Thứ 6, 05/07/2024, 01:56[GMT+7]

Nữ Xã đội phó 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Chủ nhật, 01/09/2013 | 20:35:22
964 lượt xem
Trong không khí hào hùng của những ngày mùa thu lịch sử, kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi về thăm bà Tô Thị Huệ, nguyên Xã đội phó xã Phùng Hưng (nay là xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải), người đã sống trọn những tháng ngày đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Bà Tô Thị Huệ xem lại những kỷ vật ngày tham gia cách mạng.

Trong căn nhà nhỏ, bà Huệ run run vì xúc động lật giở từng trang kỷ niệm được lưu giữ cẩn thận bấy lâu nay. Dấu vết thời gian hằn in trên những trang giấy đã ngả màu cùng nét chữ mờ ảo. Đó không chỉ là chứng tích về một thời hoạt động cách mạng của người phụ nữ quê biển mà còn gợi nhớ đến những ký ức không bao giờ quên, kỷ niệm về những lần được gặp Bác. Sinh năm 1932, nay tuổi dù đã "bát thập" song bà Huệ vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai cùng sự minh mẫn. 56 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên được gặp Bác nhưng bà Huệ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đầy vinh dự và tự hào đó.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, bà Huệ đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành chiến sĩ giống như bố và anh trai. Khi trưởng thành, bà tham gia hoạt động trong đội du kích của địa phương, sau đó giữ chức vụ Tiểu đội phó. Năm 1953, bà trúng cử vào Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc của xã. Nhờ hoạt động năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó khăn, gian khổ, đến năm 1954 bà được cử giữ chức vụ Xã đội phó của xã Phùng Hưng. Trong suốt 4 năm đảm đương cương vị ấy, bà luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Cũng trong thời gian này, bà vinh dự được gặp Bác Hồ, đây chính là nguồn động lực để bà tiếp tục chiến đấu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bà Huệ bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên gặp Bác: "Đó là vào năm 1957, tôi theo đoàn dân quân du kích Quân khu Tả Ngạn tham gia duyệt binh trong lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Mặc dù chỉ được thấy Bác từ xa nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Không thể diễn tả hết sự xúc động của chúng tôi khi được thấy Bác. Bác ở đó, giản dị và gần gũi vô cùng". Niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp bội khi chỉ 2 ngày sau đó, bà lại được gặp Bác Hồ. Lần này bà được ngắm Bác gần hơn, được nghe Bác nói trực tiếp.

Có lẽ chưa bao giờ bà lại thấy may mắn vì chiều cao của mình như vậy: "Ngày 4/9, Bác Hồ đến thăm doanh trại của các đơn vị dân quân, bộ đội tham gia lễ diễu binh đóng tại Sân bay Bạch Mai để dặn dò cán bộ, chiến sĩ trước khi trở về vị trí chiến đấu. Vì tôi cao có 1m46 nên được xếp đứng trên cùng, cũng là vị trí đứng gần Bác nhất. Hôm đó, Bác mặc bộ đồ ka ki quen thuộc, chân đi đôi dép cao su đen, nói chuyện với mọi người rất thân mật, gần gũi. Bác khen ngợi năm nay duyệt binh rất đẹp và mong mọi người sau khi trở về địa phương sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Năm 1958, khi lần thứ 3 Bác Hồ về thăm Thái Bình, bà Huệ đi cùng đoàn đại biểu nhân dân xã Đông Lâm lên đón Bác tại Sân vận động Thị xã Thái Bình vào sáng ngày 26/10. Đây cũng là lần thứ 3 bà được gặp Bác. Bà nhớ lại: "Hôm đó, cả sân vận động chật kín người. Bác xuất hiện và vẫy tay chào, tiếng vỗ tay hoan hô vang lên không ngớt. Bác mặc bộ quần áo màu gụ, đầu đội mũ cát, chân đi đoi dép cao su đen, nước da hồng hào, khỏe mạnh. Dù đã được gặp Bác 3 lần nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng".

Trong 4 lần được gặp Bác, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bà Huệ là lần Bác về thăm xã Đông Lâm ngày 26/3/1962. Sự quan tâm, gần gũi của Bác đã trở thành những kỷ niệm sâu sắc trong lòng những người dân nơi đây. Bà vẫn còn nhớ rất rõ những câu hỏi thân tình của Bác trong ngày hôm đó: "Xã Đông Lâm có đồng chí nào đánh vợ không?" hay "Chị em phụ nữ có ai bị chồng đánh không?" Những câu hỏi mộc mạc nhưng thấm đượm tình thương của Người với nhân dân.

Mỗi lần được gặp Bác là một lần bà Huệ được tiếp thêm sức mạnh để sống, chiến đấu và công tác. Vì vậy, mặc dù đã lập gia đình và có con nhỏ, bà vẫn luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc. Năm 1965, bà được bầu làm Ủy viên Ban Quản trị Hợp tác xã thủ công. Năm 1967, bà là Ủy viên Ủy ban Hành chính xã phụ trách công tác quản lý nhân sự. Những đóng góp của bà trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Hiện nay, dù đã tuổi cao song bà vẫn luôn muốn đóng góp cho xã hội. Ngày ngày, bà vẫn thường xuyên tới các đình, chùa trong xã thắp hương, quét dọn, góp chút sức nhỏ làm đẹp thêm cho quê hương.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, bà Huệ không giấu được sự vui mừng, phấn khởi: "Nông thôn ngày nay khác xưa nhiều lắm, đường xá rộng rãi, sạch sẽ; các trường học, trạm y tế được xây mới; trẻ em được đi học đầy đủ; đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều. Tôi rất phấn khởi, chỉ mong sao các thế hệ sau này sẽ trân trọng những thành quả của cách mạng, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp". Lúc chia tay chúng tôi, bà Huệ nói thêm: "Nếu ai có hỏi điều may mắn nhất trong cuộc đời của tôi là gì, tôi sẽ trả lời rằng đó chính là 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ”.

Bài, ảnh: Đào Quyên

 

  • Từ khóa