Thứ 2, 01/07/2024, 02:47[GMT+7]

Chủ động ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Thứ 3, 21/05/2024 | 21:53:12
1,463 lượt xem
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, trong 40 năm qua, số các đợt thiên tai tăng gấp 3 lần trên toàn cầu, ghi nhận bất thường về tần suất, cường độ, đặc biệt là sự trái quy luật. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ; từ đầu năm đến nay, liên tiếp các kỷ lục về nắng nóng, mưa lũ... đã bị phá vỡ, các hiện tượng thời tiết bất thường liên tục diễn ra khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề cả người và tài sản.

Các công trình phòng, chống thiên tai đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão.

Xu hướng thiên tai cực đoan, bất thường và khó dự đoán

Mới đây nhất, mưa dông kèm sấm, sét trong ngày 19/5 tại miền Bắc đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương. Tỉnh Thái Bình đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sét đánh, đó là ông P.V.K (60 tuổi), trú tại thôn Trực Nho, xã Minh Quang (Vũ Thư) trong lúc đi làm đồng, không kịp trú tránh, không may bị sét đánh dẫn đến tử vong.

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình cho biết: Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2024 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và Thái Bình xấp xỉ trung bình nhiều năm; có khoảng 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 6 - 7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh không theo quy luật và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc, sét xảy ra với tần suất lớn; gió mạnh khi xảy ra mưa dông và hoạt động của các vùng áp thấp nóng phía Tây trên vùng biển ngoài khơi và ven biển hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Có khả năng xảy ra từ 7 - 9 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt (kéo dài từ 2 ngày trở lên); thời gian nắng nóng kéo dài và cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2023. Nhiệt độ cao nhất mùa từ 37 - 39oC. Thời gian xuất hiện nắng nóng tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 7. Tổng lượng mưa toàn mùa các khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Có khả năng xuất hiện từ 7 - 9 đợt mưa lớn diện rộng (lượng mưa trung bình trên 100mm trở lên). Có khả năng mưa lớn xuất hiện vào cuối mùa mưa bão.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Trước tình hình đó, tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài chính, ngân sách ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt mưa lớn kéo dài. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp thay thế cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp. Tuy nhiên hiện nay chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể về Luật Phòng thủ dân sự. Để công tác PCTT và TKCN tỉnh bảo đảm liên tục, không bị gián đoạn và đúng quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác PCTT và TKCN của tỉnh đến khi Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự được kiện toàn. Trong đó, tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và phân công nhiệm vụ các đồng chí lãnh đạo tại các quyết định đã được UBND tỉnh ban hành trước mùa mưa bão năm 2023; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đến khi Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh được thành lập.

Nhận định, đánh giá về tình hình thiên tai, lũ bão năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Thái Bình luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và triển khai hiệu quả công tác PCTT và TKCN. Để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2024, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/ CT-UBND, ngày 3/5/2024 của UBND tỉnh; trong đó, chủ động đầy đủ nhân lực, vật lực, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, gắn với kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai, để các địa phương, đơn vị và người dân không chủ quan, lơ là trước diễn biến, các hình thái thiên tai như: dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn... Ngoài việc hoàn thành tu bổ, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều, bảo đảm an toàn các cống dưới đê trong bão, lũ, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình trái phép ngoài bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều gây cản trở thoát lũ để sớm xử lý dứt điểm; xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể xử lý dứt điểm các điểm vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Văn bản số 454/UBND-NNTNMT ngày 2/2/2024; số 1374/UBND- NNTNMT ngày 16/4/2024.

Theo dự báo, thời gian tới, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác PCTT và TKCN của Thái Bình đã và đang được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Để công tác PCTT thực sự hiệu quả, giảm bớt thiệt hại về người và tài sản, các địa phương và người dân trong tỉnh cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị sẵn các phương án phòng tránh, trong đó lấy phòng là chính, chủ động bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Thiên tai giông, sét ngày 19/5 tại miền Bắc khiến 3 người thiệt mạng.

Nguyễn Thơi