tướng quân Bùi Quang Dũng (921 - 1018), ca ngợi đức trung quân của ông: “Trẫm cho rằng công cuộc mở nền dựng nước dù là chủ trương của bậc nhân quân, song việc dẹp loạn binh nhung phần lớn trông cậy vào sự nỗ lực của các tướng soái tài ba. Từ xưa đến nay đều như thế. Ðó là lý và cũng là thế vậy. Tuy nhiên, ở vào thời thái bình thịnh trị, bổn phận làm người bề tôi tốt thì dễ. Nhưng nếu ở vào cái thế cục bế tắc điên đảo, mà làm kẻ trung thần mới khó. Huống chi ở vào tình thế khó khăn mà tìm được trung thần lại càng khó. Tìm được bậc trung thần mà người đó lại biết bảo toàn sinh mệnh mình thì lại càng khó hơn nhiều”...

Chùa Sùng Nghiêm được xây dựng trên nền đất Hàm Châu cổ xưa, vùng đất Anh Dực tướng quân Bùi Quang Dũng dựng cơ nghiệp phò 3 đời vua gìn giữ giang sơn, xã tắc.

Theo các tài liệu khảo cứu, thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) mới có lịch sử hình thành, phát triển hơn một trăm năm kể từ thời thực dân Pháp đô hộ, thời điểm thực dân Pháp hoàn thành kế hoạch chiếm đóng nước ta những năm 1894 - 1895. Để thuận cho việc cai trị, khai thác và bóc lột nhân công, ngày 4 tháng 2 năm 1895, Kinh lược xứ Bắc Kỳ ra quyết định sáp nhập các làng Kỳ Bá, Bồ Xuyên (Bồ Xuyên tả và Bồ Xuyên hữu, nay thuộc 3 phường: Kỳ Bá, Bồ Xuyên và Hoàng Diệu) vào phủ lỵ Kiến Xương để lập ra thị xã Thái Bình. Thành phố Thái Bình nay, trước đây là vùng đất được các bậc vương triều thế kỷ thứ X gọi là Kỳ Bố Hải Khẩu. Vào thời điểm đó, Kỳ Bố Hải Khẩu còn là cửa biển và tên Kỳ Bố (hoặc Kỳ Bá) gắn liền với nhân vật lịch sử huyền thoại, sứ quân Trần Lãm. Ông là 1 trong 12 sứ quân liên quan đến giai đoạn lịch sử sau thời Ngô Quyền đến thời nhà Đinh khoảng giữa thế kỷ thứ X. Tên làng Kỳ Bá gắn bó với vùng đất này trên một ngàn năm và nay được chuyển gọi là phường Kỳ Bá của thành phố Thái Bình. Tên xã Trần Lãm (nay là phường) là để lưu danh sứ quân Trần Lãm đóng quân tại đây, khởi nguồn cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân khác, thống nhất giang sơn.

Căn cứ vào nghiên cứu của các sử gia, nhờ vào sứ quân Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn và lên làm vua. Để lập được triều đình nhà Đinh, ngoài Đinh Tiên Hoàng còn có nhiều tướng lĩnh trung thành, uy dũng, trong đó có tướng công Bùi Quang Dũng danh tướng khai quốc công thần của nhà Đinh (968 - 980), người có trên 90 năm trung thần với 3 triều Đinh - Tiền Lê - Lý. Khi còn tại vị, vua Đinh Tiên Hoàng (926 - 979) phong ông là “Trấn Đông tiết độ sứ”, sau khi nhà Đinh phế ngôi, vương triều về tay nhà Lê (Thập đạo tướng quân Lê Hoàn - Tiền Lê), Bùi Quang Dũng về động Trinh Thạch sống cuộc đời ẩn dật. Nhà Tiền Lê suy vi, Lý Công Uẩn lên ngôi (Lý Thái Tổ), ông được vua mời từ động Trinh Thạch trở về kinh thành Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ gọi ông là “Minh Triết Phu tử”. Khi ông mất vua Lý Thái Tổ đã cử quan triều đình về tổ chức tang lễ cho ông tại ấp Hàm Châu (nay là làng Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình). Vua Lý cho khắc văn bia, thương nhớ Bùi Quang Dũng: “Trẫm ban thêm chế sách tặng Mỗ là Trinh Quốc công lại gia phong mỹ tự dựa trên đức độ bình sinh của Mỗ: “Cương nghị, bất khuất, chính trực, không a tòng”. Và ban tên thụy: Cương Chính tướng công. Lại truy phong cho tiên khảo (cha) của Mỗ là Khải tá công, tiên mẫu (mẹ) là Khải Tá công phu nhân. Ðể biểu dương tấm lòng của Mỗ và cũng là để bộc bạch tấm lòng chuộng hiền của Trẫm vậy”.

