Chủ nhật, 07/07/2024, 22:50[GMT+7]

Phượng đỏ hoa đất lúa

Thứ 4, 01/11/2017 | 09:36:19
1,209 lượt xem
Thời điểm năm 1965, sau một loạt hành động chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đế quốc Mỹ dùng nước cờ khiêu khích như nã pháo vào các đảo và một số vùng thuộc bờ biển miền Bắc trong đó có cảng Hải Phòng, bắt bớ ngư dân đánh cá ngoài khơi rồi tung biệt kích, thám báo vào đất liền…

Đình làng Diệc, xã Tân Hòa (Hưng Hà) - nơi chị Trương Thị Tấn dạy bình dân học vụ.

Tất cả những màn kịch được đế quốc Mỹ dựng lên chỉ để lấy cớ cho việc tăng cường và mở rộng chiến tranh leo thang. Bắt đầu từ đó, đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân tăng cường bắn phá miền Bắc nhằm hỗ trợ cho hoạt động của lục quân Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Đế quốc Mỹ đã huy động khá lớn lực lượng máy bay ngày đêm đánh phá ác liệt cảng Hải Phòng, chị Trương Thị Tấn, một thiếu nữ của đất cảng Hải Phòng đã nhận thức sâu sắc nghĩa vụ của thanh niên đối với Tổ quốc, chị động viên và đưa mẹ của mình về quê ngoại ở làng Diệc, xã Tân Sơn, huyện Hưng Nhân (nay là xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà) vừa để tránh bom Mỹ rải thảm vừa có điều kiện hoạt động đoàn thể. Về quê, có kiến thức phổ thông, chị tình nguyện làm cô giáo dạy bình dân học vụ cho xã đồng thời kiêm luôn chức thư ký đội sản xuất của thôn để rồi mùa xuân năm 1966 từ quê lúa Thái Bình chị Tấn đã được gia nhập đội quân thanh niên xung phong của tỉnh vào tuyến lửa phục vụ cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, thỏa ước vọng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Cha mất sớm, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người mẹ với sáu đứa con. Rồi các anh, các em của chị Tấn lớn lên, lần lượt lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, ở nhà chỉ còn chị với người mẹ tảo tần. Chiến tranh leo thang, chị Tấn khát khao được cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương, đất nước, chị muốn đi bộ đội đánh Mỹ để chẳng phải hổ thẹn “thua chị, kém em”. Nhưng, còn mẹ già sống một mình nương tựa nơi đâu. Chỉ còn cách về quê. Ở đó còn có gia tộc, dòng họ, làng xóm lúc tối lửa tắt đèn có nhau. Trong khói bom tàn phá của giặc Mỹ, thành phố hoa phượng đỏ tan hoang, gồng mình chiến đấu, người dân phải đi sơ tán, mẹ chị đã đồng ý theo chị về quê. 

Về quê, ban ngày chị Tấn cùng bạn bè và bà con làng Diệc đi làm hợp tác, gánh phân, nhổ mạ, làm bèo hoa dâu… Đêm đêm, trong ánh đèn dầu leo lét ở đình làng Diệc, chị “lên lớp” dạy bình dân học vụ. Lúc rảnh rỗi lại dạy múa, dạy hát cho bầy em nhỏ trong làng. Một ngày cuối năm 1965, chiến sự nổ ra ác liệt, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin chiến sự mà lòng chị như có lửa. Tối hôm ấy, Chi đoàn Thanh niên thôn Diệc họp đột xuất. Đồng chí Bí thư Chi đoàn Nguyễn Văn Sắt quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đoàn phát động đoàn viên, thanh niên gia nhập thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Thời cơ đã đến, chị Tấn ghi tên đầu tiên.

Vậy là cô giáo dạy bình dân học vụ, cô thư ký đội sản xuất Trương Thị Tấn đã trở thành đội viên thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Niềm vui không thể tả xiết, chị cứ hát mãi khúc hát thanh niên xung phong: “Bạn thanh niên ơi, ai qua khu Bốn mà nghe tiếng hát của đoàn ta xung phong đi cứu nước…”. Mấy đêm liền chị không ngủ được, đêm trước ngày lên đường, ánh trăng khuya hắt sáng yếu ớt xuống những lùm cây cạnh cửa sổ, tay chị vòng ôm lấy mẹ, chị đếm từng hơi thở của mẹ. Mẹ quàng tay ôm chặt chị hỏi: Sao con không ngủ? Chị thưa: Mai con phải đi xa. Mẹ chị hốt hoảng: Con đi đâu? Con đi học, học về làm cô giáo mẹ ạ - chị nói dối. Mẹ ôm chị an ủi. Hôm sau, tờ mờ sáng, chị khăn gói lên huyện tập trung, 10 ngày học điều lệnh, chị được phiên chế vào Đại đội 931, Đội 93 thanh niên xung phong. Ở nhà, có ai đó mách mẹ chị là “con gái mẹ” đi thanh niên xung phong, bà đi bộ lên huyện tìm con. Lúc đó cả đoàn thanh niên xung phong hành quân từ huyện Hưng Nhân ra bến đò Nhật Tảo để vượt sông Hồng sang Phủ Lý (Hà Nam) rồi vào Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đoàn thanh niên xung phong hát vang, đều bước đi ngang qua chỗ mẹ chị đứng, cô nào cũng xúng xính quân phục màu cỏ úa, cô nào cũng cười tươi, mẹ chị không tìm ra chị, còn chị đã khóc…  

Theo tài liệu quân sự, chỉ riêng việc phục vụ chiến đấu như sửa đường, chữa cầu, tiếp đạn, kéo pháo, đào đắp công sự, cứu chữa và chăm sóc thương binh..., những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân miền Bắc đã đóng góp hàng triệu ngày công. Trong điều kiện miền Bắc phải liên tục động viên thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, trên ruộng đồng, trong nhà máy, lao động nữ đóng vai trò chủ yếu, điều đó phản ánh những nỗ lực cao độ của hậu phương lớn trong đó có Thái Bình, tạo ra lực lượng vật chất và tinh thần to lớn, góp phần quan trọng bảo đảm cho miền Bắc có đủ sức mạnh đương đầu, đánh trả liên tục và có hiệu quả với nhiều thủ đoạn đánh phá và vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ... Các phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... dấy lên mạnh mẽ, sôi nổi và rộng khắp ở Thái Bình. Năm 1965, miền Bắc có gần 290.000 thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, 68.874 thanh niên và quân nhân chuyển ngành hoặc phục viên được tuyển vào quân đội, hàng chục nghìn người khác được gọi vào thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đến cuối năm 1965, khối bộ đội chủ lực miền Bắc tăng gấp hai lần, từ 195.000 quân lên 400.000 quân. Các binh chủng, quân chủng cũng tăng nhanh về lực lượng, tăng cường về vũ khí, trang bị. Quân số các quân chủng, binh chủng tăng gấp 3 lần so với năm 1964, riêng Quân chủng Phòng không - Không quân, không quân tiêm kích nhiều đơn vị được gấp rút xây dựng, trong đó có các đơn vị tên lửa phòng không, pháo phòng không, ra-đa cảnh giới được xây dựng ở phòng tuyến ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương và thị xã Thái Bình…


Cựu thanh niên xung phong Đỗ Văn Tụy, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 931, Đội 93 thanh niên xung phong

Đại đội 931 thanh niên xung phong chúng tôi có 214 chiến sĩ được chia làm 10 tiểu đội, trong đó có 4 tiểu đội nữ. Đồng chí Trương Thị Tấn sinh quán ở Hải Phòng đã về quê mẹ của mình ở làng Diệc, xã Tân Sơn, huyện Hưng Nhân (nay là xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà) hoạt động đoàn thể rồi gia nhập thanh niên xung phong. Đồng chí Trương Thị Tấn có ý chí phấn đấu tốt ngay từ ngày gia nhập thanh niên xung phong, được kết nạp Đảng tại chiến trường và được cấp trên bổ nhiệm làm Tiểu đội phó Tiểu đội 8. Sau 17 tháng phục vụ chiến trường, đồng chí được cấp trên bổ nhiệm đại đội phó thanh niên xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình.
Cựu thanh niên xung phong Trương Thị Tấn, nguyên Tiểu đội phó Tiểu đội 8, Đại đội 931, Đội 93 thanh niên xung phong, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Ngãi

Tháng 10/1967, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm ấy tôi vừa tròn 20 tuổi. Kết nạp Đảng tôi chuyển về Đội 81, Đoàn 67, giữ chức vụ đại đội phó phụ trách toàn tuyến, nhận lệnh về Thái Bình tuyển quân. Tôi đã về các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Côi, Hưng Nhân tuyển đủ số quân (được gọi là nhiệm kỳ II thanh niên xung phong) trong một tuần. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi tranh thủ đêm tối về thăm mẹ ở làng Diệc, báo tin mừng với mẹ là con đã được kết nạp Đảng, mẹ tôi mừng lắm. Sáng sớm hôm sau tôi tạm biệt mẹ lên đường đưa các em thanh niên xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình - Quảng Trị.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lượt, nguyên Đại đội phó Đại đội 931, Đội 93 thanh niên xung phong, khu Thạch, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Tôi và chị Trương Thị Tấn gia nhập thanh niên xung phong một ngày, cùng Đại đội 931. Là thiếu nữ đất cảng Hải Phòng nhưng chị Tấn lại về quê ngoại Thái Bình đầu quân. Trong công tác và chiến đấu, chị Tấn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tận tình giúp đỡ đồng đội. Chị luôn coi Thái Bình là quê hương của mình.
 

Quang Viện