Chủ nhật, 07/07/2024, 23:17[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự các Hội nghị cấp cao ASEAN với đối tác

Thứ 4, 15/11/2017 | 08:04:21
491 lượt xem
Ngày 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 31 (ASEAN 31) và các Hội nghị cấp cao liên quan, tại Phi-li-pin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự HNCC ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), HNCC Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Ca-na-đa và HNCC Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm ASEAN+3. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Tại HNCC ASEAN+3, các nhà lãnh đạo đã thông qua "Tuyên bố Ma-ni-la về kỷ niệm 20 năm hợp tác ASEAN+3"; khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác mọi mặt, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kết nối doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Ðông Á. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc khẳng định các cam kết về hợp tác với khu vực, về tự do thương mại, phát triển kinh tế số, kết nối hạ tầng; mong muốn sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đồng thời ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng năm 2025. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua "Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN+3 về an ninh lương thực"; ghi nhận hai văn kiện gồm "Báo cáo tiến trình triển khai Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN+3" và "Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế ASEAN+3".

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của ba đối tác ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng đề nghị, cơ chế ASEAN+3 cần hướng hợp tác vào tăng trưởng kinh tế khu vực, nhất là thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối và nâng cao năng lực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); kêu gọi ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh mới nổi.

* Mang ý nghĩa quan trọng, khi lần đầu hai bên tổ chức HNCC trong suốt 40 năm thiết lập quan hệ từ năm 1977, HNCC Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Ca-na-đa được đánh giá là động lực quan trọng để đưa quan hệ ASEAN-Ca-na-đa phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn. Tại hội nghị, Ca-na-đa khẳng định phối hợp chặt chẽ hơn với ASEAN triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020, tăng cường hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội. Các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận đề xuất của Ca-na-đa về tham dự HNCC Ðông Á lần thứ 12 (EAS 12) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); xem xét tiến tới ký Hiệp định thương mại ASEAN-Ca-na-đa trong tương lai.

Trao đổi tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ba lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác, gồm nâng cao năng lực doanh nghiệp MSMEs; tăng cường kết nối, xử lý các thách thức về biến đổi khí hậu, khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh biển... Thủ tướng đề nghị Ca-na-đa hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực bảo đảm an ninh biển, đào tạo chuyên gia luật pháp và chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế.

* Tại HNCC Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - EU, các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2018-2022; nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và kết nối, tiến tới một Hiệp định thương mại ASEAN - EU. Tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, ASEAN và EU cần phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại, ứng phó và quản lý thiên tai, ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

* Chiều 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên họp về Hiệp định Ðối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) giữa các nước ASEAN và sáu đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Tại Phiên họp, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh đàm phán tiến tới đạt được RCEP; cho rằng một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, cùng có lợi, tiêu chuẩn cao, hiện đại sẽ giúp thiết lập môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế công bằng cũng như hội nhập kinh tế của khu vực. Các nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đàm phán trong năm 2018, với trọng tâm là các lĩnh vực tiếp cận thị trường, quy tắc và hợp tác, tăng cường tham vấn trong nước; đồng thời tìm cách tháo gỡ rào cản về chênh lệch trình độ phát triển, sự khác biệt về quy mô nền kinh tế, mức độ cam kết và thực thi của các nước thành viên.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự HNCC ASEAN - Ấn Ðộ lần thứ 15. Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ và thay mặt các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu, kiểm điểm hợp tác và định hướng tương lai quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hai bên, khai thác hiệu quả và đầy đủ tiềm năng do Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Ðộ mang lại, tận dụng hiệu quả các chương trình, dự án về thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối, tăng cường giao lưu nhân dân cũng như mở rộng sang các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và đáp ứng nhu cầu chung của khu vực. Thủ tướng khẳng định tin tưởng và trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ của Ấn Ðộ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đang định hình ở khu vực. Các nước ASEAN vui mừng nhận lời tham dự HNCC kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ và dự kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Ðộ tổ chức vào tháng 1-2018 tại Niu Ðê-li, đánh giá chặng đường hợp tác 25 năm qua và đề ra tầm nhìn chiến lược trong những năm tới.

* Cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng ký văn kiện "Ðồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư". Sau 10 năm khởi thảo và đàm phán, ASEAN đã đi đến thống nhất, cùng cam kết bảo đảm người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo. Ðồng thuận sẽ thúc đẩy và là kim chỉ nam cho các hoạt động của Ủy ban ASEAN về Lao động di cư (ACMW), hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện được áp dụng trong ASEAN liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động. Việc ký văn kiện này phản ánh nỗ lực của ASEAN xây dựng một Cộng đồng thật sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

* Chiều 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự HNCC Ðông Á lần thứ 12 (EAS 12) với tám đối tác của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hoa Kỳ và Nga.

Tại hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định EAS là diễn đàn hàng đầu bàn các vấn đề chiến lược của khu vực, đồng thời là cơ chế hợp tác quan trọng do ASEAN sáng lập, với sự tham gia của hầu hết các nước lớn trên thế giới; nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường vai trò của diễn đàn, nhất là trong tiến trình định hình cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. Các nhà lãnh đạo thông qua bốn Tuyên bố EAS, gồm Chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố; Chống lan truyền tư tưởng khủng bố; Vũ khí hóa học; Hợp tác giảm nghèo. Hội nghị thông qua trên nguyên tắc việc bổ sung "hợp tác biển" thành lĩnh vực ưu tiên mới của EAS, với mục tiêu tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các định hướng hợp tác EAS thời gian tới, như tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất; xây dựng cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ; tăng cường vai trò của EAS trong xử lý các thách thức khu vực; đồng thời hoan nghênh EAS đưa hợp tác biển trở thành lĩnh vực ưu tiên mới. Thủ tướng khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất, trong đó có các nguyên tắc được nêu tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 (tháng 8-2017); hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Khung COC và khẳng định việc cần thiết thúc đẩy đàm phán COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý, phù hợp luật pháp quốc tế, góp phần duy trì Biển Ðông hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững.

* Trước đó, tối 13-11, tại Ma-ni-la, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam dự HNCC Mê Công - Nhật Bản lần thứ 9. Hội nghị ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tô-ki-ô năm 2015. Các nước Mê Công đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho hợp tác ở tiểu vùng; hoan nghênh cam kết của Nhật Bản triển khai "Quan hệ đối tác vì cơ sở hạ tầng bền vững" và thực hiện "Sáng kiến Hợp tác phát triển nhân lực công nghiệp" do Nhật Bản hỗ trợ.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - công nghiệp; tăng cường phối hợp giữa cơ chế hợp tác Mê Công - Nhật Bản với các tổ chức khu vực và quốc tế; hỗ trợ các nước Mê Công thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, triển khai các dự án ứng phó lũ lụt, hạn hán; tái khẳng định ý nghĩa sống còn của việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường sông Mê Công. Hội nghị cũng nhấn mạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của các nước Mê Công với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa và nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mê Công.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hợp tác Mê Công - Nhật Bản cần chú trọng hỗ trợ các nước Mê Công phát triển công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực nghiên cứu phát triển; xây dựng hạ tầng chất lượng cao và tăng cường kết nối khu vực; chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

* Cùng ngày, phát biểu ý kiến tại HNCC ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và hoan nghênh việc Ðại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu thông qua một nghị quyết về kỷ niệm hợp tác với một tổ chức khu vực, nhân dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường tham vấn, phối hợp để thúc đẩy các chương trình hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc về phát triển bền vững và cải thiện an sinh xã hội; tăng cường chia sẻ và thúc đẩy lợi ích chung, hỗ trợ lẫn nhau ứng phó các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu, cũng như đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.

Trong không khí lễ kỷ niệm vàng của ASEAN, các nhà lãnh đạo hoan nghênh Nghị quyết kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN của Ðại hội đồng Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ Ðối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc, theo hướng hỗ trợ thực tiễn ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng năm 2025 và các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát biển bền vững của Liên hợp quốc.

* Tại HNCC ASEAN 31 và các HNCC liên quan, Tổng thống nước chủ nhà Phi-li-pin R.Ðu-téc-tê đã tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác tham dự Hội nghị. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống R.Ðu-téc-tê và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo trao đổi về biện pháp triển khai các nội dung hợp tác hai bên đã nhất trí trong hội đàm giữa Tổng thống Phi-li-pin và lãnh đạo Việt Nam nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Theo đó, duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương; tăng cường trao đổi thương mại; phối hợp trong các lĩnh vực phòng, chống ma túy và các loại tội phạm; hợp tác an ninh biển… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận, trong đó có Thỏa thuận thương mại gạo; kiến nghị Tổng thống R.Ðu-téc-tê chỉ đạo các cơ quan chức năng của Phi-li-pin tiếp tục quan tâm, có biện pháp bảo đảm an toàn cho các thuyền viên Việt Nam và xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan thuyền viên.

* Nhân dịp dự HNCC ASEAN 31 và các HNCC liên quan tại Phi-li-pin, sáng 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Thủ tướng Ấn Ðộ N.Mô-đi. Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Ðối tác chiến lược toàn diện với Ấn Ðộ. Thủ tướng N.Mô-đi khẳng định, Ấn Ðộ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách "Hành động hướng Ðông". Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng; nỗ lực đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020; đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác năng lượng; triển khai hiệu quả Hiệp định Khung về khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân; phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Nga Ð.Mét-vê-đép. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Nga về sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ thiết thực dành cho người dân miền trung Việt Nam khắc phục hậu quả bão Damrey.

Hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm phát huy tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước; mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư, trong đó chú trọng hợp tác nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phía Nga sớm cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Nga. Thủ tướng Ð.Mét-vê-đép nhất trí và khẳng định phía Nga sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam đáp ứng quy định của Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ; xem xét tạo thuận lợi cho việc đưa công dân Việt Nam sang Nga lao động; tăng cường hợp tác về năng lượng, quốc phòng - an ninh, thông tin truyền thông, sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nga Ð.Mét-vê-đép đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Nga. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ nhận lời.

* Trước đó, tối 13-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét. Trong cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc; cam kết tăng cường tham gia, đóng góp tích cực vào các công việc chung của Liên hợp quốc ; mong muốn cùng các nước thúc đẩy Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, nhất là trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét nhấn mạnh, Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và khẳng định Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc tại khu vực trong triển khai các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí ủng hộ, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; mong ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ð.Tu-xcơ. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân bão Damrey và cho biết, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão.

Hai bên đánh giá cao những bước phát triển tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội đồng châu Âu sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu.

* Chiều 14-11, đã diễn ra lễ bế mạc HNCC ASEAN 31 và các HNCC liên quan và chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2018 cho Xin-ga-po. Xin-ga-po thông báo trọng tâm hợp tác của ASEAN năm tới dự kiến là "Nắm lấy tương lai, hướng tới một Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo", với ưu tiên xây dựng một ASEAN tự cường, giữ vững vai trò trung tâm, thúc đẩy sáng tạo và công nghệ; đồng thời khẳng định quyết tâm đảm đương tốt nhiệm vụ điều hành của nước Chủ tịch, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các đối tác để đem lại những kết quả hợp tác thiết thực, đóng góp hiệu quả cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.

* Tối 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Ma-ni-la về nước, kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 31 và các Hội nghị cấp cao liên quan.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày