Chủ nhật, 07/07/2024, 20:12[GMT+7]

Sức trẻ trên quê hương An Cầu

Thứ 2, 29/07/2013 | 13:52:18
686 lượt xem
Về xã An Cầu (Quỳnh Phụ) hôm nay thật dễ dàng nhận thấy những đổi thay trên mảnh đất thuần nông này. Nhiều công trình đã được xây mới, hệ thống giao thông nội đồng được hoàn thiện, những trang trại mọc lên trên vùng đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả… Trong bước phát triển của quê hương ghi đậm những đóng góp của các đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Nhân công làm việc tại xưởng may của anh Nguyễn Sỹ Chính (thôn Tư Cương, An Cầu).

Anh Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Ngay sau khi xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành (BCH) Đoàn đã tổ chức quán triệt đến từng ĐVTN, đồng thời động viên ĐVTN phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, mạnh dạn đảm nhận nhiều công trình, phần việc, góp sức đưa quê hương “thay da đổi thịt”. Đã có rất nhiều ĐVTN xung kích tham gia vào các công trình hạng mục công việc của xã, trong đó nổi bật nhất là công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng”.

Để chứng minh, anh Hùng dẫn chúng tôi đi thăm khu vực cánh đồng của xã với hệ thống giao thông nội đồng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhìn những con đường thẳng tắp, rộng rãi đủ cho những máy gặt cải tiến, máy cày cỡ lớn chạy bon bon khi mùa vụ đến, không mấy người biết được rằng đó là thành quả sau gần 4 tháng lao động cật lực của 4 ĐVTN. Năm 2012, An Cầu thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Nhận thấy công việc cần một khối lượng đào đắp lớn, anh Lương Văn Kết là ĐVTN thuộc Chi đoàn thôn Trung Châu Đông đã mạnh dạn thuê máy xúc rồi đăng ký với xã nhận nạo vét, đào đắp giao thông thủy lợi cho toàn bộ bờ vùng bờ thửa trong xã. Do khối lượng công việc lớn lại phải hoàn thành sớm để nhân dân kịp vào thời vụ, anh Kết cùng 3 ĐVTN phải làm việc cật lực cả chục tiếng/ngày. Sau gần 4 tháng “nằm đồng”, công trình đã được hoàn thành với khối lượng gần 3 vạn mét khối, bảo đảm đúng tiến độ ra.

Cũng như anh Kết, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, 7 đoàn viên thuộc Chi đoàn thôn Tư Cương đã mạnh dạn đổi ruộng ra khu đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả để đào ao nuôi thả cá hoặc trồng các cây, con có giá trị khác. Khu đất rộng gần 4 ha được quy hoạch từ năm 2002 nhưng phải đến năm 2012 mới tiến hành chuyển đổi theo chương trình dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng của xã. Tuy thời gian chuyển đổi chưa lâu, song những đổi thay thật dễ dàng nhận thấy. Những thửa ruộng cho năng suất thấp giờ đây đã không còn, thay vào đó là mô hình trang trại với vườn cây, ao cá, khu chăn nuôi... Vào thăm gia đình anh Trần Văn Thường mới thực sự cảm nhận rõ sự đổi thay.

Trên diện tích đất rộng 1 mẫu, anh Thường tiến hành đào 6 sào ao chia thành 2 khu: ao nhỏ thả cua và trạch, ao lớn thả các loại cá như trắm, chép, mè… kết hợp với nuôi hơn 100 con vịt đẻ. Số đất còn lại trồng các loại cây ăn quả như chuối, thanh long… và đang tiến hành xây thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn. Anh tâm sự: “Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, tôi xin đi làm công nhân ở nhiều nơi, công việc vất vả nhưng thu nhập rất thấp. Năm ngoái, được sự động viên của BCH Đoàn xã, tôi cùng với anh em ĐVTN trong thôn đã làm đơn xin dồn ruộng ra khu đất chuyển đổi để làm kinh tế. Hiện tôi đã đầu tư vào trang trại hơn 170 triệu đồng nhưng hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”.

Không chỉ tập trung làm giàu trên đất lúa, ĐVTN trong xã còn tham gia sản xuất ở nhiều ngành nghề khác như làm hương, may mặc… Tới thăm xưởng may tại gia của anh Nguyễn Sỹ Chính (thôn Tư Cương) chúng tôi được biết, xưởng may của anh nhận mối hàng từ Công ty may Thăng Long sau đó về gia công rồi nhập trở lại Công ty. Hiện tại xưởng may đang giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức lương trên 2,2 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, tổng thu nhập của gia đình anh Chính lên tới  hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh việc xung kích phát triển kinh tế, tuổi trẻ xã An Cầu còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và được cụ thể hóa bằng nhiều công trình thanh niên như phối hợp với Tỉnh đoàn tặng công trình nhà cầu trượt trị giá hơn 10 triệu đồng và trích kinh phí 1 triệu đồng mua đồ chơi tặng cho các cháu trường mầm non; trồng hơn 400 cây tại khu vực đê của xã nhằm bảo vệ môi trường và đê điều.

Tuy không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới, song với lòng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Cầu, đặc biệt là những đóng góp của thế hệ trẻ, diện mạo nông thôn mới đã và đang hiện diện trên mảnh đất này.

    Bài, ảnh: Đào Quyên

  • Từ khóa