Chủ nhật, 07/07/2024, 18:42[GMT+7]

Nữ sinh Thái Bình giành giải tư hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế

Thứ 6, 09/06/2017 | 09:13:18
1,053 lượt xem
Vũ Nam Anh, học sinh lớp 11 chuyên Hóa Trường THPT Chuyên khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người con quê hương Thái Bình là một trong hai tác giả của dự án nghiên cứu thiết kế, tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất hydroxamic acid mới mang khung 2-oxoindolin hướng ức chế histon deacetylase.

Vũ Nam Anh (ngoài cùng bên trái) đạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc.

Dự án vừa giành giải tư tại hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel Isef tổ chức tại Hoa Kỳ (hội thi khoa học và kỹ thuật hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học trên toàn thế giới) và giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc.

Từng đến thăm các bệnh nhân ung thư, nhìn thấy họ đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, Vũ Nam Anh càng thấu hiểu sự tàn phá của tế bào ung thư đối với cơ thể con người. 

Nam Anh chia sẻ: Một số phương pháp điều trị ung thư hiện nay đem lại hiệu quả cho người bệnh song thường để lại tác dụng phụ. Thêm vào đó, các loại thuốc điều trị ung thư phải nhập khẩu nên giá thành cao. Chính những lý do đó đã trở thành động lực thôi thúc Vũ Nam Anh và Trần Đan Khuê (bạn học cùng lớp với Nam Anh) bắt tay vào nghiên cứu. 

Không lựa chọn phương pháp nghiên cứu thuốc điều trị ung thư truyền thống là sàng lọc các chất có trong tự nhiên, Nam Anh và Đan Khuê thực hiện phương pháp nhóm phân tích. So với phương pháp truyền thống, phương pháp này tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí hơn. Trải qua các bước thiết kế cấu trúc, tổng hợp hóa học và thử tác dụng sinh học, Nam Anh và Đan Khuê đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư: đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy. Đặc biệt hơn, hai em đã sàng lọc được chất 5e, chất có tác dụng ức chế tế bào ung thư mạnh gấp 5 - 8 lần so với một số loại thuốc điều trị ung thư hiện có trên thị trường.

Chia sẻ về quá trình thiết kế, tổng hợp và thử nghiệm, Nam Anh cho biết: Lần đầu tiên thực hiện dự án nghiên cứu nên chúng em cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Để có được 14 dẫn chất, em và Đan Khuê mất khá nhiều thời gian bởi mỗi dẫn chất phải thực hiện 3 phản ứng hóa học. Tính tổng ra chúng em đã thực hiện hơn 40 phản ứng hóa học, một số phản ứng mất thời gian chờ từ 12 - 24 giờ mới có kết quả và đôi khi phải làm đi làm lại nhiều lần. Song dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, sự động viên của gia đình cùng với nỗ lực của bản thân, dự án của Nam Anh và Đan Khuê đã thành công, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Chị Nguyễn Thị Lành, mẹ Nam Anh chia sẻ: Khi học lớp 8 Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Thái Bình), Nam Anh đã bộc lộ niềm đam mê với Hóa học. Vì thế, gia đình đã hướng cháu thi vào Trường THPT Chuyên khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng với sự hướng dẫn của thầy cô, gia đình đã tạo mọi điều kiện, động viên cháu hoàn thành dự án. Khi dự án được chọn tham gia dự thi Intel Isef 2017 tại Hoa Kỳ với khoảng 1.800 thí sinh đến từ 78 quốc gia trên thế giới tham dự, gia đình cũng không kỳ vọng nhiều vào kết quả mà chỉ nghĩ đây là dịp tốt để cháu có thêm cơ hội được giao lưu, học hỏi, bổ sung kiến thức từ bạn bè quốc tế. Kết quả đạt được từ hội thi đem lại niềm vui lớn cho Nam Anh và gia đình, đây cũng là nguồn động viên lớn để cháu tiếp tục đam mê nghiên cứu khoa học.

Thành công bước đầu của dự án nghiên cứu cùng với niềm đam mê Hóa học sẽ là động lực để cô học trò nhỏ thực hiện các dự định tiếp theo. Nam Anh chia sẻ: Thời gian tới em sẽ thử nghiệm trên các tuýp HDAC và các dòng tế bào ung thư khác. Nếu thành công, em sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật. 

Những kết quả từ dự án của Nam Anh và Đan Khuê đã mở thêm niềm hy vọng cho phương pháp điều trị ung thư trong tương lai. Hy vọng, các em sẽ gặt hái được thành công trong chặng đường tiếp theo.

Hoàng Lanh