Thứ 2, 08/07/2024, 22:47[GMT+7]

Chủ xưởng mộc làm giàu từ 25 ngàn đồng

Thứ 6, 22/03/2013 | 07:59:08
4,951 lượt xem
Khi nhắc đến cái tên Nguyễn Như Nên, hầu hết người dân xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) đều biết và nể phục. Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng nhưng nhờ sự kiên trì, không ngừng học hỏi, nỗ lực vươn lên, giờ đây anh Nên là chủ xưởng mộc mỹ nghệ vào loại lớn trong vùng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Như Nên đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nên cho biết: sinh ra trong một gia đình làm ruộng, nhưng xã Thụy Văn lại có nghề mộc mỹ nghệ truyền thống hàng trăm năm nay, sống trong môi trường làng nghề từ nhỏ, anh sớm chứng kiến những người thợ lão luyện trổ tài nên thấy mê cái nghề này. Vì vậy, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh quyết định sang Thụy Bình học nghề mộc vừa để thỏa niềm đam mê, đồng thời muốn có một nghề trong tay để kiếm cơm. Sau 4 năm chăm chỉ vừa học vừa làm nắm thêm các mẫu mã, kỹ thuật làm các sản phẩm tinh xảo, năm 1990 anh Nên về quê lập nghiệp.

Ban đầu rất khó khăn, trong tay chỉ có 25 ngàn đồng tiền vốn, anh đi mua gỗ tạp về dựng giá gương bán ở trong làng. Dần dần, bà con thấy sản phẩm anh làm ra mẫu mã đẹp, giá tiền vừa phải nên tìm đến đặt hàng ngày một đông. Lấy ngắn nuôi dài, lãi thu về đến đâu đầu tư mở rộng sản xuất đến đó, đến nay Nguyễn Như Nên đã gây dựng được 3 xưởng sản xuất và 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Anh cũng đầu tư mua nhiều loại thiết bị phục vụ sản xuất: máy cưa, máy nén khí để phun sơn, các loại máy bào, khoan, đánh bóng gỗ. Sản phẩm mộc ngày càng đa dạng về chủng loại và mẫu mã: từ bàn ghế, kệ, tủ, cánh cửa đến tất cả các loại đồ thờ: lư hương, hoành phi, kiệu, bát công, đại tự, câu đối, tủ thờ...

Để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng, anh bỏ nhiều thời gian, công sức đi khảo sát nhu cầu thị trường,  đến thăm  đình, đền, chùa, miếu ở nhiều địa phương; tham khảo các kiểu kiến trúc, điêu khắc thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... về mô phỏng theo. Nhờ vậy, sản phẩm đồ gỗ, mộc mỹ nghệ của anh được khách rất ưa chuộng, tìm đến đặt hàng ngày một đông. Trung bình, mỗi tháng cơ sở nhận từ 10 đến 15 hợp đồng, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong huyện mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và vào tận miền Nam. Ngoài làm các sản phẩm mộc, từ năm 2001 đến nay anh Nên còn là tay dựng nhà cổ có tiếng trong vùng, trung bình mỗi năm anh dựng từ 1 đến 2 nhà cổ và được khách hàng rất tín nhiệm. Hiện tại ở làng quê nơi anh sinh sống có một ngôi đình, một chùa mới được nhân dân trùng tu xây dựng, toàn bộ phần kiến trúc gỗ, đồ thờ do anh và tổ thợ làm, trông rất độc đáo và tinh xảo.

Anh Nên chia sẻ: bí quyết tạo nên thành công của anh chính là lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng và đặc biệt là phải luôn chiều theo ý của khách hàng, khi họ yêu cầu khó đến mấy cũng phải làm cho bằng được. Anh cũng sẵn sàng dạy cho những ai có nhu cầu học nghề. Hiện tại, cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Như Nên đang tạo việc làm cho 23 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Với hàng ngàn sản phẩm được xuất bán, mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt từ 3 đến 4 tỷ đồng. Những gì đã làm được, anh Nên thực sự là tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên làm giàu để nhiều người học tập và làm theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày