Chủ nhật, 07/07/2024, 18:48[GMT+7]

Sóng lặng giữa vương triều

Thứ 2, 06/11/2017 | 10:08:45
2,001 lượt xem
Một trong những trí thức Long Hưng thế kỷ XIII có công xây dựng thanh thế cho họ Trần để quá trình chuyển giao quyền lực phong kiến nhà Lý đã đến kỳ suy vong diễn ra nhanh chóng, dựng lên nghiệp đế nhà Trần là Thái phó Lý triều Phùng Tá Chu. Ông là người có tài thi thư và binh pháp nên tuổi trẻ đã được cất nhắc làm quan và thăng tiến nhanh chóng trong chốn quan trường triều Lý.

Lối vào miếu Mẽ - nơi thờ Hưng Nhân đại vương Phùng Tá Chu.

Phùng Tá Chu được sử sách ghi chép là trọng thần nhà Lý, sinh ra và lớn lên ở Hải Ấp (Hưng Nhân, Hưng Hà), năm Giáp Ngọ (1234) được triều đình phong tước Hưng Nhân vương, năm Bính Thân (1236) được gia phong là Hưng Nhân đại vương và sau này được thờ tại miếu Mẽ, làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà).

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thiên Ứng Bình năm thứ 10 (1241), mùa đông, tháng 10, Phùng Tá Chu mất, vua Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần”. Ông được nhân dân làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên tôn làm thành hoàng làng, lập miếu thờ. Đến thế kỷ XVIII, huyện Ngự Thiên được đổi tên thành huyện Hưng Nhân là do nhân dân nơi đây kiến nghị triều đình nhà Nguyễn lấy tước hiệu Hưng Nhân đại vương của Phùng Tá Chu thay cho tên huyện Ngự Thiên để tưởng nhớ công lao to lớn của ông.

Sử cũ ghi Hải Ấp (Hưng Nhân, Hưng Hà nay) có một làng mang tên Mỹ Xá, quê hương phát nghiệp họ Phùng. Người khai mở dòng họ Phùng ở Mỹ Xá là Phùng Tá Thang, một trí thức xuất sắc của triều Lý. Phùng Tá Thang là đạo sĩ, sau này tu lập phái Trúc Lâm, quá trình tu hành, ông có dịp gặp Trần Cảnh ở Hải Ấp lúc còn nhỏ, ngắm kỹ dung mạo của Trần Cảnh, ông tiên đoán Trần Cảnh sẽ là bậc quân vương. Vậy là Phùng Tá Thang cùng con trai là Phùng Tá Chu, trọng thần của triều đình nhà Lý đang thời suy vong một lòng hướng về nhà Trần, tích cực giúp nhà Trần gây dựng thanh thế và khi có điều kiện, Phùng Tá Chu đã không tiếc công sức giúp nhà Lý chuyển giao quyền lực cho nhà Trần. 

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, có ý trách Phùng Tá Chu: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý”. Thế nhưng, việc Phùng Tá Chu cùng nhóm trí thức Long Hưng tiếp sức cho nhà Trần đứng vững đã tránh cho Đại Việt một cuộc nội chiến đang có nguy cơ hiển lộ và sớm chấm dứt nỗi đau khổ của cả dân tộc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ dưới ách cai trị của các bậc vua ngu hèn thời mạt Lý. 

Sử cũ cũng chép rằng: Năm 1209, Thái tử Sảm (Lý Huệ Tông) phải chạy loạn Quách Bốc, tạm thời nương nhờ nhà Trần ở Lưu Xá (Canh Tân, Hưng Hà nay), theo kế sách của Phùng Tá Chu, nhà Trần đã gả Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) cho Thái tử Sảm và tôn Thái tử Sảm lên ngôi vua, lấy nghĩa chính danh để hiệu lệnh thiên hạ phò vua dẹp loạn và làm đối trọng với gian thần Phạm Du đang hộ giá vua Lý Cao Tông chạy về Quy Hóa Giang vì Lý Cao Tông đã bạc nhược và không còn khả năng trị quốc. Sau khi đưa Trần Thị Dung về kinh đô, Phùng Tá Chu được vua Lý Huệ Tông hết sức sủng ái, giới sử gia cho rằng, Trần Thị Dung đã khéo léo tâu bày với Lý Huệ Tông về Phùng Tá Chu đã hoàn thành xuất sắc mưu lược, minh chứng cho sự sủng ái đó chính là việc vua Lý Huệ Tông đã phong Chiêu thảo sứ cho Phùng Tá Chu, chính thức đặt nền tảng quan văn nhà Lý cho ông. Năm 1216, Phùng Tá Chu được phong tước Quan Nội hầu. Phùng Tá Chu đã thu phục được nhân tâm văn quan, võ tướng trong triều Lý bằng trí thức uyên thâm từ đó có chiến lược xây dựng tổ chức lực lượng từ bên trong triều đình nhà Lý tạo hậu thuẫn tích cực cho Trần Thừa và Trần Tự Khánh lại vừa tích cực giúp Lý Huệ Tông ổn định chính sách an dân. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, Trần Thừa được phong Phụ quốc Thái úy. Lợi dụng Lý Huệ Tông ốm nặng, Phùng Tá Chu đã mật tấu với Huệ Tông “xuống chiếu” lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi. Lý Huệ Tông xuất gia, đi tu ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Lý Chiêu Hoàng còn rất nhỏ vì vậy việc thảo chiếu văn quan trọng bậc nhất của quốc gia không ai khác là Phùng Tá Chu. Rồi cuộc nhân duyên của hai đứa trẻ giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh cũng đã được diễn ra theo “mệnh trời”. Mùa đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần năm Ất Dậu 1225, nhận thiện vị của Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung. Năm 1226, Thái Tông hoàng đế Trần Cảnh phong Phùng Tá Chu là Phụ quốc Thái phó.

Theo các tài liệu khảo cứu, cạnh làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên có con sông cầu Nại, còn gọi là sông Thái sư, sông này do chính Thái sư Trần Thủ Độ chỉ huy dân công đào đắp để làm tuyến giao thông nối kinh đô Thăng Long qua sông Hồng vào hương Tinh Cương, nơi có đặt mộ tổ nhà Trần. Trần Thủ Độ cho đào sông này còn một lẽ về mặt phong thủy để cho đất Ngự Thiên, Long Hưng phát tích, mùa màng tốt tươi làm cho hậu phương nhà Trần vững mạnh. 

Dân gian còn lưu truyền câu ca: “Đào sông cầu Nại, vạn đại đế vương”. 

Vùng đất Long Hưng nơi sinh ra Thái tổ nhà Trần là Trần Thừa, cũng nơi này sinh ra Trần Cảnh sau này lên ngôi hoàng đế tức vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Đến đầu thế kỷ XV, Hoàng tử Lê Tư Thành cũng sinh ra tại vùng đất địa linh này mà câu ca vẫn lưu truyền trong dân gian: “Nếu là con mẹ, con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà - Thần Khê” và không lâu sau lên ngôi hoàng đế tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh của triều Lê. Đầu thế kỷ XVI, tại làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên lại sinh ra bốn vua nhà hậu Lê là Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng và Lê Trang Tông. Long Hưng cũng là nơi phát tích sinh ra quốc sắc thiên hương như hoàng hậu Đàm An Toàn, Lê Thị Thái, Trần Thị Dung và Phùng Thị Thục Giang.



Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức

Phùng Tá Chu là công thần cả hai triều Lý - Trần, quê ấp Mỹ Xá nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà. Ông là con trai Tả nhai đạo lục Phùng Tá Thang, người được vua Lý Huệ Tông gọi đến bàn việc truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Thánh, ông cũng là người cùng Trần Chí Hoành và văn võ bá quan đón Trần Thừa ở hương Tinh Cương (Canh Tân, Hưng Hà nay) vào Kinh. Khi Trần Cảnh lên ngôi đã phong cho ông chức Phụ quốc Thái phó có quyền ban chức cho Tá chức, xá nhân. Ông được phong Hưng Nhân vương, Hưng Nhân đại vương và Nhập nội Thái phó (kiến trúc sư trưởng thời nay) cho về xây dựng cung điện nhà Trần ở hương Tức Mặc và một số địa phương khác. Khi ông mất, vua Trần Thái Tông liệt ông vào hạng đệ nhất công thần.

Ông Nguyễn Văn Bân, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Từ ngày tôi còn nhỏ đến giờ đã ngót trăm năm trôi qua, tôi vẫn thấy đầu làng tôi có một ngôi miếu cổ xây trên một gò đất cao, dân gian vẫn gọi là miếu Mẽ. Miếu có tên chữ là “Đại kỳ đồng”, nơi thờ nhị vị đại vương. Tương truyền miếu là nơi thờ Thái phó Phùng Tá Chu nhưng do kiêng kỵ húy nên đọc chệch đi. Trước đây, khu đất của miếu rộng chừng “dăm chục” héc-ta, cây cối um tùm, quanh năm tốt tươi. Trước miếu có một giếng nước không bao giờ cạn. Trong vườn miếu có một cây vối, tương truyền nếu ai đó tự ý hái lá nấu nước mà không dâng hương xin phép thì bị quở trách… Dân làng Mẽ từ xưa tới nay vẫn ghi nhớ miếu Mẽ là nơi thờ Hưng Nhân đại vương Phùng Tá Chu nên vẫn hương khói cho ngài quanh năm, tuy bị chiến tranh tàn phá nhưng người dân Mỹ Xá vẫn quyết tâm gìn giữ miếu cổ tri ân người có công lao với đất nước.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Sau cải cách ruộng đất 1954 miếu Mẽ cùng số phận với một số di tích cổ khác ở làng Mỹ Xá đã bị tháo dỡ, không còn nguyên vẹn. Đầu những năm 90, Chi hội người cao tuổi chúng tôi đã vận động con cháu cùng nhân dân trong làng, ngoài xã góp công tâm đức xây dựng lại miếu, bảo tồn sinh thái khu miếu. Rất may, miếu còn bốn cây quếch cổ, đường kính vài người ôm, quanh năm xanh tốt và nhiều loại cây của rừng nguyên sinh vẫn còn tồn tại. Chúng tôi kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà cần có biện pháp di rời bãi rác của thị trấn Hưng Nhân hiện đang áp sát ngôi miếu, rác thải vẫn đang hàng ngày chất cao, bốc mùi xú uế xâm hại cảnh quan di tích.


Quang Viện