Chủ nhật, 07/07/2024, 18:39[GMT+7]

Thái Thụy Coi trọng công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân

Thứ 3, 06/08/2013 | 08:34:13
1,133 lượt xem
Là vùng ven biển, Thái Thụy có số lượng tàu thuyền khai thác, diện tích nuôi trồng thủy sản và dân cư sinh sống ngoài đê lớn. Mùa mưa bão năm nay, huyện đã xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư và phương tiện cần thiết sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, trong đó công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân được đặc biệt chú trọng.

Đắp đất chống tràn đề phòng nước dâng gây ngập lụt tại xã Thái Thượng.

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Tiểu ban Cứu hộ, cứu nạn và di dân của Thái Thụy cho biết: Thái Thụy có 27 km bờ biển, 87,3 km đê biển, đê sông và cửa sông đều xếp vào hạng xung yếu; 453 phương tiện đánh bắt hải sản, vận tải thủy với 1.418 lao động; 778 hộ nuôi trồng thủy sản với gần 1.500 lao động; tổng số dân sinh sống ở ngoài đê trong diện phải di dời là 4.956 hộ với 12.363 người, trong đó có 231 hộ với 866 nhân khẩu thuộc vùng đặc biệt nguy hiểm ở Thị trấn Diêm Điền, xã Thái Thượng cần phải sơ tán, di dời khẩn cấp khi lũ bão xảy ra.

Tuy nhiên, những thiệt hại về người thường ít xảy ra nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, thậm chí xem nhẹ công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân. Nhận thức rõ những hạn chế trên, năm nay Thái Thụy chủ động xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn và di dân sớm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đơn vị thực hiện. Huy động lực lượng hoàn thành công tác lấy đất, đá dự trữ (gồm 4.358 m3 đá hộc, 1.000 m3 đất) cho các cống, kè xung yếu ngay từ trước mùa mưa bão. UBND huyện giao cho 48 xã, thị trấn huy động 9.491 người tham gia lực lượng canh coi đê, cừ sách, xung kích; chuẩn bị 282.500 bao, 6.100 đèn pin, 5 tàu thuyền, 21 xe, trang bị 90 máy trực canh tại các xã ven biển… sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão xảy ra.

Cùng với việc huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, Thái Thụy xác định những vùng úng trũng, vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê thường xảy ra ngập lụt và chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo kế hoạch di dân sớm đến từng người, hộ gia đình để sẵn sàng di dời vào nơi an toàn khi bão vào, nước dâng. Rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền và lao động trên tàu, tuyên truyền, vận động ngư dân, người làm nghề vận tải biển mua sắm đủ các phương tiện theo dõi, nắm bắt tình hình khí tượng thủy văn, trang bị phao cứu  sinh bảo đảm ra khơi phải an toàn. Lực lượng Biên phòng đóng trên địa bàn huyện cũng đã lập danh sách cụ thể, xác định vị trí của các tàu thuyền hoạt động trên biển, sẵn sàng liên lạc với ngư dân đưa tàu về nơi trú ẩn an toàn khi có tin bão, áp thấp nguy hiểm hoạt động trên biển. Tại các nơi neo đậu tàu thuyền của Thái Thụy đều có sơ đồ vị trí cho từng tàu, thuyền khi vào tránh bão, tránh bị va đập làm hỏng hoặc chìm tàu.

Chiều ngày 1/8, chúng tôi có mặt tại Thái Thụy nắm tình hình triển khai ứng phó với bão số 5, công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân trên địa bàn. Trung tá Phạm Quyết Tiến, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: “Là đơn vị chịu trách nhiệm phụ trách lực lượng ứng cứu tàu thuyền và ngư dân ven biển nên cán bộ, chiến sĩ của Đồn luôn nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và di dân. Chúng tôi lập danh sách, ghi số điện thoại thường xuyên liên lạc nắm được vị trí của tất cả 306 phương tiện tàu thuyền với 936 lao động hoạt động trên biển do đơn vị quản lý. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xuất hiện trên biển Đông lập tức thông báo tin bão và kêu gọi ngư dân đưa tàu về nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, đơn vị thực hiện nghiêm lệnh “cấm biển” theo chỉ đạo của cấp trên, tổ chức lực lượng đi tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở các vùng nguy hiểm, lao động trên các đầm nuôi trồng thủy sản, chòi ngao di chuyển vào vùng an toàn trước khi bão vào, nước dâng”. Tại cảng cá Tân Sơn, nhiều tàu khai thác và thu mua hải sản đã về bến neo đậu an toàn. Ngư dân Vũ Năng Khôi (xã Thụy Xuân) chia sẻ: “Đang hoạt động trên biển nhưng nghe thông tin báo bão và kêu gọi của các đồng chí biên phòng, chúng tôi khẩn trương đưa tàu về neo đậu tại bến từ ngày 30/7. Anh em đã về nhà rồi, còn tôi ở lại vừa nghe thông tin báo bão vừa coi tàu, nếu bão đổ bộ vào Thái Bình, gió giật cấp 11, 12 thì phải  đưa tàu vào bến phía trong cửa Diêm Điền neo buộc chắc chắn rồi dời tàu. Mong muốn của ngư dân là tỉnh, huyện sớm hoàn thành xây dựng khu neo đậu tàu bên xã Thái Thượng để bảo đảm an toàn tài sản của người dân”.

Từ nay đến hết mùa mưa bão, Thái Thụy tiếp tục rà soát lại phương án cứu hộ, cứu nạn và di dân để bổ khuyết những hạn chế đồng thời chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng kịp thời xử lý các tình huống do bão lũ gây nên. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện có 99 hộ gia đình với 274 nhân khẩu của Thị trấn Diêm Điền sinh sống ở ngoài đê, nhiều hộ đã xây dựng nhà kiên cố, khi có bão, nước dâng thường gây ngập lụt, ví như trong cơn bão số 2 nước dâng ở khu vực trũng nhất cao tới hơn 1 m. Vì vậy, Thái Thụy đề nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương xây dựng kè ven biển bao quanh khu dân cư  để chống nước dâng, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa