Chủ nhật, 07/07/2024, 19:20[GMT+7]

Nam Hà Xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ 2, 12/08/2013 | 10:28:52
853 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa, vết thương trên thịt da cũng đã lành theo năm tháng nhưng còn đó những vết thương không rỉ máu song vẫn đau đáu cả kiếp người. Nhằm góp phần xoa dịu vết thương ấy, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin xã Nam Hà (huyện Tiền Hải) đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam (CÐDC) khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Anh Trần Thanh Sơn hướng dẫn cho nhân công là nạn nhân CĐDC làm việc.

Từ những món quà động viên

Ðược thành lập từ ngày 10/8/2007, đến nay, Hội Nạn nhân CÐDC/Ðiôxin xã Nam Hà có 103 hội viên trong đó hội viên là nạn nhân trực tiếp là 70, gián tiếp là 22 cùng 6 hội viên danh dự là giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, con em xa quê thành đạt. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội là chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CÐDC khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, bên cạnh việc thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân, Ban Chấp hành (BCH) Hội đã tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, con em xa quê thành đạt, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân.

Mỗi năm, vào các dịp lễ, tết, Hội thường trao 40 – 50 suất quà trị giá gần 15 triệu đồng cho các nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 và những hội viên có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên trao học bổng cho các cháu là con nạn nhân CÐDC có thành tích học tập tốt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Hội đã thu hút được rất nhiều nhà hảo tâm trong đó có sư thầy Thích Ðàm Sâm, trụ trì Chùa Kim Tân, xã Nam Hà đã 5 năm liền tặng quà tết cho các cháu là nạn nhân CÐDC thế hệ thứ 2, thứ 3. Ðến nay, sư thầy đã trao gần 80 suất quà với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng. BCH Hội đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tặng 12 xe lăn, 2 chăn bông cho các hội viên đặc biệt; tham mưu với xã xóa 10 nhà dột nát cho hội viên với kinh phí hỗ trợ từ 15 – 50 triệu đồng/nhà.

Cùng với đó, Hội luôn chú trọng công tác chăm lo sức khỏe cho hội viên. Trong nhiệm kỳ 2007 – 2012, Hội đã tổ chức cho 45 hội viên đi khám, cấp thuốc miễn phí tại nhà thuốc của lương y Nguyễn Văn Thiệu ở Quỳnh Phụ; đưa 6 hội viên đi khử độc tại Trung tâm tẩy độc trực thuộc Tỉnh hội. Mỗi đợt, Hội đều cử cán bộ đưa đi, đồng thời vận động các hội viên giúp đỡ kinh phí đi lại cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện được khám và chữa bệnh.

Tặng nghề để ổn định cuộc sống

Bên cạnh những món quà động viên, BCH Hội còn vận động các hội viên chi tiêu tiết kiệm hùn vốn giúp đỡ nhau phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Nhiều hội viên đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi như ông Bùi Minh Sóc (thôn Ðông Quách), ông Trần Trọng Sanh (thôn Ðông Hào), ông Nguyễn Văn Phụng (thôn Vĩnh Trung)… với thu nhập mỗi năm từ 10 – 20 triệu đồng. Số tiền tuy nhỏ song ở đó có sự nỗ lực phi thường, là kết quả của quá trình đấu tranh với bệnh tật, với số phận của những nạn nhân CÐDC đang căng mình vươn lên trong cuộc sống.

Việc đào tạo tay nghề cho các nạn nhân CÐDC được BCH Hội đặc biệt quan tâm. Ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nạn nhân CÐDC/Ðiôxin xã Nam Hà cho biết: “Tuy hầu hết nạn nhân CÐDC đều thiếu hụt sức khỏe nhưng nhiều người vẫn còn khả năng lao động, nếu kiên nhẫn dạy bảo thì vẫn có thể học được, làm được. Khi có tay nghề, các nạn nhân có thể tự nuôi sống bản thân, thậm chí có thể phụ giúp gia đình, góp phần giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, thay vì những hỗ trợ chỉ mang tính tạm thời, chúng tôi muốn tặng cho những nạn nhân còn khả năng lao động một nghề để sớm ổn định cuộc sống”.

Dẫn chúng tôi đi thăm doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Liên Sơn, nơi được gọi với cái tên khác là “Xí nghiệp dành riêng cho người khuyết tật”, ông Hải cho biết: Ðây là cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Trần Thanh Sơn là hội viên danh dự của Hội Nạn nhân CÐDC/Ðiôxin xã. Ngay từ ngày đầu thành lập, doanh nghiệp đã tổ chức tiếp nhận, dạy nghề cho những người khuyết tật và nạn nhân CÐDC. Tới đây, các nạn nhân sẽ được dạy nghề miễn phí, ngoài ra còn được cung cấp quần áo, thuốc men, hỗ trợ ăn uống. Các hội viên sau khi thành nghề có thể ở lại làm. Hiện nay, gần 80% nhân công trong doanh nghiệp là nạn nhân CÐDC với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngay cạnh doanh nghiệp Liên Sơn, cơ sở may Gia Hân nhận dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng là con thương binh, bệnh binh và nạn nhân CÐDC. Anh Trương Văn Thường, chủ cơ sở cho biết: “Số lượng nhân công là nạn nhân CÐDC của cơ sở, hầu hết là bị câm và điếc, vì vậy trong quá trình làm việc gặp không ít khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, tiếp thu chậm song bù lại họ rất chịu thương chịu khó. Cùng với việc nhận 70% nhân công là con của thương binh, bệnh binh vào làm việc, tôi muốn cùng nhân dân địa phương xóa đói giảm nghèo, đồng thời bày tỏ sự tri ân đối với những người có công với cách mạng”.

Với những hoạt động thiết thực và hiệu quả, Hội Nạn nhân CÐDC/Ðiôxin xã Nam Hà đã và đang là chỗ dựa tin cậy của các hội viên, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Bài, ảnh: Đào Quyên

  • Từ khóa