Thứ 7, 24/05/2025, 02:00[GMT+7]

Hội hữu nghị Việt Nam-Đức: Cầu nối vững chắc cho tình hữu nghị hai nước

Thứ 6, 23/05/2025 | 17:07:24
539 lượt xem
40 năm qua, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đã góp phần tích cực thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật giữa nhân dân hai nước, tạo nên những giá trị bền vững và lan tỏa mạnh mẽ.

Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (23/5/1985-23/5/2025).

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức; Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng; bà Helga Mararete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam; ông Felix Wagenfeld, Trưởng đại diện Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội và đông đảo hội viên Hội hữu nghị Việt Nam-Đức.

Đánh giá những hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam-Đức nhấn mạnh, từ khi được thành lập đến nay, Hội hoạt động tích cực trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân.

Tại Việt Nam, Hội có mối liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu chính trị của Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam.

Tại Đức, Hội duy trì mối quan hệ chặt chẽ với hai Hội đối tác truyền thống là Hội hữu nghị của nhân dân Cộng hòa liên bang Đức với nhân dân Việt Nam (FG Vietnam) và Hội Đức-Việt (DVG e.V.). Hội hữu nghị Việt Nam-Đức thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu giữa nhân dân hai nước...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá qua 40 năm hình thành và phát triển, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức ghi dấu ấn mạnh mẽ cả về tổ chức và chất lượng hoạt động.
Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hiện nay, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức có mạng lưới 34 tổ chức thành viên trên toàn quốc, gồm 18 chi hội trực thuộc và 16 Hội tại các tỉnh, thành phố.

Con số này thể hiện rõ nét sự quan tâm của người dân Việt Nam đối với nước Đức và quan hệ hai nước; thể hiện vai trò dẫn dắt, "nhạc trưởng" quan trọng của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức trung ương trong thời gian qua.

Hội đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân phong phú, thiết thực, mang lại hiệu quả sâu sắc. Những hoạt động này không chỉ tăng cường hiểu biết lẫn nhau mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật giữa nhân dân hai nước, tạo nên những giá trị bền vững và lan tỏa mạnh mẽ.

Giao lưu và hợp tác nhân dân Việt Nam-Đức trong bối cảnh hiện nay không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật... mà còn hướng đến những chương trình giao lưu về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thanh niên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hữu nghị Việt Nam-Đức triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè Đức.

Hội tiếp tục là cầu nối vững chắc cho tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Các đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) 

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Helga Mararete Barth nhấn mạnh Việt Nam và Đức đã duy trì mối quan hệ hữu nghị và tốt đẹp từ năm 1975. Sự hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trong suốt 50 năm qua.

"Ngày nay, với kim ngạch thương mại gần 20 tỷ euro, chúng ta là những đối tác kinh tế gần gũi. Đồng thời, hai bên cũng duy trì các cuộc trao đổi chính trị cấp cao thường xuyên-điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm của Thủ tướng Đức Scholz vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng thống Đức Steinmeier vào năm 2024," Đại sứ nói.

Theo Đại sứ, điều đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ song phương là sự gắn kết giữa người dân hai nước. Mỗi năm, có hơn 200.000 du khách Đức đến Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và phong cảnh thiên nhiên. Đồng thời, tại Đức có khoảng 200.000 người gốc Việt-họ chính là chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa.

"Chúng tôi đặc biệt trân trọng sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam tới tiếng Đức cũng như các cơ hội nghề nghiệp tại Đức. Trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân và sự hiểu biết giữa các dân tộc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) cũng đóng một vai trò trụ cột. VUFO là một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và được các đối tác quốc tế đánh giá cao," Đại sứ Helga Mararete Barth khẳng định./.

Theo: baocaovien.vn