Thứ 2, 08/07/2024, 22:22[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục cải tiến cách thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri

Thứ 3, 21/11/2017 | 08:23:43
499 lượt xem
Những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cải tiến và bước đầu khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn cán bộ hưu trí của tỉnh thăm Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (Tiền Hải).

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, góp phần giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri. Song để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri vẫn cần tiếp tục cải tiến cách thức tổ chức hội nghị tiếp xúc để ngày càng có nhiều cử tri được tham dự hơn.

Những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cải tiến và bước đầu khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Từ hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã bổ sung được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri kiến nghị cũng đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển tới Quốc hội, được đưa ra thảo luận công khai trước diễn đàn. 

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hơn 10 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với doanh nghiệp, lãnh đạo MTTQ, hàng nghìn lượt cử tri tham dự, đóng góp hàng trăm lượt ý kiến, kiến nghị, nhiều kiến nghị có chất lượng, bám sát thực tế địa phương. Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, gửi các kỳ họp Quốc hội cũng được thực hiện tương đối bài bản, đúng luật. Tại các cuộc tiếp xúc, phần lớn kiến nghị của cử tri đề cập đến vấn đề ở địa phương, cấp ủy, chính quyền đã xem xét, giải quyết kịp thời. 

Ông Nguyễn Văn Thập, xã Thái Thành (Thái Thụy) cho biết: Những năm gần đây, các hội nghị tiếp xúc cử tri đã tạo được không khí dân chủ, cởi mở, mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri, giữa chính quyền với nhân dân, giữa nhân dân với Quốc hội được tăng cường. Song để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tôi đề nghị đại biểu tiếp xúc cả ở đơn vị không ứng cử để nghe được nhiều hơn, đầy đủ hơn các vấn đề phát sinh, tồn tại ở cơ sở. Lắng nghe ý kiến của cử tri, ngay trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện luân chuyển đại biểu đi tiếp xúc ở địa bàn không ứng cử; yêu cầu các đại biểu tham dự các buổi tiếp xúc đầy đủ.

Tuy nhiên, mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ, mỗi đại biểu có 4 kỳ tiếp xúc trước và sau kỳ họp, mỗi kỳ như vậy tối đa được 1,5 ngày (khoảng 3 buổi) cộng với mỗi năm có khoảng 2 - 3 cuộc tiếp xúc chuyên đề (mỗi chuyên đề 1 buổi). Như vậy, một năm mỗi đại biểu chỉ có khoảng 8,5 - 9 ngày tiếp xúc cử tri, quá ít để nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri. 

Theo ông Vũ Đình Đóa, xã Vũ An (Kiến Xương), tình trạng “đại biểu cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp, đại biểu kiêm nhiệm” vẫn còn; thông tin lấy ý kiến đến với cử tri chậm (thường thông báo ngay trước khi lấy ý kiến) nên cử tri không có thời gian nghiên cứu kỹ, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng có ý kiến phát biểu chưa đúng trọng tâm; việc giải trình, tiếp thu, giải quyết trực tiếp ý kiến, kiến nghị của cử tri của đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng địa phương có khi còn lúng túng, hiệu quả thấp. Công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri tuy có nhiều cố gắng song vẫn còn hạn chế…

Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động, trước tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cần tiếp tục cải tiến cách thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri theo hướng tăng tỷ lệ cử tri là người trực tiếp lao động, đại diện doanh nghiệp; tăng các cuộc tiếp xúc theo chuyên đề là những vấn đề cử tri bức xúc, xã hội quan tâm; tổ chức tiếp xúc luân phiên ở nhiều xã, phường, thị trấn; tăng thời lượng tiếp xúc. 

Bà Hà Thị Lan Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Hưng cho rằng: Cần phải phân cấp, phân quyền để trả lời trực tiếp nhiều hơn vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Muốn làm được điều này, mỗi đại biểu phải tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc; phải tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. 

Còn theo ông Phạm Huy Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vũ Thư: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phải phân cấp, phân quyền để trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản ngày càng nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; đôn đốc, giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri của các ngành chức năng, báo cáo kết quả tới cử tri; hàng năm tổ chức hội nghị tiếp xúc chuyên đề với ủy ban MTTQ các cấp để cùng thống nhất giải pháp tổ chức tiếp xúc cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Mục đích quan trọng của tiếp xúc cử tri là để gần dân, hiểu dân, chuyển tải quan điểm, chính kiến của nhân dân đến Quốc hội, đến cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, cả đại biểu và cử tri đều phải coi hoạt động tiếp xúc cử tri là nghĩa vụ, là trách nhiệm để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày