Thứ 6, 05/07/2024, 01:48[GMT+7]

Những tình nguyện viên mang màu áo đỏ

Thứ 6, 06/09/2013 | 14:53:23
2,192 lượt xem
Dù hoàn cảnh, độ tuổi và địa vị xã hội khác nhau nhưng ở mỗi tình nguyện viên (TNV) đều có chung một chữ "tâm" khi gia nhập "ngôi nhà chữ thập đỏ”. Trong họ luôn có suy nghĩ là làm sao có thể cống hiến hết sức mình cho hoạt động nhân đạo tỉnh nhà, trợ giúp và mang đến niềm vui cho người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách và nạn nhân chất độc da cam, xua tan mặc cảm, giúp họ vượt lên chính mình, hòa nhập vào xã hội.

Đội tình nguyện viên "Vòng tay nhân ái" Vũ Thư trao quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn (xã Vũ Vân, Vũ Thư).

Có tận mắt chứng kiến những hành động, việc làm của họ, chúng tôi mới cảm nhận được sự nhiệt huyết, năng động trong "sức trẻ” của mỗi TNV khi tham gia các hoạt động: cứu trợ xã hội, sơ cấp cứu, hiến máu tình nguyện, vận động xây dựng  quỹ, phòng ngừa và ứng phó với thảm họa thiên tai. Ở mỗi TNV, họ đều ý thức được vai trò, hoạt động, mục đích và ý nghĩa của mình với công tác chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh. Cùng với cán bộ, hội viên, TNV là luồng gió mới tạo nên khối sức mạnh đoàn kết, góp phần khẳng định thêm vai trò nòng cốt của hội CTĐ với công tác nhân đạo toàn dân. Tiếp xúc với những TNV, chúng tôi luôn cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở. Họ sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về cái "duyên" trở thành TNV.

Ấn tượng với chúng tôi là TNV Phạm Thị Ngát, sinh năm 1988, đội trưởng Đội TNV "Vòng tay nhân ái" Vũ Thư. Khi chúng tôi hỏi: tại sao Ngát lại muốn tham gia và cảm xúc khi vào Đội TNV là gì? Ngát tâm sự: "Khi đến Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn (xã Vũ Vân, Vũ Thư) em có cảm tình đặc biệt với mọi người ở nơi đây, nhìn thấy bệnh nhân, em nghĩ mình cần phải làm gì đó giúp họ”. Mặc đôi chân bị tật nguyền phải di chuyển nhờ xe lăn nhưng ở Ngát không thiếu sự năng động và lòng nhiệt tình. Với vai trò đội trưởng, Ngát luôn quan sát và nhắc nhở các bạn trong Đội làm tốt việc vệ sinh môi trường trong khuôn viên Bệnh viện.

Dù mới ra mắt nhưng Đội TNV "Vòng tay nhân ái" của Ngát đã chiếm được cảm tình của cán bộ, bệnh nhân trong Bệnh viện. Những món quà nhỏ của Đội trao tặng bệnh nhân phong như gắn chặt thêm tình đoàn kết, niềm tin yêu và gửi gắm sự chia sẻ, đồng cảm với những con người kém may mắn. Hoạt động ý nghĩa đầu tiên của Đội sẽ là động lực thôi thúc Ngát làm tốt hơn nữa vai trò TNV của mình. Ngát cho biết thêm: "Thời gian tới, hoạt động của Đội sẽ cố gắng hướng đến những địa phương ở xa trung tâm Thành phố, tìm kiếm thêm những địa chỉ nhân đạo để tăng cường công tác cứu trợ".

Cũng như Ngát, ở TNV Hoàng Nguyễn Chiều, sinh năm 1986 (Đội TNV Thái Thụy) không thiếu sự năng động, nhiệt tình. Dù Đội mới thành lập nhưng Chiều đã trở thành gương mặt thân quen của Hội CTĐ Thái Thụy, bởi tham gia nhiều hoạt động nhân đạo tại huyện nhà. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Chiều là dịp tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo trong cơn bão số 8 (năm 2012) tại xã Thụy Xuân: "Mưa lớn, nước dâng cao, người dân suy sụp tinh thần bởi hồ nuôi thủy sản của gia đình bị mất trắng, nhìn cảnh ấy mà xót xa, chờ nước rút tôi huy động thanh niên trong xã đến dọn dẹp nhà cửa và động viên họ”.

Và chính điều đó đã trở thành động lực thôi thúc Hoàng Nguyễn Chiều tham gia vào Đội TNV Thái Thụy, Chiều tâm sự: "Còn trẻ, có sức khỏe nên giúp được nhiều người, làm nhiều việc ý nghĩa thì càng tốt". Ngoài việc tham gia cứu trợ trực tiếp cơn bão số 8, Hoàng Nguyễn Chiều còn tích cực vận động xây dựng quỹ hội trong các dịp lễ, tết; tuyên truyền nhân dân tham gia hiến máu nhân đạo, tổ chức dọn vệ sinh môi trường biển 3 tháng/lần.

Chia sẻ những khó khăn khi tham gia Đội TNV, Chiều tâm sự: "Nhiều khi việc tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ ở một số địa phương gặp trở ngại bởi nhận thức người dân còn hạn chế, họ chưa hiểu rõ vai trò hoạt động và ý nghĩa của CTĐ". Mong muốn của Chiều cũng như hầu hết TNV Thái Thụy đó là: "Hội CTĐ tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa hoạt động của Hội, qua đó tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào nhân đạo".

Cùng Đội với Chiều còn có những TNV như: Phạm Thị Thắm, Nguyễn Văn Thuận… bằng sức trẻ của mình, họ đang cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Hội giao phó, tạo dựng niềm tin trong nhân dân, mang đến những nụ cười cho các đối tượng được trợ giúp.

Nếu như ở TNV Ngát, Chiều chúng tôi nhìn thấy sức trẻ và sự năng động thì ở những TNV lớn tuổi như: bà Chu Thị Dung, ông Nguyễn Đức Quy… (Đội TNV Kiến Xương) lại có sự nhiệt tình, cần mẫn. Dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng bà Dung vẫn tham gia tích cực các hoạt động của Hội CTĐ Thị trấn Thanh Nê. Công tác vận động xây dựng quỹ hội cơ sở đạt được kết quả tốt trong thời gian qua có một phần sự góp sức của bà. Đồng hành trên chặng đường hoạt động nhân đạo còn rất, rất nhiều những tấm gương sáng ở các đội TNV mà chúng tôi chưa kể hết được, mỗi việc làm và hành động của họ tựa bông hoa đẹp đang ngày đêm tô thắm cho đời, xây nên một vườn hoa nhân đạo tại tỉnh nhà.

Hàng ngày, hàng giờ trên những nẻo đường mà TNV có mặt, màu áo đỏ đã trở thành màu của hy vọng, khơi dậy sức sống, xua tan mặc cảm, tự ti ở những mảnh đời kém may mắn, động viên họ vượt lên xây dựng và hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Những TNV mang màu áo đỏ, họ thực sự là những bông hoa tươi đẹp của cuộc đời!

Bài, ảnh: Hoàng Lanh


  • Từ khóa