Thứ 2, 08/07/2024, 22:17[GMT+7]

Giữ vững và phát triển nghề truyền thống của địa phương

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:40:35
1,472 lượt xem
Những tấm thảm với màu sắc tươi sáng, hoa văn mềm mại, tinh tế bày bán trong các cửa hàng đã thu hút sự quan tâm của chúng tôi. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đó là sản phẩm của cơ sở sản xuất thảm len Trịnh Mầm, xã Vũ Quý (Kiến Xương).

Làm tại nhà, lao động vừa bảo đảm thu nhập vừa có thời gian chăm sóc gia đình

Dù nằm trong ngõ nhỏ nhưng không khó để chúng tôi tìm đường, bởi người dân Vũ Quý không ai không biết tới cơ sở sản xuất thảm len có tiếng này. Đến thăm, chúng tôi ngạc nhiên bởi nó khác xa với tưởng tượng về một cơ ngơi bề thế. Căn nhà khang trang cũng là nơi chủ cơ sở tập kết hàng từ các đầu mối. Ngôi nhà cấp bốn ba gian sát cạnh vừa là kho chứa hàng, vừa là nơi 5-7 công nhân cuộn sợi.

Chị Lại Thị Mầm, chủ cơ sở cho biết: lượng lao động vệ tinh cho gia đình rất lớn tới vài trăm người, nhưng chủ yếu mang khung, sợi về gia đình sản xuất, khi làm xong mới mang hàng về đây tập kết. Mặt hàng sản xuất chủ yếu là thảm trải nền nhà và bộ thảm trải ghế. Mỗi năm, cơ sở xuất đi trên 5.000 bộ thảm ghế và hàng nghìn mét thảm trải nhà, trừ tiền thuê nhân công, tiền nguyên liệu còn thu lãi trên 100 triệu đồng/tháng. Người phụ nữ xấp xỉ tuổi 50, nhưng nét duyên vẫn còn rất mặn mà vừa kể vừa giới thiệu cho chúng tôi những mẫu mã, mặt hàng mới.

Chị Mầm chia sẻ: để nghề thảm len nói chung cũng như hoạt động của cơ sở nói riêng được ổn định phải luôn thay đổi, cải tiến mẫu mã. Chị đã đi thăm quan, học hỏi tìm hiểu nhiều nơi, hầu như tuần nào  cũng đi. Kể về lí do lựa chọn nghề thảm len này, chị tâm sự: bản thân trước đây là xã viên của Hợp tác xã Hợp Hòa, một trong những HTX chuyên dệt đay, thảm len. Từ năm 1990, khi Liên Xô tan rã, mất thị trường các HTX này giải thể. Vốn là người tâm huyết với nghề truyền thống, nhìn những tấc hàng tồn trong kho, những khung máy bị bỏ không và đặc biệt hàng trăm xã viên mất việc, chị rất xót xa. Ý định khôi phục lại nghề dệt manh nha từ đó. Chị tình cờ tìm được thị trường tiêu thụ trong một lần đi thăm cậu em trên Hà Nội. Từ đó, chị mạnh dạn mua lại khung, nguyên liệu của HTX với giá rẻ, thu hút tay nghề trở lại. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, chị dựng được 10 khung, sản xuất các sản phẩm từ đay. Tuy nhiên, một thời gian sau, thị trường không còn ưa chuộng, hàng sản xuất ra không bán được.

Sau thời gian trăn trở tìm hướng đi, chị quay ra khôi phục nghề thảm len, vừa tận dụng được khung có sẵn, vừa tận dụng được tay nghề lao động. Đến nay, cơ sở hoạt động được hơn 20 năm, qua thời gian khó khăn ban đầu, nay đã ổn định và phát triển vững mạnh; không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tiếp tục giúp chị em trong vùng có việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Mầm cho biết: nghề làm thảm len đến nay vẫn duy trì tốt, bởi đây là nghề thủ công truyền thống đơn giản, dễ học, dễ làm. Lao động mới có thể học từ những thợ nghề và tự học hỏi. Hơn nữa, nghề  này có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi. Lao động của cơ sở được chị giao khung, sợi, bản vẽ sẵn, họ nhận về làm tại nhà, vừa chăm lo việc nhà vừa có thể làm việc; vì vậy được nhiều người lựa chọn. Một thuận lợi nữa là nghề thảm len có đầu ra khá rộng, phần vì mẫu mã luôn đổi mới, phần vì đồ gỗ Đồng Kỵ ngày càng được ưa chuộng, có đồ gỗ Đồng Kỵ là có nhu cầu thảm len. Hơn nữa, cơ sở sản xuất của chị lại luôn đảm bảo chữ tín, duy trì chất lượng. Với chị “một chữ tín sống cả đời”, không gì quảng bá tốt hơn chữ tín nên lượng hàng làm ra luôn nhỉnh giá hơn các cơ sở khác mà nhiều khi không đủ đáp ứng thị trường. Hiện cơ sở của chị có khoảng  400 lao động, không chỉ tập trung ở quanh khu vực mà còn mở rộng ra Vĩnh Bảo – Hải Phòng (trên 100 lao động) với mức thu nhập bình quân đạt 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn 5, xã Vũ Quý, lao động làm thuê cho cơ sở Trịnh Mầm cho biết: tuy chị mới làm được 2 năm nhưng thu nhập thấp nhất cũng đạt 3 triệu đồng/tháng. Trung bình 1 tuần, chị hoàn thiện 1 bộ thảm ghế với tiền công 800.000 đồng/bộ, nếu tập trung thời gian có thể làm nhanh hơn. Chị có con nhỏ nên công việc này rất phù hợp bởi thu nhập ổn định mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, chăm lo mấy sào ruộng.

Khi được hỏi việc quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, chị Mầm nói: cũng có nhiều đề nghị hợp tác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nhưng chị đều từ chối. Chị muốn giữ vững thị trường nội địa trước thực trạng hàng Trung Quốc tràn lan, hưởng ứng thiết thực khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Khách hàng của chị trải dài từ Móng Cái tới Đà Nẵng với sức tiêu thụ luôn ở mức “cầu lớn hơn cung”. Trong thời gian tới, chị Mầm dự định thu mua lại khung của các HTX thủ công nghiệp giải thể khác, tận dụng lao động sẵn có từ các HTX ấy nhằm mở rộng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Chị Mầm chia sẻ thêm: nghề thảm len với chị là cái duyên. Chị thấy rất vui khi góp phần nhỏ bé vào duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ. Với chị, con cái trưởng thành, ngoan ngoãn, kinh tế gia đình ổn định là niềm hạnh phúc nhất. Nụ cười luôn nở trên khuôn mặt rạng rỡ của người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày