Chủ nhật, 07/07/2024, 19:10[GMT+7]

Quỳnh Phụ Lực lượng công nhân không ngừng lớn mạnh

Thứ 5, 15/08/2013 | 13:27:11
1,442 lượt xem
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: “Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS), để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng lòng, ủng hộ của người sử dụng lao động”.

Dây chuyền sản xuất của Xí nghiệp may Hoàng Anh (Quỳnh Phụ).

Thực hiện nhiệm vụ và giải pháp này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Quỳnh Phụ luôn đưa công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vào nội dung, kế hoạch hoạt động và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Nhờ vậy, 5 năm qua LĐLĐ Quỳnh Phụ đã thành lập mới 14 CĐCS, kết nạp gần 2.250 đoàn viên.

Ngay sau khi Nghị quyết số 20 được triển khai, LĐLĐ Quỳnh Phụ đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tới các CĐCS, đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn là: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động; chủ động tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của công nhân; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn trong công nhân, viên chức, lao động (CNVC - LĐ); đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20, vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn đã được khẳng định; đời sống của CNVC - LĐ được nâng lên, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3.745.000 đồng/người/tháng; tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2008.

Nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân trong tình hình hiện nay, các cấp công đoàn trong huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến CNVC - LĐ thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện việc làm, sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị như: Phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, hội thảo, tập huấn… với những nội dung cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu, nhất là các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động được pháp luật quy định. Kết quả, đã có trên 90% cán bộ CĐCS các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học tham gia học tập; trên 77,2% đơn vị có tủ sách pháp luật.

Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thời gian qua LĐLĐ huyện luôn xác định: Việc phát triển tổ chức CĐCS, đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài quốc doanh là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, LĐLĐ đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên: lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân của lao động; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ chức công đoàn… Chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết thành công 3 vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát của trên 2.000 CNLĐ Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng, Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Hoa Mai, Công ty TNHH Hưng Nam Hải.

Qua đó, giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của người lao động theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển đoàn viên, thành lập mới các CĐCS khối doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, toàn huyện có 52,3% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với gần 33% công nhân lao động tham gia; 60% công ty, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; gần 50% đơn vị xây dựng thỏa ước lao động tập thể; trên 50% CNLĐ tham gia đóng BHXH. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do các chủ doanh nghiệp né tránh việc thành lập tổ chức công đoàn. Phó Chủ tịch LĐLĐ Quỳnh Phụ Tăng Thị Hiệu cho biết: Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện không muốn thành lập tổ chức công đoàn, bởi theo họ vừa “khỏi phải lo” ký hợp đồng và thực hiện các chế độ cho người lao động, vừa “đỡ bị làm phiền” khi các tổ chức công đoàn cấp trên đến “thăm hỏi”. Hơn nữa, muốn thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp thì người lao động phải tình nguyện viết đơn gia nhập nhưng đa số CNLĐ còn trẻ, xuất thân từ nông thôn, nhiều người lao động không xác định làm việc lâu dài trong doanh nghiệp, có tư tưởng chuyển nghề hoặc chuyển chỗ làm mới nên không thiết tha với việc đóng BHXH và cũng chưa “mặn mà” với tổ chức công đoàn.

Để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, thời gian tới các cấp công đoàn huyện Quỳnh Phụ cần đẩy mạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; duy trì mối quan hệ phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn; tích cực đề xuất với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các kiến nghị của CNLĐ và doanh nghiệp; động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị tạo điều kiện tốt cho CĐCS hoạt động, phát triển.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa