Thứ 2, 08/07/2024, 20:16[GMT+7]

Khi nam giới làm công tác dân số

Thứ 5, 03/07/2014 | 07:51:47
1,495 lượt xem
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ, công tác tuyên truyền, vận động chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thường gắn với công việc của người phụ nữ. Tuy nhiên, quan niệm đó đang dần thay đổi. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày càng có nhiều nam giới gắn bó với công tác dân số, tận tụy “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Cán bộ dân số huyện Tiền Hải tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ

Ông Phạm Đức Cơ, cán bộ chuyên trách dân số xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ vào nghề từ năm 1993, 21 năm đó là một chặng đường dài mà ít người cán bộ dân số là nam giới duy trì được. Trong khi rất nhiều cán bộ dân số cùng thời với ông đã bỏ cuộc do tổ chức bộ máy không ổn định, kèm với đó là đồng lương ít ỏi nhưng với lòng yêu nghề, ông vẫn quyết tâm bám trụ.

Trong suốt cuộc đời làm công tác dân số của mình có những kỷ niệm mà ông vẫn còn nhớ mãi. Đó là vào khoảng những năm 1994 - 1995 ông cùng với một số ban, ngành trong xã tích cực vận động chị em phụ nữ đã có đủ 2 con thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Năm đó, ông đã vận động được 17 chị em phụ nữ lên bệnh viện tuyến trên để đình sản. Theo kinh nghiệm của ông, để vận động được các gia đình không sinh thêm con, đối tượng cần quan tâm trước tiên là những ông chồng. Thực tế, nếu người chồng không thông tư tưởng thì chị em dù không muốn cũng phải sinh thêm con. Thế nên, vận động thành công các ông chồng thì việc quyết định thực hiện KHHGĐ, không sinh con thứ 3 sẽ thuận lợi hơn.

Ông chia sẻ: hiện nay giữa nam và nữ đã có sự bình đẳng nhưng ở một số nơi tiếng nói của người đàn ông vẫn có trọng lượng. Nhiều trường hợp chị em phải lén lút đi thực hiện các biện pháp tránh thai vì bị chồng ngăn cản. Thế nên, chúng tôi tác động vào người chồng để họ thông cảm với sự vất vả mang nặng đẻ đau của vợ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn bà con biết rằng sinh đông con thì cuộc sống gia đình sẽ thêm vất vả, trẻ em không được bảo đảm điều kiện để phát triển toàn diện. Nhờ sự năng nổ và nhiệt tình của ông, những năm qua tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã luôn ở mức thấp. Năm 2013, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã là 8,86%, thấp hơn so với mức bình quân chung của huyện; có 2 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Chia sẻ về những khó khăn khi chuyên trách dân số là nam giới, anh Nguyễn Xuân Tám, cán bộ dân số xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, địa bàn có số giáo dân chiếm 65% dân số của xã tâm sự: Việc tiếp cận vận động nam giới không khó, nhưng mình là đàn ông, tiếp cận vận động với nữ giới rất khó. Các chị em thường e ngại cho rằng kế hoạch hóa gia đình là việc thầm kín. Hồi đầu,  nói đến chuyện “vòng kinh” hay “đặt vòng” anh cũng rất ngại và xấu hổ, người nghe không hiểu anh rất buồn. Nhưng vượt qua mặc cảm cùng với những kinh nghiệm dần tích lũy được trong 12 năm công tác, anh kiên trì tuyên truyền, vận động để chị em hiểu từ đó tự nguyện thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Bằng sự cố gắng và lòng nhiệt tình của mình, anh đã góp phần làm cho công tác dân số của xã được cải thiện.

Mặc dù chỉ 27 tuổi, còn quá trẻ để nói về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình nhưng sự tự tin luôn là điểm tựa để anh Nguyễn Đức Trạng, cán bộ chuyên trách dân số xã Liên Giang, huyện Đông Hưng hoàn thành tốt công việc của mình. Tốt nghiệp ngành y nhưng khi mới bước chân vào lĩnh vực dân số, cũng như bao cán bộ nam giới khác, anh đều có chút e ngại khi tuyên truyền cho chị em phụ nữ. Anh cho rằng, hạn chế lớn nhất của nam giới là phụ nữ ngại tiếp cận. Nhưng mỗi một khi đã tin tưởng thì họ dễ dàng tâm sự. Ban đầu khi mới nhận công việc, anh cũng băn khoăn, nhưng theo anh “càng làm càng thấy hay”. Khi tuyên truyền cho chị em phụ nữ về các biện pháp tránh thai, anh thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ và Hội Nông dân của xã để tuyên truyền có hiệu quả. Với anh, nếu không yêu ngành, yêu nghề, không tâm huyết thì không làm được việc này. Thành công của anh trong 4 năm làm cán bộ chuyên trách dân số là tỷ lệ sinh của xã từng bước giảm, từ 1,4% năm 2012 xuống còn 1,1% năm 2013, nhiều cặp vợ chồng trong thôn cam kết không sinh con thứ 3.

Toàn tỉnh hiện có 286 cán bộ chuyên trách dân số nhưng chuyên trách dân số là nam chỉ chiếm trên 10%. Lợi thế nhất của họ là hầu hết đã được biên chế vào viên chức xã để yên tâm công tác, lại có sức khỏe, thời gian để “toàn tâm toàn ý” với công việc. Đánh giá về vai trò của các chuyên trách dân số là nam giới, bà Vũ Phương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: Tuy so với nữ giới, chuyên trách dân số nam có một số hạn chế nhưng họ lại có ưu thế riêng. Đó là nữ có thể tiếp cận với nữ giới nhưng nam lại có những thuận lợi khi tiếp cận với đối tượng là nam giới. Biết cân bằng giữa nữ và nam, biết phát huy thế mạnh của hai phái này sẽ là một ưu thế để làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa