Thứ 2, 01/07/2024, 07:01[GMT+7]

3 năm liên tiếp Báo Thái Bình đạt giải Búa liềm vàng

Thứ 2, 17/06/2019 | 09:54:25
1,839 lượt xem
Đến nay đã qua 3 lần giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng) được tổ chức thì cả 3 lần Báo Thái Bình đều đạt giải. Qua mỗi tác phẩm đạt giải, Ban Biên tập, các phòng chuyên môn, mỗi tác giả đều rút ra những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Nhà báo Nguyễn Thị Hình, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Thái Bình (người thứ ba từ phải sang) nhận giải Búa liềm vàng lần thứ II - năm 2017. Ảnh: Ngọc Linh

Giải Búa liềm vàng là giải thưởng hàng năm do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc viết về công tác xây dựng Đảng. Đây là giải báo chí toàn quốc có tầm ảnh hưởng sâu rộng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Là báo đảng địa phương, Báo Thái Bình luôn chú trọng làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng nói chung, đầu tư các tác phẩm có chất lượng để tham dự giải Búa liềm vàng nói riêng.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra lâu nay đó là viết về xây dựng Đảng vẫn thường được coi là lĩnh vực “khó, khô và khổ” nên thường ít có những bài viết hay. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tư liệu cho đến việc thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu cao về kiến thức, vốn sống, nghiệp vụ và sự tâm huyết. Đội ngũ phóng viên viết hay, sinh động, hấp dẫn về công tác xây dựng Đảng ở các báo hiện còn ít. Những người tâm huyết dồn sức nghiên cứu, hình thành các bài viết có chất lượng cao về xây dựng Đảng cũng không nhiều. Vì vậy, ngay năm đầu tiên giải Búa liềm vàng được phát động (năm 2015), Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Thái Bình chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi, nắm chắc thể lệ, tiêu chí của giải, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các tác phẩm tham dự giải. Ban Biên tập giao chỉ tiêu cho từng phòng, yêu cầu đăng ký đề tài, xây dựng đề cương chi tiết báo cáo Ban Biên tập cho ý kiến, sau đó triển khai thực hiện. Cơ quan chủ động nâng cao trình độ chính trị cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên bằng các hình thức: tổ chức kịp thời việc quán triệt và triển khai sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo tuyên truyền, cổ vũ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, các địa phương. Đảng ủy, Ban Biên tập luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để các phóng viên trẻ được đứng trong hàng ngũ của Đảng; cử phóng viên đi học các lớp bồi dưỡng, khóa đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị và tăng cường rèn luyện bản lĩnh, sự nhạy cảm chính trị trong quá trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí. Đội ngũ phóng viên Báo Thái Bình thường xuyên đi cơ sở, rèn luyện phong cách “đi, học, đọc, viết” nhằm tích lũy vốn sống thực tiễn, có kiến thức sâu rộng để tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, hấp dẫn và thu hút bạn đọc. Nhờ vậy, Báo Thái Bình đã chọn lựa được nhiều tác phẩm viết về công tác xây dựng Đảng tham dự giải Búa liềm vàng. Trong 3 năm 2015 - 2018, Báo có 3 tác phẩm: “Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước dễ hay khó?”, “Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả” và “Nhớ lẽ khoan dân” đạt giải và 1 tác phẩm “Quản lý đảng viên đi làm ăn xa” lọt vào vòng chung khảo.

Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính là phòng đảm nhiệm tuyên truyền lĩnh vực xây dựng Đảng nên ngay từ năm 2015 chúng tôi xác định rõ cần phải đầu tư các bài viết để tham dự giải Búa liềm vàng. Chúng tôi nghiên cứu kỹ các vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, đánh giá, lựa chọn những vấn đề cấp bách, nổi cộm, bảo đảm tính thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, các vấn đề được bạn đọc quan tâm, không ngại chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của các tổ chức đảng địa phương, đơn vị. Khi thực hiện loạt bài “Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước dễ hay khó?”, suốt 2 tháng chúng tôi gõ cửa không biết bao nhiêu doanh nghiệp nhưng có tới hơn 2/3 trong số đó “lắc đầu” không tiếp bởi một lý do “chúng tôi còn phải lo kinh doanh, lo cuộc sống cho hàng trăm công nhân, không còn thời gian cho công tác xây dựng Đảng”. Còn khi hỏi một số công nhân thì họ trả lời rất hồn nhiên “Vào Đảng để làm gì, có được gì không, khi chúng tôi đi sinh hoạt có bị trừ lương không?”. Chính từ cái “lắc đầu” của chủ doanh nghiệp, sự thờ ơ của một số công nhân đã giúp chúng tôi tìm ra những khó khăn, rào cản trong phát triển tổ chức đảng ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chỉ rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và hoàn thành loạt bài tham dự giải Búa liềm vàng.

Với loạt bài “Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả”, mất 4 tháng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính mới hoàn thành. Đây là một vấn đề khó, nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên khi chắp bút chúng tôi phải nghiên cứu, nghiền ngẫm kỹ lưỡng các văn bản liên quan đến cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Trong đầu chúng tôi lúc nào cũng “ong ong” nghĩ về nghị quyết, những con số, tìm cách làm sao truyền tải thành những bài viết chỉ rõ những cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống chính trị, những bất hợp lý trong bố trí vị trí việc làm; khẳng định chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước là tất yếu khách quan mà ai đọc cũng hiểu, hấp dẫn độc giả.

Năm 2017, tròn 20 năm Thái Bình xảy ra sự kiện mất ổn định chính trị, chúng tôi nung nấu ý tưởng viết về bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện quy chế dân chủ ở Thái Bình. Thế nhưng, phải mất hơn 1 năm chúng tôi mới hoàn thành loạt bài đó. Bởi tìm gặp các nhân chứng rất khó khăn, ai cũng ngại nói ra những sai lầm, khuyết điểm của mình trong những năm ấy. Thế nhưng, khi về Quỳnh Hoa, An Ninh (Quỳnh Phụ), Thái Thịnh (Thái Thụy), chúng tôi may mắn được gặp gỡ những cán bộ xã, những người dân trước đây đã mắc những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí phải vướng vào vòng lao lý. Nhưng có điều rất vui mừng là sau 20 năm họ không một lời oán trách, phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương. Tất cả đều cho rằng đấy là thời “không đáng nhắc đến” của Thái Bình nhưng cũng chính nhờ bài học của những năm mất ổn định chính trị 1997 - 2000 mà Thái Bình mới có sự giàu mạnh, phát triển như hôm nay. Xuyên suốt loạt bài “Nhớ lẽ khoan dân” của chúng tôi là bài học về gần dân, trọng dân và ý thức tôn trọng nhân dân được xây trên nền tảng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở của Thái Bình.

Những tác phẩm của Báo Thái Bình tham dự giải Búa liềm vàng tuy chưa đạt giải cao nhưng đối với chúng tôi đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực với nghề, nhất là khi viết về một lĩnh vực vốn được coi là “khó, khô và khổ”. Qua thực tiễn công việc, qua mỗi mùa giải, những người làm Báo Thái Bình sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và có thái độ ứng xử đúng mực, cầu thị, lắng nghe để có bài viết hay, chất lượng hơn về lĩnh vực xây dựng Đảng, xứng đáng là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày