Chủ nhật, 07/07/2024, 20:42[GMT+7]

Cảnh báo cháy, nổ ô tô do “độ” thiết bị điện

Thứ 3, 28/02/2017 | 16:13:51
2,550 lượt xem
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ cháy xe ô tô, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân ban đầu được các lực lượng chức năng xác định là do chủ xe tự ý lắp thêm thiết bị điện, ngoài thiết kế của xe gây quá tải hệ thống điện.

Phương tiện kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình.

Mặc dù đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hiện nay rất nhiều phương tiện vận tải hành khách, loại từ 24 chỗ ngồi trở lên đến xe khách giường nằm hai tầng gần như đều được chủ phương tiện tự ý lắp thêm màn hình tivi, đầu đĩa, dàn âm thanh… Các chủ xe cho biết, việc lắp thêm màn hình tivi, đầu đĩa hay dàn âm thanh là việc cần thiết để phục vụ hành khách giải trí. Việc lắp thêm này rất dễ, chi phí từ 10 - 15 triệu đồng. Một số xe còn lắp thêm bảng chữ điện tử khá bắt mắt phía kính trước của xe đề tuyến chạy, tên nhà xe… Ngoài ra, nhiều xe còn được trang bị cả hệ thống đèn led chạy dọc hai bên thành xe để trang trí và cảnh báo khi chạy đêm ở những cung đường miền núi.

Đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy xe ô tô gần đây liên quan đến việc lắp thêm thiết bị điện, chủ một gara ô tô trên địa bàn thành phố Thái Bình cho biết, dây dẫn điện dùng cho ô tô có tiêu chuẩn riêng như phải bọc lót giấy bạc để chịu nhiệt, chịu ẩm cũng như được định vị có khoảng cách với các chi tiết phát nhiệt. Vì vậy, việc “độ” thêm các dây dẫn, thiết bị sử dụng điện trên ô tô là một trong những nguyên nhân có thể gây ra chập dây điện hoặc quá tải điện, dẫn đến cháy phương tiện. Nguy cơ lớn nhất là với những trường hợp dây dẫn không đáp ứng tiêu chuẩn của loại vật liệu dùng cho phương tiện giao thông hoặc khi lắp đặt có sự tiếp xúc trực tiếp với bộ phận phát nhiệt. Bên cạnh đó, nhiều loại phụ kiện, đồ chơi ô tô trên thị trường hiện nay không được kiểm soát tốt về chất lượng khiến người mua không biết đằng nào để lựa chọn. Việc sử dụng các thiết bị kém chất lượng đương nhiên sẽ dẫn tới quá tải, chập điện, gây cháy, nổ…

 Kỹ sư  Phạm Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (17 - 01S) cho biết: Hiện nay, tình trạng xe khách lắp thêm tivi, dàn âm thanh diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là trên các xe kinh doanh vận tải hành khách từ 24 chỗ ngồi trở lên. Mặc dù đã được các lực lượng chức năng nhắc nhở, kiên quyết không đăng kiểm nhưng do việc tháo, lắp rất dễ dàng, nhanh chóng nên các chủ xe thường tháo ra khi đi đăng kiểm và cho lắp lại ngay sau đó. Để ngăn các trường hợp sau khi rời Trung tâm Đăng kiểm chủ phương tiện tự ý đấu nối lại các thiết bị sử dụng điện, Trung tâm đã phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra các bến xe trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện xe tự ý đấu nối thiết bị sử dụng điện sẽ thu hồi chứng chỉ kiểm định… 

Từ đầu năm 2017 đến ngày 21/2/2017, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình đã tiến hành kiểm định cho 2.197 lượt phương tiện xe cơ giới, trong đó có hơn 1.858 phương tiện đạt tiêu chuẩn lần 1 và được cấp giấy phép lưu hành theo đúng quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam. 

Trong thời gian tới, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình sẽ chỉ đạo đội ngũ đăng kiểm viên lưu ý kiểm định hệ thống điện, đặc biệt là với xe khách để phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp tự đấu nối điện, lắp thêm các thiết bị sử dụng điện, trừ thiết bị giám sát hành trình. Trước đó, từ năm 2016, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo hệ thống đăng kiểm không cấp chứng nhận kiểm định cho xe khách tự đấu nối, lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện năng, đồng thời thu hồi chứng nhận kiểm định đối với các xe cố tình vi phạm để phòng ngừa nguy cơ chập cháy phương tiện.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra xe khách tại Bến xe khách trung tâm Thái Bình.

Mặc dù tại tỉnh ta chưa có vụ cháy, nổ xe nào liên quan đến việc “độ” thiết bị điện nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo tới các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không tự ý lắp thêm thiết bị điện gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.


Khuyến cáo của cơ quan chức năng
 
Người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất; tuân thủ quy trình vận hành bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, nên thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng; thường xuyên kiểm tra phương tiện, khi phát hiện thấy dấu hiệu khác lạ như: khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu bất thường, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét cần khắc phục ngay; không để các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, trong khoang động cơ…


Phạm Hưng