Thực ra, Bùi Quang Dũng không phải quê ấp Hàm Châu, mà ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở đất Phong Châu (nay là tỉnh Phú Thọ). Có tài liệu ghi, từ thuở nhỏ Bùi Quang Dũng đã nổi tiếng thông minh “học một hiểu mười” và có trí nhớ siêu đẳng. Lúc tuổi trưởng thành, Bùi Quang Dũng đã nức tiếng gần xa về tài ứng đối văn, võ song toàn. Sau khi Ngô Quyền (898 - 944) mất, “Tĩnh Hải Quân” tên nước ta thời đó lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân. Năm Bính Dần (966), Bùi Quang Dũng đã ngoài 40 tuổi, biết ông là người có tài, văn thao võ lược, tinh thông binh pháp, sứ quân Ngô Xương Xí (chiếm giữ vùng Bình Kiều - Triệu Sơn - Thanh Hóa) và Kiều Công Hán sứ quân giữ đất Phong Châu (Bạch Hạc - Vĩnh Phúc) đều cho người đến thuyết phục lôi kéo ông về với sứ quân. Bùi Quang Dũng từ chối cả hai sứ quân. Ông lấy lý do “Tôi con nhà bần nông, chỉ quen việc cày cấy, gặt hái, sớm tối vui với ruộng vườn mà thôi. Còn việc đời thực không biết gì... các người muốn chiêu dùng mà tôi thì nhút nhát, hèn kém rồi người đời lại cười các ngài nhầm lẫn tôi. Tôi thực sự không có tài gì, người ta đồn đại vậy thôi”.

Theo các tài liệu khảo cứu, dù viện cớ vậy nhưng các sứ quân không tin, họ không để Bùi Quang Dũng sống ẩn dật yên thân. Đỗ Cảnh Thạc (sứ quân chiếm giữ Đỗ Động - Bảo Đà - Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) cho người nhà là Nguyễn Văn Thao đến nhà Bùi Quang Dũng xin trọ học để thăm dò, lôi kéo ông về với sứ quân của mình. Trong cuốn Bùi Gia thế trạng chép: “Ông Thao ở với gia đình cụ gần 1 tháng, cụ thường đem chuyện cày cấy, buôn bán ra nói, hễ ông Thao đả động đến chuyện loạn lạc của đất nước, “cụ” (Bùi Quang Dũng) chỉ ngồi im lặng nghe, khi bàn đến chuyện trận mạc, cụ tỏ ra sợ hãi”. Sau khi thám thính, không thấy Bùi Quang Dũng có biểu hiện quan tâm đến chính sự, Thao cho rằng, ông không có tài cán gì, vội về tâu với Đỗ Cảnh Thạc: “Người ta đều khen hắn là tài trí, nhưng tôi xem hắn chỉ là hư danh mà thôi”. Các sử gia bình rằng: Bùi Quang Dũng không phải là người tài hèn, sức mọn như ông nói, ông là người cẩn trọng chọn minh quân, ông từng thốt lên: “Thờ vua phải biết chọn người, những người ấy (chỉ Ngô Xương Xí, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hán) thì làm được gì. Bây giờ chưa phải thời, chưa đến lúc chọn được minh chủ”. Chờ đợi nhiều năm, cho đến Đinh Mão niên (967), ông nghe tin Đinh Bộ Lĩnh, con nuôi sứ quân Trần Lãm tài trí hơn người ở Kỳ Bố, nổi lên dẹp được nhiều sứ quân trong “loạn 12 sứ quân”, Bùi Quang Dũng đã tìm về với Đinh Bộ Lĩnh. Với tài tham chính của Bùi Quang Dũng, các sứ quân lần lượt bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, đất nước trở lại thanh bình, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua. Năm Mậu Thìn (968) Đinh Bộ Lĩnh lấy hiệu là Đại Thắng Đinh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô, lấy niên hiệu là Thái Bình, phong thưởng cho các tướng sĩ. Bùi Quang Dũng được phong là Anh Dực tướng quân, sung Điện tiền đô chỉ huy sứ kiêm thiêm sự. Năm 971, ở vùng Kỳ Bố, Ngô Văn Kháng nổi lên chống nhà Đinh, triều đình cử tướng đi dẹp loạn nhưng bị thất bại. Sau vua Đinh cử Bùi Quang Dũng cầm quân thảo phạt, bằng uy đức của mình, ông đã thuyết phục được Ngô Văn Kháng quy hàng. Vua Đinh phong ông là Trấn Đông tiết độ sứ, Tổng thống kiêm lý ba đạo, vua cho ông đóng quân ở thành Kỳ Bố, sau lại thăng hàm Đặc khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tước An Tĩnh hầu.

Vua Lý Thái Tổ viết: “Oai hổ đánh đông dẹp bắc, mà cáo cày tan tác dấu chân. Thiên hạ đều ngợi ca là bậc anh hùng hào kiệt. Khi Ðinh Tiên Hoàng thống nhất giang sơn một mối, bước lên chín bậc cửu trùng lấy Mỗ (tức Bùi Quang Dũng) từ chức Anh Dực tướng quân sung vào Ðiện tiền Chỉ huy sứ, kiêm thiêm sự; triều nghi rực rỡ, công huân lẫy lừng. Thế rồi bọn giặc bể ở Kỳ Bố lại khởi loạn, Mỗ lại được sung chức Trấn Đông tiết độ sứ. Mỗi khi Mỗ tới thì giặc biển liền tan. Trẫm lại cho thăng lên Ðặc tiến khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tiến tước Tĩnh an hầu”.


Quang Viện