Thứ 4, 23/04/2025, 13:34[GMT+7]

Tầm nhìn mới của nước Đức

Thứ 2, 21/04/2025 | 09:58:59
534 lượt xem
Trước những quan ngại về tác động tiêu cực của biến động về thuế quan toàn cầu, Chính phủ mới của Đức đặt mục tiêu đưa đất nước trở nên mạnh, an toàn, công bằng và hiện đại hơn về kinh tế. Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz tuyên bố các khoản đầu tư mới và cắt giảm thuế theo thỏa thuận của liên minh chính phủ sắp tới sẽ giúp đất nước hiện thực hóa mục tiêu này.

Tòa nhà Quốc hội Liên bang Đức Bundestag ở Berlin. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ông Friedrich Merz, ứng cử viên Thủ tướng do Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/ CSU) đề cử đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối tháng 2, hy vọng sẽ nhanh chóng nắm quyền điều hành nền kinh tế hàng đầu châu Âu trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt những thay đổi sâu rộng trong quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương và cuộc chiến thương mại liên quan chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ông Merz hy vọng liên minh mới với đảng trung tả SPD của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz sẽ có thể thành lập một chính phủ mới trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Trong thông điệp trực tuyến được CDU đăng tải, người đứng đầu chính phủ sắp tới ở Đức cam kết, ông không chỉ hiện đại hóa nền kinh tế lớn nhất châu Âu mà còn đưa Berlin đóng vai trò lớn hơn trên toàn cầu. Cũng theo nhà lãnh đạo tương lai của Đức, chính phủ sắp tới sẽ “đầu tư vào ngành công nghiệp, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời bảo đảm nguồn cung năng lượng đáng tin cậy”. Trước đó, Liên minh CDU/CSU đã nhất trí về gói biện pháp kích thích trị giá 1.000 tỷ euro để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ khí hậu và các dự án quốc phòng của Đức.

Liên quan chính sách thuế quan của Mỹ, ông Merz cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đã gây gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu và làm xấu đi triển vọng của kinh tế Đức vốn đã gặp khó khăn kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế RWI-Leibniz, ông Torsten Schmidt, cho biết: “Những căng thẳng địa chính trị và chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ đang làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã căng thẳng ở Đức”. Tuy nhiên, Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz bày tỏ tin tưởng sau khi vượt qua những khó khăn, nước Đức có lý do để hy vọng và sẽ định hình tương lai. Ông Merz nhấn mạnh khi trả lời tờ báo kinh doanh Handelsblatr: “Tôi đang hy vọng vào một hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương mới”.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, lưu ý rằng, kinh tế Đức dễ bị tổn thương nhất vì xuất khẩu chiếm khoảng một nửa GDP của Đức vào năm 2024. Ngoài ra, việc đồng euro mạnh lên so với đồng USD sẽ khiến các mặt hàng như ô-tô, máy móc và hóa chất của Đức trở nên đắt đỏ hơn vào thời điểm giá năng lượng cao, nhu cầu toàn cầu suy yếu và cạnh tranh gay gắt. Đức, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu cao, đã công bố thặng dư thương mại với Mỹ trong 33 năm liên tiếp. Vào năm 2024, mức thặng dư thương mại này đạt kỷ lục 69,8 tỷ euro. Điều này khiến kinh tế Đức dễ bị tổn thương trước tác động của việc tăng thuế quan của Mỹ. Ngoài những khó khăn trong thương mại xuyên Đại Tây Dương, Đức còn phải đối mặt một loạt khó khăn liên quan vấn đề cơ cấu sâu rộng.

Trong khi đó, Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Đức thất thu 290 tỷ euro trong 4 năm từ 2025-2028. IW cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sụt giảm 1,6% vào năm 2028. Cũng theo ước tính trong báo cáo, toàn bộ EU có thể phải đối mặt tổn thất cộng dồn lên tới 1.100 tỷ euro từ nay đến năm 2028. Giới chuyên gia của Đức còn cảnh báo, những thách thức kinh tế của Đức còn bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề, sự cạnh tranh gia tăng, vấn đề thuế quan cũng như bộ máy quan liêu...

Trong khoảng một thế kỷ vừa qua, nước Đức từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng để phát triển và duy trì địa vị “đầu tàu kinh tế” của châu Âu. Thời điểm hiện nay, một lần nữa kinh tế Đức đối diện thử thách lớn và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, với việc ông Friedrich Merz - “người cầm lái tương lai” của nước Đức - đưa ra tầm nhìn mới về nước Đức nêu trên, hy vọng rằng chính phủ của ông sẽ giúp kinh tế đất nước ổn định, an toàn hơn và mạnh mẽ hơn. Và “châu Âu sẽ có thể tin tưởng vào Đức” như lời ông Friedrich Merz từng khẳng định.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày