Chủ nhật, 07/07/2024, 20:14[GMT+7]

10 sự kiện nổi bật của tỉnh Thái Bình năm 2017

Chủ nhật, 31/12/2017 | 20:05:22
1,545 lượt xem
10 sự kiện nổi bật của tỉnh Thái Bình năm 2017 do Báo Thái Bình bình chọn.

1. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc tại Thái Bình

Ngày 8/4/2017, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo UBND 18 tỉnh, thành phố; đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nghiên cứu dự án, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.600 tỷ đồng, diện tích đất thuê 7.127,61ha cùng các thỏa thuận cung cấp tín dụng giữa các ngân hàng với doanh nghiệp.

Trong năm 2017, các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã về thăm và làm việc tại Thái Bình.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 về việc thành lập khu kinh tế Thái Bình

Theo Quyết định, khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế ven biển có diện tích tự nhiên 30.583ha gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Khu kinh tế Thái Bình bao gồm nhiều khu chức năng. Việc thành lập khu kinh tế Thái Bình sẽ giúp tỉnh khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương thực hiện các bước xây dựng khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  trong thời gian tới.

3. Hoàn thành rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Năm 2017, Thái Bình hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020, quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Quá trình thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền quy hoạch cán bộ; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu, độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo quy định của Trung ương.

4. Cắt giảm 50% thời gian giải quyết trên 1.000 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành

Năm 2017, toàn tỉnh đã rà soát, công bố chuẩn hóa hơn 1.800 lượt thủ tục hành chính ở cả 3 cấp; cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết trên 1.000 thủ tục (cắt giảm hơn 10.600 ngày, trung bình giảm 10,2 ngày/thủ tục) so với quy định hiện hành, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức 12 sở, ngành, huyện, thành phố; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 222 người, trong đó cấp sở, ngành 61 người, cấp huyện 61 người, cấp xã 100 người.

5. Năm thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức 2 con số

Năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách song kinh tế của tỉnh vẫn ổn định và tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11%, tổng giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016 - là năm thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức 2 con số, cao hơn mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,48%, công nghiệp, xây dựng tăng 19,72%, dịch vụ tăng 8,78%.

6. Một năm tiếp tục hoàn thành vượt mức thu ngân sách

Trong các ngành kinh tế của tỉnh, năm 2017, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng 19,21% so với năm 2016 (vượt kế hoạch đề ra). Toàn tỉnh có 140/168 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, giá trị đạt 18.872 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay có 111 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 8.130 tỷ đồng, tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư đăng ký so với năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 543 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 29.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng 8,78% so với năm 2016. Trong điều kiện có nhiều khó khăn song việc chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về thu ngân sách rất kịp thời, quyết liệt. Năm 2017, thu ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương tiếp tục vượt xa so với dự toán được giao, ước đạt trên 13.800 tỷ đồng, vượt 40% so với dự toán đầu năm; thu nội địa đạt trên 6.827 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán.

7. Toàn tỉnh có trên 70% hộ dân các xã, thị trấn sử dụng nước sạch

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn. 31 doanh nghiệp huy động khoảng trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng, quản lý 57 công trình cấp nước sạch. Đến nay toàn tỉnh có trên 70% hộ dân các xã, thị trấn sử dụng nước sạch.

Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn. Kết quả này góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với 186 xã (chiếm 70,7% số xã trong tỉnh) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; có 13 xã đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân 17,57 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung cả nước 4 tiêu chí/xã.

8. Lễ hội chùa Keo và lễ hội đền Đồng Bằng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) là 2 di tích lịch sử, điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Thái Bình, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ngày 23/1/2017, lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 16/9/2016, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Thái Bình có 6 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng trong năm 2017, hai cô gái Thái Bình là Đinh Thị Phương Hồng và Đỗ Thị Hoài giành huy chương đồng Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29, góp phần làm nên kỳ tích lần đầu tiên đội tuyển cầu lông nữ Việt Nam tham dự SEA Games có huy chương ở nội dung cá nhân (đôi nữ).

9. Toàn tỉnh có 85,7% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 82,3% trường học đạt chuẩn quốc gia

Năm 2017, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Toàn tỉnh không để xảy ra dịch bệnh lớn và nguy hiểm. Chất lượng công tác khám, điều trị, chăm sóc người bệnh được nâng cao, không có tai biến nghiêm trọng xảy ra; phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ chuyển biến tích cực. Công tác phát triển bảo hiểm y tế, đầu tư thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế được quan tâm. Năm 2017 toàn tỉnh có 85,7% người dân tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,2% so với năm 2016.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học được giữ vững. Toàn tỉnh có 82,3% trường học đạt chuẩn quốc gia.

10. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp

Năm 2017 là năm thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp. Giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. 14.080ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó 6.492ha bị thiệt hại trên 70%; mưa lũ đã làm 34.000ha lúa mùa bị ngập úng. Năng suất lúa cả năm của tỉnh giảm 12,81 tạ/ha so với năm 2016, trong đó lúa mùa giảm gần 13 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại, đẩy mạnh phát triển sản xuất nên giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 vẫn đạt 25.783 tỷ đồng, tăng 2,48% so với năm 2016.