Chủ nhật, 07/07/2024, 19:27[GMT+7]

Chiến tranh đi qua, tình người ở lại

Thứ 5, 08/08/2013 | 09:12:55
969 lượt xem
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chẳng có gì ngoài những kỷ vật mà các cấp, hội, đoàn thể vừa mới trao tặng, ông Song không giấu được cảm xúc. Ông bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho đời sống của những thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng như ông.

Ông Trần Minh Song (người ngoài cùng bên trái) cùng đại diện các đoàn thể và bà con tổ dân phố trong ngôi nhà mới.

Hơn một tháng nay, kể từ ngày khởi công xây dựng ngôi nhà nhờ sự hỗ trợ của "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", không lúc nào người ta thấy ông ngồi yên,  hàng xóm thấy ông vừa đạp xe đi, chốc chốc lại tạt về ngắm ngôi nhà mới. Ngày ngôi nhà khánh thành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể cùng bà con trong tổ dân phố đến thăm, chúc mừng, khuôn mặt gầy gò, khắc khổ của ông tràn đầy niềm vui, xúc động. Không thể nói được gì ngoài việc cúi đầu cảm tạ, cảnh tượng mà ai nhìn thấy cũng phải mủi lòng, rơi những giọt nước mắt vừa vui mừng, vừa thương cảm.

Ông là Trần Minh Song, sinh năm 1940 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng). Các cụ thân sinh ra ông đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng; trong gia đình có 4 người con thì cả 4 cùng tham gia hoạt động cách mạng. Ông là anh cả, 2 em trai đã hy sinh là liệt sĩ Trần Tươi và Trần Văn Sơn, cô em út từng là tù chính trị Côn Đảo hiện là thương binh nặng. Tháng 7 năm nay, gia đình ông đón nhận 2 niềm vui lớn: ở Đà Nẵng, mẹ ông vừa được truy  tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài này, ông và con cháu cũng được quây quần trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp.

Trong trí nhớ ngắt quãng về đời lính, ông kể: Năm 1961, ông nhập ngũ vào đơn vị 16 Quảng Đà, đánh trận đầu tiên tại Bình Long Phước Long, (Quảng Nam), sau đó là đánh sân bay Đà Nẵng. Gần 11 năm chiến đấu, ông tham gia hơn 40 trận đánh lớn nhỏ. Năm 1972, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương rất nặng ở đầu và ở chân nên phải theo đoàn thương binh ra Bắc, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Tiên Hưng (Đông Hưng). Sau đó, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Liên - là thanh niên xung phong cầu đường, bà cũng là Dũng sĩ diệt Mỹ, rồi về trú tại tổ dân phố 28, phường Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình).

Trở về sau cuộc chiến với tỷ lệ thương tật 41%, bệnh binh 2/3, những cơn đau hành hạ khiến ông không còn đủ sức lao động. Mọi chi tiêu đều trông chờ vào đồng lương và phụ cấp ít ỏi của 2 vợ chồng. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi người con gái út của ông là Trần Thị Hương bị nhiễm chất độc da cam. Tai họa nối tiếp tai họa, khi vợ ông phải nhập viện điều trị bệnh ung thư tủy. Tiền bạc dồn hết để chữa trị cho vợ và con gái nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Năm 2009, bà Liên mất. Ông vừa là bố, vừa là "mẹ” chăm lo cho con gái, vừa phải đi làm thêm lấy tiền mua thuốc cho con.

Bà Vũ Thị Thanh, hàng xóm của ông Song cho biết: "Gia đình ông Song khổ lắm, trước đây cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ, lụp xụp. Ông thường phải ra vườn hoa ngủ, trời mưa thì chạy về hiên nhà tôi, còn nhà dành cho vợ và mấy người con. Vợ ông nằm liệt giường, cô con gái "điên điên dại dại", nhiều lần bỏ nhà, bỏ viện đi, bà con trong tổ dân phố chia nhau đi tìm và đưa về hộ. Không chỉ bị điên dại mà cô còn bị tiểu đường, nằm liệt giường hàng năm trời, không có khả năng kiểm soát bản thân, mọi "sinh hoạt" đều trên giường; nhà có 4 người con thì 3 người đều làm công nhân nên vẫn phải đi làm kiếm sống. Thấy cảnh ông già ngoài 70 chăm sóc con gái, bà con ai cũng thương cảm. Tuổi già ai cũng mong muốn được sống những ngày cuối đời yên ấm, nhờ cậy con cháu, còn ông…". Đến đây, giọng bà Thanh nghẹn lại, nước mắt rưng rưng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chẳng có gì ngoài những kỷ vật mà các cấp, hội, đoàn thể vừa mới trao tặng, ông Song không giấu được cảm xúc. Ông bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho đời sống của những thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng như ông.

Trở về cuộc sống đời thường, hơn 20 năm nay, người dân trong tổ dân phố vẫn thấy ông cùng chiếc xe đạp cũ, chở thêm hộp đồ nghề ra đường Lý Bôn, cổng Trường Đại học Y bơm vá xe đạp, chiều về ông thường mang theo ít chai lọ hay một vài thứ gì có thể bán được, gom nhặt từng đồng để có tiền thuốc thang cho con. Trong ký ức xa xăm của một người làm cha đã ngoài "thất thập" - cái tuổi gần đất xa trời vẫn còn mang nặng một nỗi niềm không bao giờ dứt: khi ông đi rồi, con gái ở với ai?

Thiết nghĩ cần lắm những sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức giúp đỡ gia đình ông Song nói riêng và những gia đình chính sách đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc nói chung - những người đã cho chúng ta cuộc sống tự do hôm nay.

Bài, ảnh: Bích Liễu

 

 

  • Từ khóa