Thứ 6, 05/07/2024, 02:32[GMT+7]

Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho thanh niên vẫn chưa đủ lực

Thứ 6, 30/08/2013 | 09:17:39
1,181 lượt xem
Có thể thấy, các nguồn vốn đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng nghìn hộ gia đình thanh niên nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vấn đề là làm sao để giúp họ tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển kinh tế, mà việc này không chỉ riêng tổ chức đoàn vào cuộc là có thể giải quyết được.

Cơ sở dệt may của đoàn viên Nguyễn Quang Hoàn (thôn Quang Trung, xã Minh Tân, Hưng Hà)

Với vai trò là người bạn đồng hành, 10 năm qua, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để giúp thanh niên phát triển kinh tế lập thân, lập nghiệp. Những kết quả đạt được có tác dụng tích cực, giúp thanh niên sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thu hút nhiều lao động và tạo ra nhiều việc làm mới cho ĐVTN nông thôn, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn - Hội cơ sở vững mạnh.

Tạo niềm tin và sức hút
Ngày đầu thành lập cơ sở dệt may với số vốn hơn 200 triệu đồng đoàn viên Nguyễn Quang Hoàn, thôn Quang Trung, xã Minh Tân (Hưng Hà) chỉ đầu tư  được 2 máy dệt. Năm 2011, anh được vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để mở rộng sản xuất. Có vốn, anh đầu tư thêm 2 máy dệt và 1 máy mắc cửi. Hiện nay, cơ sở dệt của anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm đạt bình quân gần 250 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi khoảng 120 triệu đồng.

Cũng như Hoàn, đoàn viên Trần Thành Nam ở thôn Tân Thái ngày đầu mở cơ sở làm cơ khí chỉ có vẻn vẹn hơn 100 triệu đồng làm vốn. Khi được vay tiền từ nguồn vốn 120 anh đã đầu tư thêm máy móc mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện cơ sở của anh tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hàng năm đạt trên 160 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi khoảng 70 triệu đồng.

Nam cho biết, nhờ sự hỗ trợ của tổ chức đoàn, những đoàn viên "khát" làm giàu mới có cơ hội thực hiện khát vọng của mình. Nguồn vốn này không chỉ tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất mà còn khuyến khích họ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong quá trình lập thân, lập nghiệp, từ đó thêm gắn bó với tổ chức đoàn. Tuy nhiên, Nam cũng mong nếu được hỗ trợ số vốn lớn hơn, trong khả năng của mình anh sẽ làm được nhiều hơn nữa để phát triển kinh tế.

Vẫn chưa đủ lực
Hoàn và Nam là hai trong số ít ĐVTN ở Hưng Hà được vay vốn phát triển kinh tế. Mặc dù được đánh giá là địa phương có đông ĐVTN được vay vốn phát triển sản xuất, song đến nay, toàn huyện mới có 38 tổ thanh niên quản lý vốn vay với số dư gần 24 tỷ đồng cho 1.380 ĐVTN trong tổng số hơn 15.000 ĐVTN trong độ tuổi.

Chị Đinh Thị The, Phó Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà cho biết: "Có nhiều bạn trẻ khát khao vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương nhưng đến nay họ vẫn "loay hoay" bởi không đủ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Một trong những nguyên nhân là thanh niên không có tài sản để thế chấp với các tổ chức tín dụng.

Trước thực trạng đó, những năm qua Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra, giám sát công tác quản lý nguồn vốn hàng năm và thành lập các tổ đi cơ sở nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo cơ chế cho thanh niên được tăng tổng số dư nợ vốn vay phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Qua đó góp phần thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia, gắn bó với tổ chức đoàn". Chị cũng chia sẻ thêm, toàn huyện có 35 xã, thị trấn thì mới có 20 xã được phân bổ nguồn vốn vay. Do đó, nguồn vốn không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của ĐVTN.

Cơ sở cơ khí của đoàn viên Trần Thành Nam (thôn Tân Thái, xã Minh Tân, Hưng Hà).

Cũng như nhiều thanh niên khác ở huyện Hưng Hà, hiện nay nhiều bạn trẻ ở nông thôn trong tỉnh đang mong ước làm giàu trên chính quê hương mình bằng khối óc và đôi tay lao động. Song, để phát triển một mô hình trang trại, phải có ít nhất khoảng 100 triệu đồng nguồn vốn khởi đầu. Do vậy, với vài chục triệu đồng được vay, chủ trang trại chỉ đủ mua cây, con giống còn lại cơ sở vật chất, thức ăn, phân bón không biết "xoay" như thế nào.

Thực tế cho thấy, số thanh niên được vay vốn còn khá khiêm tốn so với tổng số 374.000 ĐVTN trong toàn tỉnh, trong đó gần 80% thanh niên sống ở nông thôn. Tính đến ngày 31/12/2012 toàn tỉnh có 303 tổ tiết kiệm và vốn vay do đoàn thanh niên quản lý với  9.759 hộ ĐVTN vay, tổng số dư nợ 160.838 triệu đồng thông qua các kênh: Vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn phát động. Với nguồn vốn vay còn hạn chế, đối tượng vay còn bó hẹp và một số đoàn cơ sở còn chưa nhiệt tình nên công tác trợ vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của thanh niên để thanh niên đủ "lực" phát triển kinh tế như mong muốn.

Cần có giải pháp tích cực
Có thể thấy, các nguồn vốn đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng nghìn hộ gia đình thanh niên nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Phát triển, nhân rộng mô hình trang trại trẻ là cách thức đoàn kết, tập hợp thanh niên ở địa bàn nông thôn và khẳng định thêm vai trò của Đoàn trong xây dựng nông thôn mới. Năng động, có khát vọng làm giàu, đó là thế mạnh của thanh niên. Vấn đề là làm sao để giúp họ tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển kinh tế, mà việc này không chỉ riêng tổ chức đoàn vào cuộc là có thể giải quyết được.

Thiết nghĩ, tổ chức đoàn cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng có giải pháp, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Mặt khác, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức quản lý kinh tế trang trại cho thanh niên nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát huy nguồn vốn nội bộ thông qua mô hình góp vốn xoay vòng, đẩy mạnh hơn nữa chính sách trợ vốn bằng những dự án vay có nguồn vốn lớn, dài hạn, tăng cường hơn nữa các mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, theo nguyện vọng của thanh niên.

Hy vọng rằng, qua sự hỗ trợ tích cực, thanh niên nông thôn trong tỉnh sẽ có thêm cơ hội phát huy năng lực, trí tuệ trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Đây cũng là cách thu hút và gắn kết bền vững thanh niên với tổ chức Đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn - Hội vững mạnh.

Bài, ảnh: Ngọc Mai

 

  • Từ khóa