Thứ 6, 25/04/2025, 15:28[GMT+7]

Hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại

Thứ 6, 25/04/2025 | 08:59:05
290 lượt xem
Hội nghị mùa Xuân 2025 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) với sự tham dự của hàng trăm nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu, diễn ra từ ngày 21 đến 26/4, tại Washington, Mỹ. Theo ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế thuộc tổ chức phi lợi nhuận Atlantic Council, hội nghị năm nay không giống các năm trước và bao trùm bởi một vấn đề duy nhất: Thuế quan và các cuộc đàm phán song phương về trao đổi thương mại.

Ảnh minh họa.

Các cuộc họp của IMF và WB, cùng với những cuộc họp bên lề của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là diễn đàn quan trọng để phối hợp các hành động chính sách mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Các chuyên gia chính sách đánh giá, tại hội nghị lần này, phái đoàn các nước đặt mục tiêu củng cố nền kinh tế của mình lên hàng đầu, giúp họ tránh thiệt hại nhất có thể trong quan hệ thương mại quốc tế. Nhật Bản, quốc gia đang chịu áp lực từ mức thuế 25% của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với ô-tô và thép, cùng mức thuế đối ứng đối với các mặt hàng khác có thể lên tới 24%, đang muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận thuế quan với Nhà trắng.

Với các cuộc đàm phán đang có những bước tiến triển, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu dự kiến có cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Scott Bessent bên lề hội nghị của IMF/WB để thúc đẩy các cuộc thương thảo song phương.

Chủ tịch WB Ajay Banga khẳng định, điều chỉnh hạ thuế quan là phương án tốt nhất cho mọi người dân. Người đứng đầu WB lưu ý đến thực trạng nhiều nước đang phát triển vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển, kéo theo nguy cơ trả đũa thuế quan, làm giảm năng lực cạnh tranh và cản trở hội nhập kinh tế thế giới.

Lịch sử cho thấy các nền kinh tế cởi mở hơn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến động, do đó, các nước cần tích cực đàm phán, đối thoại về các vấn đề thương mại, tránh dựng lên các rào cản thương mại.

Bất ổn trong chính sách thương mại hiện nay là một lực cản lớn đối với hoạt động giao thương toàn cầu. Ông nêu rõ, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của các nhà hoạch định chính sách là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại và thuế quan.

Nhà kinh tế trưởng của IMF PierreOlivier Gourinchas

Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GFSR) được công bố tại Hội nghị mùa Xuân 2025, IMF đánh giá rủi ro ổn định tài chính toàn cầu gia tăng đáng kể, do điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và bất ổn kinh tế tăng; kêu gọi các cơ quan quản lý cảnh giác với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. IMF cảnh báo các nền kinh tế mới nổi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí đi vay tăng đột ngột, đồng thời cho rằng, mối quan ngại của nhà đầu tư về tính bền vững của nợ công và các yếu tố dễ bị tổn thương khác trong lĩnh vực tài chính có thể trở nên tồi tệ hơn.

Bên lề hội nghị, IMF bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống 2,8%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức quỹ này công bố hồi tháng 1, và năm 2026 cũng chỉ đạt 3%, giảm 0,3 điểm phần trăm.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống còn 1,8% trong năm nay, giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức công bố hồi tháng 1; và xuống mức 1,7% năm 2026, đồng thời nâng dự báo lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên lần lượt 3% và 2,5% trong các năm 2025 và 2026.

Định chế tài chính quốc tế này nhấn mạnh các dự báo trên được đưa ra do bất ổn về chính sách gia tăng gây căng thẳng thương mại khiến nguồn cầu yếu hơn.

Nhà kinh tế trưởng của IMF PierreOlivier Gourinchas cho rằng, bất ổn trong chính sách thương mại hiện nay là một lực cản lớn đối với hoạt động giao thương toàn cầu. Ông nêu rõ, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của các nhà hoạch định chính sách là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại và thuế quan.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày