Chủ nhật, 07/07/2024, 21:34[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình - Ấn tượng đẹp với du khách

Chủ nhật, 19/02/2017 | 17:12:31
2,729 lượt xem
Nhờ thực hiện tốt nếp sống văn minh nên lễ hội đền Trần Thái Bình đã cơ bản hạn chế được các tệ nạn, sự biến tướng, giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh, tạo được ấn tượng đẹp đối với du khách thập phương.

Lễ rước nước trên sông Hồng.

Ðến lễ hội đền Trần Thái Bình, điều du khách có thể cảm nhận rõ nhất đó là cảnh quan môi trường tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần sạch đẹp. Với diện tích 5.175m2, đón từ 7.000 - 8.000 lượt người tham quan mỗi mùa lễ hội, hiếm có một lễ hội nào có thể giữ được không gian cảnh quan như ở đền Trần. Khu vực nội tự đền đều được bố trí lực lượng vệ sinh, thường xuyên thu nhặt vàng hương và bao sái ban thờ. Trong khuôn viên di tích và các con đường dẫn vào đền được bố trí thùng đựng rác ở những vị trí phù hợp nhất, giúp du khách có thể dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định. Không phải chịu cảnh “tả tơi như đi hội”, không cay mắt, nghẹt thở vì khói hương hay cảnh chen lấn, xô đẩy vẫn thường diễn ra ở các lễ hội truyền thống, người tham quan lễ hội đền Trần Thái Bình được tận hưởng cảm giác thư thái, thoải mái, không bị gây phiền hà bởi những hoạt động tín ngưỡng mang yếu tố mê tín dị đoan. Tới tham quan và dâng hương tại đền Trần Thái Bình, chị Phan Hoài Anh ở xã Song Lãng (Vũ Thư) chia sẻ: Tới lễ hội đền Trần Thái Bình, tôi không gặp các hiện tượng như chào mời du khách xem bói, rút thẻ, tán thẻ, xem tướng số, thay vào đó là không gian của những nghi thức, những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như lễ rước nước, rước bộ, các trò chơi dân như thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, vật cầu, kéo co, kéo lửa thổi cơm cần… vô cùng hấp dẫn. Theo tôi, những nét văn hóa này đã góp phần tôn vinh giá trị của lễ hội, tạo được ấn tượng đẹp đối với du khách.

Ðến lễ hội đền Trần Thái Bình, những hiện tượng như ăn mặc phản cảm, hút thuốc lá trong khu vực di tích được hạn chế đến mức tối đa, ở khu vực thờ cúng đều có biển hướng dẫn người dân để giày dép đúng nơi quy định, được mọi người nghiêm túc chấp hành... Việc thắp hương, đốt nến, cúng vàng mã cũng không còn xảy ra tràn lan, nhờ đó công tác phòng, chống cháy, nổ dễ dàng được kiểm soát.


Lễ rước linh vị các vua Trần.

Ðể đạt được thành công trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, trước khi lễ hội bắt đầu khoảng một tháng, UBND huyện Hưng Hà đã thành lập ban tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình với sự tham gia của các ban, ngành liên quan, lên kế hoạch để tổ chức, chỉ đạo các hoạt động trong lễ hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các thành viên ban tổ chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc công việc được giao nhằm bảo đảm một mùa lễ hội diễn ra an toàn, lịch sự, văn minh. Bà Bùi Thị Phương, thành viên tổ vệ sinh cho biết: Tổ vệ sinh chúng tôi có 8 người, 2 người làm việc trong bếp còn lại 6 người dọn dẹp trong khu vực đền. Vào mùa hội, du khách đến tham quan rất đông, chúng tôi làm việc liên tục, gần như không có giờ nghỉ, mặc dù khá vất vả nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc để bảo đảm không gian sạch đẹp cho lễ hội.

Theo ông Ðỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà: Ðể bảo đảm công tác an ninh, an toàn mùa lễ hội 2017, bên cạnh lực lượng an ninh được huy động tại huyện, xã, ban tổ chức lễ hội đã xin tăng cường thêm 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh. Ngày khai hội, dù số lượng du khách rất đông nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy gây tắc nghẽn giao thông, hiện tượng gây rối, mất trật tự nơi công cộng đã không xảy ra. Trong những ngày diễn ra lễ hội luôn có lực lượng công an thường trực kiểm tra và giải quyết các sự việc phát sinh. Lễ hội năm nay, với nghi thức rước nước trên sông Hồng, để bảo đảm an toàn cho đoàn rước, ban tổ chức cũng giới hạn số lượng người được lên thuyền, các thành viên tham gia đoàn rước nước được trang bị áo phao, các thuyền có đội ngũ công an giám sát nhằm xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Công tác phòng, chống cháy, nổ được kiểm tra sát sao, tiểu ban an ninh thường xuyên kiểm tra an toàn đường điện, không để xảy ra tình trạng chập, cháy, nổ gây gián đoạn các hoạt động trong lễ hội.


Du khách xin chữ tại đền Trần Thái Bình.

Lễ hội truyền thống ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, hạn chế các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan là việc làm cần thiết góp phần thỏa mãn nhu cầu về sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của nhân dân, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm đa dạng, phong phú, lành mạnh. Từ việc thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội đền Trần Thái Bình, mong rằng sẽ có thêm nhiều lễ hội truyền thống trong tỉnh được tổ chức hợp lý, hạn chế tối đa những biến tướng, sai lệch...



Ông Nguyễn Hữu Dũng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên)

Tôi đã từng đi qua nhiều lễ hội từ hội Lim, đền Bà Chúa Kho, đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng mấy năm nay tôi chọn đền Trần Thái Bình là điểm đến đầu xuân. Về đền Trần Thái Bình, tôi thấy thoải mái khi thực hiện công việc của mình, góc thư pháp của chúng tôi rất được sự quan tâm của du khách thập phương, không có hiện tượng vụ lợi, cạnh tranh, người cho chữ và người xin chữ gặp nhau bằng sự yêu mến nghệ thuật. Bên cạnh đó, an ninh trật tự được bảo đảm, ý thức của người tham dự lễ hội văn minh, lịch sự cũng là yếu tố tạo nên sự gắn bó của tôi với lễ hội đền Trần Thái Bình. Những năm tiếp theo, nếu còn sức khỏe tôi sẽ vẫn trở về lễ hội đền Trần Thái Bình.

Bà Nguyễn Thị Chung (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang)

Ðây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ hội đền Trần Thái Bình, tôi ấn tượng nhất với đêm khai hội, một chương trình được thực hiện quy mô, hoành tráng đọng lại trong người xem nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, nhà đền đón tiếp du khách thập phương rất tận tình, chu đáo, chúng tôi có gì không hiểu đều được các thành viên ban tổ chức, đội ngũ hướng dẫn viên chỉ dẫn tận tình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tôi thấy ý thức của người tham dự lễ hội cũng rất tốt, mọi người đều có ý thức chung để giữ gìn sự tôn nghiêm cho di tích.

Em Ðỗ Thị Ánh Ngọc, học sinh lớp 9A Trường THCS Thái Học (Thái Thụy)

Trước đây em ít theo dõi các trò chơi dân gian, đến lễ hội em được xem các trò chơi như thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, kéo lửa nấu cơm cần… em thấy rất thú vị và hiểu thêm những nét đẹp văn hóa dân tộc. Thế hệ trẻ chúng em ít có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật dân gian nên không hiểu hết hoặc hiểu chưa đúng những giá trị truyền thống, em mong muốn lễ hội nào cũng có thật nhiều những trò chơi dân gian như lễ hội đền Trần Thái Bình.

Thảo Tiên–Thành Tâm