Thứ 3, 02/07/2024, 23:56[GMT+7]

Nhớ Tết xưa

Thứ 6, 09/02/2018 | 15:18:39
2,444 lượt xem
Ngày chúng tôi còn nhỏ, mỗi khi tết đến là đứa nào cũng náo nức vì được vui chơi, không phải đi học. Quan trọng hơn là mấy ngày tết được ăn cơm không độn khoai, độn sắn.

Quê tôi nghèo lắm, quanh năm suốt tháng phải ăn cơm độn, chỉ có hai phần gạo, tám phần độn. Nhà tôi gần chợ. Phiên chợ ba mươi tết là đông nhất. Người từ khắp nơi đổ về đông nghịt. Nhiều người phải đi từ một, hai giờ sáng mới có chỗ ngồi bán hàng. Bọn trẻ chúng tôi thích nhất là chỗ ông bán tò he. Chúng tôi vây quanh ông, nhìn không biết chán những con tò he xanh xanh, đỏ đỏ. Mấy đứa nghịch ngợm thì cứ đến chỗ người ta gửi xe đạp, mắt trước mắt sau là xoáy cho nhanh cái nắp van xe đạp để về làm cái nổ pháo diêm. Trước đó chúng đã kiếm được khúc gỗ ổi, dài hai, ba mươi phân, khoét một lỗ bằng cái nắp van xe đạp, nhồi thuốc diêm vào, có một cái đinh cắm vào lỗ, đập mạnh xuống hòn đá sẽ phát ra tiếng nổ, tùy theo lượng thuốc diêm nhiều hay ít mà tiếng nổ to hay nhỏ. Tuy cuộc sống lúc đó khó khăn nhưng tết đến nhà nào cũng gói bánh chưng. Tôi là con trai duy nhất trong nhà, trên tôi có hai chị gái, dưới là em gái. Thầy tôi bảo: Nhà có mình con là con trai, phải tập gói bánh để tết đến còn biết làm chứ ngày tết nhà nào cũng bận, không nhờ được ai gói giúp cho đâu. Tôi bảo: Thầy ơi, sau này người ta thuê gói hoặc mua bánh nấu sẵn chứ ai đi gói cho mất thời gian. Lúc đó tôi chỉ nói thế để thầy tôi không bắt học gói bánh chưng thôi chứ tôi đâu phải nhà tiên tri để dự đoán như bây giờ người ta mua bánh chín về cúng tổ tiên.

Vui nhất là quê tôi có con sông dài đến cả cây số, cá tôm sinh sản tự nhiên, không ai nuôi thả mà cứ sinh sôi, đàn đàn, lũ lũ. Tầm hai lăm tết, làng tổ chức đánh cá ăn tết. Người vác nơm, kẻ mang vó kéo xuống đánh bắt cá. Bắt được bao nhiêu đem về nhà hết, không phải nộp cho ai cả, lũ trẻ chúng tôi cởi trần chạy ven bờ cổ động như hội thi bơi chải vậy. Ai kéo được cá là la hét ầm ĩ, cứ như mình bắt được cá vậy. Người ta dàn hàng ngang, quét từ đầu sông đến cuối sông, không con cá nào chạy thoát, có con cá nhảy lên cao là cả biển người la ó, vỗ tay vang dậy một khúc sông. Con sông quê tôi vào mùa lũ nước dâng cao, ngập cả cây cầu bằng đá, dân làng gọi là cầu Đá. Tôi là con một, thầy tôi sợ tôi ra sông tắm, nhỡ không may bị chết đuối nên ông kể cho tôi nghe những câu chuyện về người chết đuối ở con sông này. Ông bảo người chết đuối muốn lên cạn để hồn được về với gia đình thì phải dìm được người khác mới được lên. Thầy tôi dọa thế tôi cũng chẳng sợ, chính con sông ấy đã dạy tôi biết bơi, biết lặn. Mùa hè lũ trẻ chúng tôi thường ra sông tắm. Tắm cho mát nhưng sợ về mẹ đánh nên cứ ra đứng nắng cho khô đầu mới dám về nhà. Một lần tôi đi tắm trộm, thằng em con ông chú họ về mách mẹ tôi là tôi đang tắm sông, thế là mẹ tôi cầm một cái roi dài ra sông tìm, may là có cái cầu đá mà hôm đó tôi không bị đánh đòn. Bây giờ người ta lấp hết con sông để làm nhà, chỉ còn một đoạn ngắn ở cuối sông thôi. Mỗi lần về thăm quê tôi lại ra nơi có con sông ngày xưa để nhớ về tuổi thơ từng gắn bó với chúng tôi.

Tết đến thích nhất là được mặc quần áo mới. Ngày đó có cái áo trắng với cái quần xanh sỉ lâm là oách nhất rồi. Nhưng phải sáng mùng một tết mới được mặc quần áo mới chứ không được diện sớm đâu. Sau ba ngày tết giặt sạch sẽ cất vào rương vào tủ để dành, có khi lúc mang ra mặc thì quần áo đã cộc hết rồi. Việc cắt tóc thôi cũng cần cắt cho đầu mới, ai cũng để đến ngày giáp tết mới đi cắt tóc nên bận rộn nhất ngày tết đến là ông thợ cắt tóc. Cạnh nhà tôi có bà cụ Dừa (tên con gái cả cụ là Dừa nên gọi là bà Dừa chứ tôi không biết tên tục của cụ là gì) buôn bán lặt vặt ở chợ, cứ tối ba mươi tết là cụ sang nhà đưa cho tôi mấy đồng xu, dặn tôi sáng mai sang nhà dùng tiền này chúc tết cho bà lấy may rồi bà mừng tuổi cho đồng tiền khác. Ngày đó quê tôi nghèo lắm, cơm không có ăn, quần áo không đủ mặc, mùa đông chỉ đắp cái chiếu, hai chân thì chui vào cái bao bì, bên dưới quây cái ổ rơm nằm cho đỡ rét. Vậy mà tôi đã lớn lên qua những mùa đông giá lạnh như thế. Năm tôi học lên cấp III, nhà nghèo không có xe đạp, trường sơ tán cách làng tôi bảy cây số, hàng ngày tôi phải cuốc bộ đến trường. Bài tập thường soạn tối hôm trước, bài học thuộc lòng để sáng hôm sau đi đường học, cứ đến lớp là tôi học thuộc một bài sử hoặc bài thơ. Lúc đó đang có chiến tranh, quê tôi là vùng trọng điểm giặc Mỹ bắn phá nên trường phải sơ tán. Trở lại chuyện tết, mặc dù cả năm phải ăn đói nhịn khát, thậm chí quanh năm ăn cơm độn, vậy mà mấy ngày tết, lũ trẻ chúng tôi chẳng thiết gì đến ăn uống, suốt ngày chỉ ham đánh đáo ăn tiền. Lúc đó có tiền xu, mỗi ván chỉ đánh hai xu, thua được cả buổi chỉ một hai hào mà vui lắm, quên cả ăn cơm. Bác cành trên với thầy tôi, có bốn anh em mọi người phân công mỗi nhà đem cỗ đến cúng gia tiên một bữa. Bác cả cúng ngày ba mươi, bác hai cúng ngày mùng một, cứ như vậy hết ba ngày tết. Đến nhà nào cúng phải làm mâm cơm đem đến, cúng xong mọi người cùng ăn cơm vui vẻ, cuộc sống nghèo khó sao mà ấm cúng thế.

Tôi sống xa quê. Nỗi nhớ quê da diết, nhất là chiều ba mươi tết. Hình ảnh tết xưa và kỷ niệm tết quê cứ quyện lấy tôi. Mấy lần tết đến tôi muốn ôn lại những cái tết nghèo khó xưa nhưng vì bận công việc nên nghĩ được đấy mà không sao viết được. Bây giờ thầy mẹ tôi đã thành người thiên cổ. Lắm lúc tôi cứ ước ao giá các cụ còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến cuộc sống đã đổi thay như thế nào. Và thầy tôi sẽ thấy, bây giờ người ta mua bánh chưng làm sẵn chứ ít người gói lắm, chuyện mà năm mươi năm trước tôi đã trả lời thầy tôi. Lúc đó, đúng là chuyện cổ tích.

Phạm Viết Thanh

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày