Thứ 6, 05/07/2024, 01:54[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ 5, 22/08/2013 | 08:12:12
848 lượt xem
Thực hiện lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại, những năm gần đây, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành và tác nghiệp, đây là một trong những đòn bẩy thúc đẩy chủ trương cải cách hành chính của tỉnh.

Bảo hiểm xã hội huyện Kiến Xương áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Ảnh: Minh Đức

Để có những giải pháp thiết thực trong cải cách hành chính, những năm qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục đưa tin học hóa quản lý hành chính nhà nước với xây dựng Chính phủ điện tử, hành chính điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử, gắn dịch vụ thông tin khoa học kỹ thuật, văn hóa, giải trí với thương mại điện tử và những yêu cầu thông tin thiết yếu của người dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào tỉnh có hiệu quả. Thông qua các phương tiện, loại hình thông tin phù hợp, chất lượng tốt nhằm kịp thời đưa thông tin đến người dân và doanh nghiệp được tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi,… phục vụ sản xuất và đời sống.

Đề án Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh được đi vào cuộc sống, đây là công cụ nhằm phục vụ tốt nhất cho cải cách hành chính. Phấn đấu năm 2013 tất cả các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đưa Mạng văn phòng điện tử liên thông vào sử dụng có hiệu quả. Xây dựng các nội dung thông tin kỹ thuật truyền trên mạng Internet phục vụ cho phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân, đào tạo, phổ biến kiến thức về CNTT-TT cho người dân nông thôn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình mẫu về ứng dụng CNTT-TT phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân một cách phù hợp, chi phí thấp, phục vụ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới cách thức cung cấp thông tin theo hướng phục vụ khách hàng, chủ động đưa thông tin đến người dân, thay vì họ phải tự tìm kiếm.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh (đặt tại Sở Thông tin - Truyền thông) được quan tâm đầu tư nên đã cung cấp hạ tầng kỹ thuật để triển khai được một số ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông. Đã cung cấp hơn 3.000 địa chỉ thư điện tử cho cán bộ, công chức, có 22 cơ quan nhà nước đã công khai địa chỉ thư điện tử trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đặc biệt, đầu tháng 8/2013, Sở Thông tin và Truyền thông đã tạo lập địa chỉ thư điện tử cho UBND các xã, phường, thị trấn và từ ngày 2/8/2013 thường xuyên cung cấp các thông tin khẩn, nhất là về tình hình, diễn biến của bão cho UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh qua địa chỉ thư điện tử này, nhằm giúp cho các địa phương xử lý và giải quyết kịp thời.

Các phần mềm phục vụ cải cách hành chính hoạt động thường xuyên 24/24h. Hiện nay, Bộ thủ tục hành chính của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 1.322 thủ tục và các biểu mẫu liên quan, đạt mức độ 1 và mức độ 2 đã được cập nhật công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, bước đầu đưa vào sử dụng 6 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3.

Các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước... được công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã quan tâm trang bị hệ thống máy tính có kết nối Internet tốc độ cao để sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý và điều hành. Nhiều cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với Chính phủ; giữa các sở, ngành với các bộ, ngành Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng Internet.

Năm 2012, tỉnh Thái Bình đã triển khai sử dụng Mạng văn phòng điện tử liên thông đến 27 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành, tác nghiệp trên môi trường mạng. Văn bản điện tử dần thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp giải quyết công việc, bảo đảm việc chỉ đạo điều hành thông suốt từ tỉnh đến các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh nhanh, tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm điều hành và quản lý văn bản trên mạng máy tính cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và huyện, hướng tới liên thông đến các xã, phường, thị trấn vào năm 2015.

Tỉnh Thái Bình đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp Chứng thư số cho 27 cơ quan nhà nước và cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tích hợp thành công chữ ký số vào ứng dụng Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh đã được triển khai tới 68 cơ quan của tỉnh. Các thông tin  về quy hoạch, nguồn vốn, giá đất, thủ tục cho thuê đất, tiềm năng và cơ hội đầu tư được công khai. Bên cạnh đó, Thái Bình đang tích cực xây dựng chuyên trang tiếng Anh trên Cổng thông tin điện tử... tất cả đang góp phần quảng bá và tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài. Quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và công dân đã và đang thể hiện minh bạch, công khai, hướng tới để xây dựng chính quyền điện tử thực sự là của dân, vì dân. Công nghệ thông tin đang đồng hành trên lộ trình CNH, HĐH ở Thái Bình trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Dương Lễ
(Sở Thông tin và Truyền thông)

 

  • Từ khóa