Thứ 4, 23/04/2025, 12:24[GMT+7]

Nghị lực của cô gái xương thủy tinh

Thứ 6, 18/04/2025 | 08:57:39
2,524 lượt xem
Mắc bệnh xương thủy tinh, cơ thể yếu ớt, nhưng chị Hoàng Thị Nhàn, thôn An Mỹ, xã An Dục (Quỳnh Phụ) vẫn nỗ lực vượt khó, khẳng định giá trị bản thân và tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Chị Hoàng Thị Nhàn (người ngoài cùng bên phải), thôn An Mỹ, xã An Dục (Quỳnh Phụ) hướng dẫn kỹ thuật may cho lao động nữ địa phương.

Sinh năm 1992, chị Nhàn không may mắn như bạn bè cùng trang lứa bởi mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Tuổi thơ chị gắn liền với chiếc xe lăn và những lần gãy xương liên tiếp. Đến năm học lớp 8, chị Nhàn mới có thể tự đi lại được. Song do sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nhàn tự tìm tòi, học một số nghề đơn giản để phụ giúp gia đình. Chị Nhàn tâm sự: Tôi từng thử nhiều nghề như thêu ren, mây tre đan, dệt chiếu thuê..., nhưng không thuận lợi, cuộc sống rất bế tắc. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi dần lấy lại được tinh thần, quyết tâm tìm một nghề phù hợp với sức khỏe bản thân. Đặc biệt, hai con nhỏ chính là nguồn động lực thôi thúc tôi phải cố gắng vươn lên để trở thành người mẹ phi thường trong mắt các con, cho con có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Rồi cơ duyên nghề may đã đến với tôi. Khi tiếp cận với nghề, tôi nhận thấy nó rất phù hợp với người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ. Tôi đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, từ đó nhận một số sản phẩm về may gia công tại nhà. 

Trái ngược với vóc dáng nhỏ bé, chị Nhàn có thể vận hành thành thạo máy may công nghiệp, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Bằng tay nghề khéo léo của mình, các sản phẩm do chị Nhàn gia công được khách hàng đánh giá cao, số lượng đơn đặt hàng của chị ngày càng nhiều. Chính vì vậy, năm 2021, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở một xưởng may gia công nhỏ tại nhà. Từ 10 lao động ban đầu, đến nay, xưởng may của chị Nhàn đã tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, chị Nhàn còn tạo điều kiện giúp những người có sức khỏe yếu và có con nhỏ được nhận hàng về làm tại nhà. Bà Cao Thị Nga, thôn An Mỹ, xã An Dục chia sẻ: Trước đây tôi làm công việc phụ hồ, rất nặng nhọc, thu nhập lại không cao. Từ khi được làm việc tại xưởng may của chị Nhàn, thu nhập của tôi đã được cải thiện, đỡ vất vả, có thời gian chăm sóc gia đình. Với những lao động chưa có tay nghề, chị Nhàn cũng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. 

Nhờ chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, chị Nhàn có thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng, từ đó có điều kiện lo cho con ăn học, cải thiện đời sống gia đình. Chị Nhàn cho biết thêm: Tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác vì xung quanh luôn có người thân, gia đình và bạn bè hỗ trợ. Tôi hy vọng rằng những người khuyết tật hãy tự tin, mạnh mẽ vượt lên số phận, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Thời gian tới tôi tiếp tục duy trì và mở rộng xưởng may, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời tôi cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. 

Bà Bùi Thị Nga, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Câu chuyện của Hoàng Thị Nhàn là minh chứng cho ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, làm chủ cuộc sống, truyền cảm hứng cho cộng đồng và những người khuyết tật cùng cảnh ngộ. Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sẽ tiếp tục biểu dương, tôn vinh những tấm gương người khuyết tật vượt khó; vận động nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật phát huy khả năng của bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

 Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn, trung bình mỗi tháng chị Hoàng Thị Nhàn, thôn An Mỹ, xã An Dục (Quỳnh Phụ) thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. 

Thu Hoài 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày