Chủ nhật, 07/07/2024, 21:37[GMT+7]

Ông Mạnh “chuối”

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:32:24
4,261 lượt xem
Thường xuyên đọc sách, báo, xem ti vi về nông nghiệp, nông thôn, để từ đó tìm hiểu, cập nhật kiến thức trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Mạnh, thôn Quân Bác Đông, xã Vân Trường (Tiền Hải). Khi được hỏi xu thế của nông nghiệp hiện nay, ông Mạnh không đắn đo mà trả lời ngay: Nông nghiệp hiện nay thiên về chất lượng hơn là số lượng. Và ông đang từng ngày chứng minh xu hướng ấy.

Vùng úng trũng của thôn giáp xã Tây Phong trước đây đã có lúc bị bỏ hoang, do người dân đấu thầu, thâm canh cây lúa kém hiệu quả. Tiếc đất, lại có sức khỏe, từ năm 2016, ông Nguyễn Quang Mạnh đã mạnh dạn đấu lại toàn bộ diện tích 1,5ha. Với tư duy của một người nông dân hiện đại, ông đã cải tạo lại toàn bộ, đào đắp bờ vùng, hình thành một hệ thống mương xung quanh. Dưới mặt ruộng vẫn cấy lúa nhưng không phải lúa thường mà là “giống lúa sạch Đông A”, sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển có thỏa thuận bao tiêu sản phẩm. Dưới mương ông  nuôi cá, thả vịt, thêm mấy chuồng ếch. Trên bờ là mấy chuồng trâu, bò, cùng bạt ngàn chuối tây bốn xung quanh. Mà cũng không phải chuối tây thường. Đó là giống chuối tây Thái Lan mà ông lặn lội sang tận Hải Dương tìm mua. Mày mò sách, báo, ti vi để tìm hiểu kỹ thuật thâm canh, sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, 400 gốc chuối đã sinh sôi thành 600 gốc và đang cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày. 

Theo ông Mạnh, giống chuối tây Thái Lan có sức đề kháng tốt, ít bị sâu gốc, vàng lá như chuối ta. Thêm vào đó quả nhỉnh hơn, sai hơn, vỏ mỏng, độ ngọt cao nên bà con rất thích. Thời điểm thu chuối tây nhiều nhất thường là từ tháng 2 đến tháng 8. Khi ấy buồng chuối nhiều nải, quả sai, to tròn, béo mập, vị ngọt. Còn những tháng cuối năm có gió mùa, chuối tiêu vào vụ ngon ngọt, thì quả chuối tây lại thường nhỏ, gầy và ít quả. Tuy vậy, so với giống chuối ta, những gốc chuối tây của ông Mạnh vẫn đều, đẹp và nhỉnh hơn hẳn. Vùng chuối xanh ngát lọt giữa cánh đồng mênh mông, như một điểm nhấn cho làng quê bốn mùa hương sắc. Mỗi ngày ông Mạnh đều cắt 5 - 7 buồng chuối nhưng cũng chỉ đủ cung cấp cho bà con xung quanh, ít khi phải bán ra chợ hoặc bán cho thương lái. Nguồn thu chính từ bán chuối tây, cộng với cá, ếch, vịt, gà chỉ sau hơn 1 năm, ông Mạnh đã thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Ông Mạnh cho rằng, xu thế hiện nay là nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng và giá trị. Bởi khi đời sống xã hội phát triển, cái mà con người hướng tới là ăn ngon mặc đẹp, chứ không còn lo ăn no mặc ấm như trước. Vì vậy, trồng con gì, nuôi con gì cũng đều phải tính đến yếu tố sạch, tốt cho sức khỏe. Chuối thì không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật như các cây trồng khác. Đối với những cụm có biểu hiện bệnh, ông Mạnh đào cả gốc, cả rễ tiêu hủy, sau đó vãi vôi, phơi đất mới trồng lại. Lúa thì cũng chỉ dùng phân bón hữu cơ, không phun bất cứ loại thuốc trừ sâu nào. Ếch thì ăn ốc, ăn cá, tuy chậm lớn nhưng thịt chắc, thơm. Vì thế dù có bán cao hơn giá thị trường một chút, người mua cũng sẵn sàng chấp nhận.

Hiểu được xu thế của nông nghiệp hiện nay là thiên về chất lượng nhưng ông Mạnh cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn khá băn khoăn, bởi suy cho cùng vẫn là bài toán về kinh tế, về lợi nhuận. Giống tốt, sản phẩm sạch mà không bán được, hay bán với giá thấp thì vẫn không hấp dẫn người nông dân. Bởi một khi mở rộng sản xuất, sản phẩm sẽ nhiều lên và vấn đề thị trường tiêu thụ sẽ bắt đầu nan giải. Và để nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng thực sự phát triển và phát triển bền vững, những nông dân tiên phong, đi đầu như ông Mạnh cần hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp trong việc quy hoạch, định hướng sản xuất, liên kết và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Đỗ Hà 
(Đài TT-TH Tiền Hải)

Mai Xuân Cử - 6 năm trước

Chúc ông luôn mạnh khoẻ, thành công và nên trồng thêm một vài loại cây khác, mong có dịp được về thăm trang trại của gia đình.

Quang Cường - 6 năm trước

Tôi xin cảm ơn báo điện tử thái bình đã cho đang bài viết về mô hình trang trại nhà tôi. Cám ơn phóng viên Đỗ Hà đã viết bài.

Tải thêm