Thứ 6, 05/07/2024, 09:34[GMT+7]

Thái Thụy: Nỗi lo đê, kè trước mùa mưa, bão

Thứ 6, 26/05/2017 | 08:38:13
1,528 lượt xem
Thái Thụy là huyện ven biển có chiều dài đê, kè nhiều nhất tỉnh. Mùa mưa, bão năm nay sắp đến nhưng trên địa bàn huyện hiện còn nhiều tuyến đê, kè xung yếu, công trình phòng, chống thiên tai xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và bất lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.

Thi công đê tả sông Diêm Hộ, đoạn qua xã Thụy Liên (Thái Thụy).

Toàn huyện có 87,3km đê đi qua địa bàn 23 xã, thị trấn, trong đó 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông, 31,1km đê biển; 64 cống dưới đê; 20 kè lát mái, 28km kè hộ bờ; 2 khu neo đậu tàu thuyền. 

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để chủ động phòng, chống thiên tai năm 2017 với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã kiểm tra toàn bộ tuyến đê, kè, cống trên địa bàn. Qua kiểm tra, xác định hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện hiện còn nhiều điểm xung yếu, nhiều công trình xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bất lợi khi mưa, bão xảy ra. Điển hình như đê cửa sông tả Trà Lý địa phận xã Thái Thọ đoạn từ km10+400 đến km11+200: hiện trạng mặt cắt ngang đê thiếu nhiều so với thiết kế, phía đồng là ruộng trũng, có nhiều đầm hồ chạy dọc thân đê dễ bị sạt lở khi có sóng to gió lớn trực tiếp đánh vào đê, vị trí không thuận tiện khi huy động lực lượng ứng cứu vì nằm xa khu dân cư. Hoặc đê cửa sông hữu Hóa đoạn từ km4+730 đến km5+00 dài 270m, địa phận xã Thụy Hồng, xã Thụy Dũng: hiện trạng mặt cắt ngang của đoạn đê nhỏ và thấp so với mặt cắt thiết kế; mái đê phía đồng dốc, bãi đê phía sông hẹp không có cây chắn sóng, bãi lở đứng, dòng chủ lưu đi sát bãi, rất bất lợi khi ngoài sông đang có lũ kết hợp triều cường… Ngoài ra, nhiều cống dưới đê trên địa bàn huyện có chất lượng rất kém, khó bảo đảm an toàn ngay cả khi quản lý, vận hành trong điều kiện bình thường như cống Cháy (Thụy Tân), cống Mai Diêm (Thụy Hà), cống Thọ Cách (Thụy Quỳnh), cống Xuân Hòa (Thái Thọ)…

Ngoài những trọng điểm và vị trí xung yếu đe dọa sự an toàn của hệ thống đê, kè còn phải cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn huyện như xây nhà tạm, tường vây, dựng cột điện trong hành lang bảo vệ đê; xe vận chuyển vật liệu quá tải trên mặt đê… làm cho mặt đê bị lầy thụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống công trình phục vụ phòng, chống thiên tai và công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ông Tập cho biết thêm: Để bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống trước mùa mưa, bão, huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị thực hiện thi công 2 công trình hoàn thành đúng tiến độ, gồm: xử lý khẩn cấp đê cửa sông hữu Diêm Hộ đoạn từ km1+050 đến km4+800, gia cố chân kè Hà My và công trình xử lý khẩn cấp đê cửa sông tả Diêm Hộ, đoạn từ km0+300 đến km2+300 (Thụy Liên). Huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan có kế hoạch, nguồn vốn để xử lý khẩn cấp: kè Thái Phúc I, đoạn  km46+650 đến km47+500; kè Thái Hà, đoạn km41+400 đến km41+700; kè Thái Phúc II, đoạn km48+230 đến km48+900; xây dựng kè chống nước dâng từ khu 1 đến khu 5 thị trấn Diêm Điền; cắm chỉ giới công trình theo quyết định phân cấp quản lý sông trục tỉnh Thái Bình…

Trần Tuấn