Chủ nhật, 07/07/2024, 18:44[GMT+7]

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với bão số 6

Thứ 4, 07/08/2013 | 21:34:35
1,018 lượt xem
Trước diễn biến của bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có các công điển khẩn yêu cầu các cấp, ngành chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để ứng phó với bão. Đồng thời, ngày 7/8, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện khẩn cấp việc ứng phó với bão số 6.

Gia cố, bảo vệ đê biển số 5 (xã Nam Phú) trước khi bão số 6 đổ bộ vào Tiền Hải. Ảnh: Phan Lợi

Vào hồi 13 giờ, ngày 7/8, vị trí tâm bão số 6 ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hoá khoảng 190 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Trước diễn biến của bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có các công điện khẩn yêu cầu các cấp, ngành chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để ứng phó với bão. Đồng thời, ngày 7/8, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 6.

 

Sáng ngày 7/8, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm các tàu, thuyền ra khơi. Đồng thời, tiến hành rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn để tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh trú an toàn. Tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ - hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền vào khu neo đậu, các hộ dân ở trong các nhà yếu vào nơi an toàn.

 

Cụ thể, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đồn biên phòng ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ sử dụng ca nô để thông báo, tuyên truyền cho ngư dân và những người nuôi trồng thủy - hải sản ven biển biết về diễn biến của bão và biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó còn tổ chức bắn pháo báo hiệu bão theo quy định và cưỡng chế những tàu thuyền cố tình ra khơi; sơ tán các hộ dân sống ven sông, ven biển và ngư dân nuôi trồng thuỷ, hải sản vào nơi trú ẩn an toàn.

 

Tính đến 15 giờ, ngày 7/8, đã kêu gọi được 13 phương tiện, với 93 lao động đánh bắt xa bờ vào neo đậu tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Áng (Hà Tĩnh); hướng dẫn, sắp xếp cho 1.175 tàu, thuyền, với 3.074 lao động vào nơi neo đậu. Huyện Tiền Hải, Thái Thuỵ đã tuyên truyền, vận động được trên 4.000 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản và trên các chòi canh ngao ngoài biển vào nơi an toàn; tổ chức sơ tán toàn bộ nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê chính vào nơi trú ẩn. Công an tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đến các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc việc PCLB và triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia tổ chức di dời dân và bảo đảm an ninh trật tự trước, trong, sau bão.

 

Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo hai Công ty KTCTTL Bắc, Nam bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để tranh thủ mở các cống tiêu, nhất là cống Trà Linh và cống Lân. 7 giờ, ngày 7/8, mực nước trên các trục sông tiêu tại cầu Nguyễn (Đông Hưng ) là +0,55 m; cống Trà Linh phía đồng +0,08 m, phía biển -0,02 m; Phúc Khánh (Thành phố Thái Bình) +0,95 m; cống Lân phía đồng là -0,10 m, phía biển -0,22 m. Ngoài ra, một số công trình đê bị sạt lở sau bão số 2 đang được khẩn trưởng khắc phục.

 

Cụ thể, kè Đông Minh đã xử lý xong những đoạn bị hư hỏng, chít mạch xong toàn bộ 200 m kè bằng vữa xi măng, cát vàng; mang cống Trà Linh đê cửa sông Diêm Hộ và mang cống Đoài tiêu qua đê sông Hóa đã xử lý xong phần đắp đất; 10/10 cống xung yếu dưới đê thuộc huyện Kiến Xương đã hoàn thành việc cắm cừ dự phòng và hoành triệt…

 

Nhìn chung, đến 17 giờ, ngày 7/8, các công việc chuẩn bị để ứng phó với bão số 6 đã cơ bản hoàn thành.

 

* Công an tỉnh

 

Để ứng phó với bão số 6, Công an tỉnh đã có Công điện yêu cầu trực 100% quân số từ 6 giờ ngày 7/8 đến khi bão tan. Các đơn vị triển khai phương án bảo đảm  ANTT ở các địa bàn trọng điểm; bảo vệ các mục tiêu quan trọng; các công trình đê, kè, cống; phối hợp với quân đội, dân quân tự vệ, công an xã tuần tra canh gác phòng chống tội phạm lợi dụng bão, lũ để phá hoại, trộm cắp, nhất là ở nơi tàu thuyền trú ẩn, nhân dân sơ tán.

 

Các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở nắm danh sách và có biện pháp sơ tán, giúp đỡ từng hộ, từng người làm nghề nuôi trồng thủy, hải sản ở ngoài bãi sông, ven biển, chòi nuôi ngao; các hộ gia đình neo đơn. Bố trí lực lượng và các phương tiện cần thiết để triển khai ngay phương án di dân khi có lệnh... Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động, hướng dẫn giao thông và giải tỏa ngay những nơi ách tắc; kiểm tra toàn bộ phương tiện thủy, nghiêm cấm các đò ngang hoạt động, trước khi bão vào; cấm tầu thuyền neo đậu tại các cửa sông, khu vực cầu cống.

 

Trong ngày 7/8, Công an tỉnh đã lập các đoàn công tác do đồng chí Giám đốc, các Phó Giám đốc và các trưởng phòng đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại công an các huyện, thành phố, các địa bàn ven sông, ven biển.

 

* Bộ chỉ huy quân sự tỉnh

 

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 6, Bộ CHQS tỉnh thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy; lập Trạm thông tin liên lạc quân sự thông suốt giữa các đơn vị và địa phương.

 

Tại các sở chỉ huy tiền phương, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh cùng Ban CHQS hai huyện ven biển liên tục tuần tra, kiểm soát nắm chắc diễn biến của nước biển, triều cường và khả năng chịu đựng của các tuyến đê Pam ven biển, các tuyến đê xung yếu kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền sở tại có biện pháp xử lý hiệu quả. Khi bão tan các sở chỉ huy tiền phương một mặt phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, mặt khác chỉ đạo các đơn vị LLVT  trên địa bàn giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.

 

* Công ty Điện lực Thái Bình

 

Chiều ngày 7/8, mặc dù bão số 6 chưa đổ bộ vào địa bàn tỉnh Thái Bình, tuy nhiên, với sức gió mạnh cấp 4, cấp 5, một số địa phương thuộc các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng đã bị mất điện. Sau hơn 1 giờ khắc phục sự cố, thay lại sứ, đường dây, điện lực các huyện đã cấp điện trở lại phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống bão và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

 

Công nhân Điện lực Đông Hưng chuẩn bị vật tư xử lý sự cố lưới điện tại xã Đông La do ảnh hưởng của sức gió mạnh cấp 4, cấp 5 trước khi bão số 6 đổ bộ. Ảnh: Đức Dũng

 

Để chủ động ứng phó với bão số 6, Công ty Điện lực Thái Bình đã lệnh cho các đơn vị trực thuộc tổ chức trực phòng chống lụt bão 100% quân số đối với đội xung kích, tiền phương cả trước, trong và sau bão. Đồng thời tăng cường kiểm tra lưới điện trước bão, xử lý các khiếm khuyết, phát quang hành lang; kiểm tra toàn bộ đường dây, các trạm biến áp cấp điện cho hệ thống bơm tiêu úng, bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trước bão để phục vụ công tác tuyên truyền và chỉ đạo phòng chống bão. Lãnh đạo và nhân viên các phòng Kỹ thuật, An toàn tăng cường xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ động phòng chống bão số 6. Công ty Điện lực Thái Bình bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho các trạm bơm tiêu úng; đồng thời kịp thời xử lý các tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, ưu tiên cấp điện cho các cơ quan, đơn vị quan trọng, của tỉnh và các huyện, thành phố.

 

* Tiền Hải

 

7h30 ngày 7/8, huyện tổ chức 4 đoàn kiểm tra việc thực hiện theo đề án PCLB của huyện và kế hoạch của các đơn vị, địa phương. Đồng thời yêu cầu các đồng chí cụm trưởng, thành viên Ban Chỉ huy PCLB huyện về các vị trí đã được phân công để kiểm tra, đôn đốc. Đến 13h ngày 7/8, toàn bộ lao động tại các đầm, bãi, chòi coi ngao đều đã di chuyển vào nơi an toàn.

 

Ban Chỉ huy PCLB huyện yêu cầu Đồn Biên phòng Cửa Lân phối hợp với UBND các xã kiểm đếm, theo dõi, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 6 để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời kết hợp với Tiểu ban Cứu hộ cứu nạn, UBND các xã ven sông, ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi trú bão an toàn.

 

Đến 15h ngày 7/8, các tàu thuyền của huyện đã vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 10 tàu của Thanh Hóa đậu tại bến cửa Lân, 6 tàu Nam Định neo tại sông Cau. UBND các xã ven biển, các nhà thầu đang thi công các gói thầu đê biển số 5 khẩn trương bố trí nhân - vật lực, chủ động có phương án xử lý trước khi bão số 6 đổ bộ vào Tiền Hải, chậm nhất đến 17h, đóng toàn bộ các phai, băng két trên đê. Xí nghiệp KTCT thủy lợi và các HTX DVNN chủ động điều tiết nước, khơi thông dòng chảy đề phòng mưa úng để bảo vệ diện tích lúa mùa và hoa màu. Huyện cũng yêu cầu ngành điện kiểm tra rà soát hệ thống điện trong toàn huyện, đặc biệt khu di dân xã Đông Long, bảo đảm cấp điện an toàn phục vụ nhu cầu chống bão.

 

* Thái Thụy

 

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB huyện Thái Thụy đã gửi 2 công điện chỉ đạo ban chỉ huy PCLB các cấp tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, mọi người dân nắm được thông tin, diễn biến và mức độ nguy hiểm của bão chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại các địa phương, đơn vị; rà soát, kiểm tra các công trình đê, kè, cống, đặc biệt là các vị trí xung yếu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, xử lý các sự cố khi vừa phát sinh. Huyện thực hiện nghiêm lệnh cấm tất cả tàu, thuyền ra khơi từ sáng ngày 7/8. Rà soát toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn, thực hiện mọi biện pháp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông biết vị trí, hướng di chuyển của bão, khẩn trương đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

 

Nhiều tàu thuyền của Thái Thụy đã về neo đậu tại cảng cá Tân Sơn trước khi bão số 6 đổ bộ. Ảnh: Nguyễn Hình

 

Kết quả, đến sáng ngày 7/8, 453 phương tiện với 1.416 lao động nhận được thông tin báo bão khẩn trương đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Thái Thụy cũng tích cực thực hiện phương án di dân và đến chiều ngày 7/8, toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền đã vào khu neo đậu, dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, vị trí xung yếu di chuyển vào nơi trú ẩn an toàn.

 

* Thành phố Thái Bình

 

Chiều ngày 7/8, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố đã chỉ đạo phường Lê Hồng Phong, Kỳ Bá và Quang Trung tổ chức di dời 1.190 người dân đang sống tại khu vực không an toàn, đặc biệt là khu tập thể xuống cấp và các hộ ven đê. 

 

Cùng với lực lượng Ban chỉ huy Quân sự, Công an Thành phố, công an các phường, tổ trưởng tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể các phường Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, Quang Trung đã trực tiếp xuống vận động người dân sơ tán, đặc biệt đối với những trường hợp người già, trẻ nhỏ, hộ gia đình chính sách, neo đơn… được bố trí xe chở đến các điểm an toàn.

 

Cụ thể, tại phường Quang Trung có 3 khu vực cần di dời thuộc tổ 17, 39, 40; phường Lê Hồng Phong sơ tán các hộ khu tập thể thuộc các tổ 24, 25, 26A, 26B và khu tập thể nhà máy xay cũ; phường Kỳ Bá di dời 41 hộ dân ngoài đê và các hộ khu tập thể Công ty Xây lắp I. Đến 16 giờ ngày 7/8, việc di dời dân hoàn thành theo đúng kế hoạch.

 

* Vũ Thư

 

Để hạn chế thiệt hại do bão số 6 gây ra, huyện Vũ Thư đã xây dựng các phương án phòng chống bão, ứng phó với mưa lớn sau bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Huyện chỉ đạo các địa phương quán triệt sâu sắc đến cán bộ và nhân dân phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời.

 

Đài truyền thanh huyện và cơ sở thông tin, cập nhật thường xuyên về diễn biến của bão. Chỉ đạo cán bộ, công nhân Xí nghiệp KTCT thủy lợi huyện triển khai xuống các địa phương, kiểm tra các công trình trạm bơm, cống đập, phối hợp với ngành điện kiểm tra hệ thống lưới điện phục vụ các trạm bơm bảo đảm vận hành tốt. Yêu cầu công nhân ở các trạm bơm do Xí nghiệp quản lý thường xuyên trực 24/24 giờ sẵn sàng cho việc tiêu úng khi có lệnh. Thực hiện bơm tiêu rút nước đệm trên toàn hệ thống nhằm chống úng cho lúa mùa, cây màu. Thành lập các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các xã, các đoạn đê xung yếu và yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, sẵn sàng sơ tán người, tài sản ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.  Phân công lãnh đạo trực ban, nắm chắc tình hình, thường xuyên thông tin liên lạc về diễn biến của bão.

 

* Kiến Xương

 

Trước những diễn biến nhanh, phức tạp của bão số 6, 7h ngày 7/8, Ban Chỉ huy PCLB huyện Kiến Xương đã có Công điện số 14 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành và 37 xã, thị trấn khẩn trương, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.

 

Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ sáng ngày 7/8, khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn; tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh trú bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, không để người ở lại trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu. Tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 17h ngày 7/8. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình đang xây dựng, cắt tỉa cành cây lớn bảo đảm an toàn trong bão. Chỉ đạo các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau bão; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng nhiệm vụ chỉ huy của các cấp, các ngành; cung cấp điện ổn định cho công tác phòng chống lụt bão và bơm tiêu.

 

Thành viên Ban Chỉ huy PCLB các cấp và lực lượng tham gia phòng chống lụt bão đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên báo về Ban Chỉ huy PCLB huyện.

 

* Đông Hưng 

 

Để chủ động phòng chống bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB huyện yêu cầu Đài Truyền thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn liên tục cập nhật thông tin, diễn biến mới nhất của bão số 6 đến người dân, đặc biệt vào các khung giờ: 5h30, 11h30, 17h30 trong ngày.

 

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCLB huyện  yêu cầu kiểm tra, rà soát các gia đình chính sách, neo đơn, các hộ đang ở nhà tạm tại các khu chăn nuôi tập trung di dời đến nơi an toàn trước 19h ngày 7/8. Các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra các công trình đê điều, tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý giờ đầu khi có sự cố đê điều; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và đường bộ. Ngay sau bão số 5, huyện tiếp tục yêu cầu các xã, thị trấn dọc các sông tiêu chính kết hợp với Công ty KTCTTL Bắc, Xí nghiệp KTCTTL huyện tổ chức giải tỏa, khơi thông dòng chảy bảo đảm tốt nhất cho phương án tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

 

Ngay sau cuộc họp khẩn, Ban Chỉ huy PCLB huyện cùng với Đoàn kiểm tra công tác PCLB của tỉnh đã tiến hành kiểm tra dọc tuyến đê Trà Lý (22,5 km) thuộc địa phận huyện Đông Hưng.

 

* Hưng Hà

 

Đơn vị thi công đường Thái Hà khơi thông dòng chảy sông Tiên Hưng đoạn qua địa phận huyện Hưng Hà. Ảnh: Bình Minh 

 

Sáng 7/8, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã tổ chức họp khẩn để triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 6; mọi nhiệm vụ đã được giao cụ thể, chi tiết tới các phòng, ban, ngành, đơn vị, các thành viên của Ban. Ông Phạm Hồng Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh cho biết: Hồng Minh có 5,7 km đê quốc gia và 3 km đê bối, để ứng phó hiệu quả với bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB xã đã triển khai công tác hộ đê phòng lụt đến từng thôn, lực lượng.

 

Cụ thể, canh coi gác nước tại điếm Tân Mỹ gồm 12 người do thôn Tân Mỹ đảm nhiệm; điếm Phú Nha cử 12 người do thôn Phú Nha đảm nhiệm… Lực lượng cứu hộ bố trí 100 người, gồm lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên do đồng chí Xã đội trưởng chỉ huy; lực lượng xung kích 100 người do Đoàn Thanh niên đảm nhiệm… Ngoài ra, tại các điếm đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ, như bao tải, xẻng, quang gánh để ứng phó với bão số 6.

 

Ông Trần Duy Mạc, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông cho biết: Đến 14 giờ, ngày 7/8, xã đã kiểm tra, rà soát xong hơn 500 hộ gia đình chính sách và toàn bộ các hộ trong toàn xã xác định các hộ sống trong những căn nhà không an toàn để có phương án di dời; 60 người coi gác 5 điếm nước, lực lượng cừ sách 50 người, xung kích 100 người, hỏa tốc 4 người… đã được bố trí ứng phó với bão số 6.

 

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Hưng Hà cho biết: Trước khi có tin về bão số 6, toàn bộ diện tích lúa mùa đã được rút kiệt nước, các sông cơ bản đều cạn, trong sáng ngày 7/8 chưa phải vận hành các trạm bơm tiêu úng; tuy nhiên, nếu mưa lớn xảy ra, các trạm bơm tiêu úng lớn đã sẵn sàng vận hành bảo đảm tiêu nước nhanh, hiệu quả; Xí nghiệp đang phối hợp với các đơn vị thi công đường Thái Hà dùng máy để múc bùn đất tại các điểm gây cản trở dòng chảy.

 

Cùng với công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6, Hưng Hà đã triển khai phương án thực hiện sau khi bão đi qua, như đưa người dân sơ tán trước bão về nơi ở cũ an toàn, trật tự; tổ chức lực lượng  xung kích, tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả, sửa chữa nhà ở, bảo đảm an ninh trật tự, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan… Đồng thời, tổ chức kiểm kê, đánh giá xác định thiệt hại do bão theo đúng quy trình và báo cáo ban chỉ huy PCLB cấp trên.

 

* Quỳnh Phụ

 

Trước diễn biến nhanh của bão số 6, Ban Chỉ huy PCLB huyện yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc phương án di chuyển các hộ dân đang sinh sống ngoài vùng xung yếu (đặc biệt là các hộ dân đang ở vùng xung yếu ngoài đê bối xã Quỳnh Lâm) vào khu vực an toàn trước 18 giờ ngày 7/8; thực hiện phương án bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ven sông Luộc, sông Hóa và các khu chăn nuôi tập trung. Chỉ đạo quyết liệt việc tiêu nước trên mặt ruộng và các hệ thống sông trục, tránh gây ngập úng diện tích lúa mùa và diện tích cây màu hè thu. Có biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau bão; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng nhiệm vụ chỉ huy của các cấp, các ngành; cung cấp đủ điện cho công tác PCLB và bơm tiêu nước.

 

 NHÓM PHÓNG VIÊN

  • Từ khóa