Thứ 6, 05/07/2024, 01:59[GMT+7]

Đắng lòng nghe ước mơ con trẻ nhà nghèo

Thứ 2, 09/09/2013 | 10:09:34
838 lượt xem
Ðứa trẻ nào cũng mong được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, được ăn no, mặc ấm, được đến trường tiếp thu kiến thức để trở thành người hữu ích. Nhưng với những đứa trẻ không còn bố, mẹ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì những ước mơ giản dị đó lại là quá “xa xỉ”. Vậy nên khi nghe các em nói về ước mơ của mình mà đắng lòng.

Em Vũ Văn Sinh (hàng đầu bên trái) xã Nam Hải, Tiền Hải nhận bò giống do Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Công ty TNHH Xổ số kiến thiết và Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng. Ảnh tư liệu: Thu Hiền

Từ lúc lọt lòng mẹ, Vũ Văn Sinh đã không có bố. Nhà nghèo, ý thức được nỗi vất vả của người mẹ bệnh tật nên ngoài thời gian đi học Sinh thường theo mẹ ra đồng làm ruộng, bắt con cua, con ốc về cải thiện bữa ăn. Dù phải sống trong cảnh thiếu thốn nhưng Sinh học rất giỏi. Trong ngôi nhà Ðại đoàn kết rộng hơn 10m2 tuềnh toàng chẳng có gì giá trị ngoài cái giường ọp ẹp, cái bàn cũ xiêu vẹo bởi sức nặng của chồng sách, hai hàng giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi dán ngay ngắn trên tường.

Chị Vũ Thị Mười (Nam Hải, Tiền Hải) mẹ Sinh năm nay 51 tuổi, bị bệnh tâm thần nhiều năm nay không còn khả năng lao động. Ngoài việc học tập, Sinh còn phải làm rất nhiều công việc như của người lớn để nuôi mình, nuôi mẹ: giúp mẹ vệ sinh cá nhân, ăn uống, nuôi gà, nuôi bò (bò được Mặt trận Tổ quốc, Công ty Xổ số kiến thiết trao năm 2012). Khi mọi người nghỉ trưa em tranh thủ ra đồng chăm sóc 2 sào lúa (việc cấy lúa và gặt lúa một mình Sinh lăn lộn trên cánh đồng tự làm, cũng có vụ em được các cô bác của Hội Phụ nữ xã đến giúp), mò cua, bắt ốc…

Nhìn bề ngoài thư sinh là vậy nhưng hành động và lời nói của Sinh lại rất người lớn. Em tâm sự: “Vất vả, cực nhọc mấy em cũng chịu đựng được, chỉ mong có sức khỏe để chăm mẹ, học thật giỏi thi đỗ đại học, ra trường có việc làm, thu nhập ổn định nuôi mẹ, nuôi mình”. Nhưng khi nhận tờ giấy báo trúng tuyển của Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội kèm theo số tiền phải nộp khi nhập trường gần 5 triệu đồng, Sinh lo đến mất ăn, mất ngủ. “Ðỗ đại học còn lo hơn không đỗ, lo vì không có tiền trang trải cho việc ăn học suốt 4 năm, lo mẹ bệnh tật ở nhà không ai chăm sóc, thuốc thang, nghe em nói mà đắng lòng.

Mới lên 9 tuổi, Nguyễn Thị Như Quỳnh (xã Vũ Tây, Kiến Xương) đã mồ côi cả cha, lẫn mẹ, sống lẻ loi một mình trong căn nhà nhỏ lụp xụp, tự lo ăn, mặc, học hành, chăm sóc bản thân. Nhưng em đã tự vượt lên chính mình học giỏi, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ. Ðiều gì đã tiếp sức cho em vượt khó, học giỏi? Ðó là lời mẹ em dặn trước lúc mất: “Dù thế nào con vẫn phải học giỏi, ngoan ngoãn, sống tốt”, Quỳnh nghẹn ngào nói. Quỳnh nhớ lại: Lúc mẹ mất, em vô cùng hoang mang, chỉ biết khóc, chẳng biết làm gì. Có sự động viên của mọi người em dần trấn tĩnh lại. Em tính bỏ học để lo kiếm sống nhưng em nghĩ không học sẽ không thành người. Rất may, em được nhà trường miễn học phí và vận động các thầy cô giáo, các bạn học sinh, các ban, ngành, đoàn thể, bà con lối xóm giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần để em đủ ăn, đủ mặc, yên tâm đến trường.

Không phụ công của mọi người, từ năm học lớp 4 đến nay (hiện Quỳnh đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Bắc Kiến Xương) năm nào Như Quỳnh cũng đạt học sinh giỏi, năm học 2009 - 2010 em đạt giải Ba môn Văn cấp huyện, được đi dự Ðại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ VII của tỉnh. Nói về ước mơ của mình, Quỳnh bảo: “Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng em vẫn đặt việc học tập lên trên hết, em chỉ lo càng học cao thì càng tốn kém, lấy tiền đâu trang trải mà tiếp tục đến trường trong khi bác em người thân duy nhất giúp đỡ em trong tất cả mọi việc đang phải nằm viện chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo”.

Càng lớn, Bùi Văn Cường, học sinh lớp 7, Trường THCS Minh Thành (Thành phố Thái Bình) càng đen vì phải dãi nắng, dầm sương theo đỡ mẹ thu gom rác thải sinh hoạt tại các ngõ, ngách của phường Bồ Xuyên. Những ngày hè được nghỉ học, một mình em đẩy xe đi thu gom rác từ 12 rưỡi trưa đến 7 – 8 giờ tối. Cái xe ngập rác, cao hơn cả đầu Cường, em phải dùng hết sức để đẩy. Có nhiều hôm đi thu gom rác thấy các bạn đá bóng, Cường thèm lắm nhưng vẫn phải tiếc nuối đẩy xe đi thu rác tiếp. Cường bảo: “Em thích trở thành cầu thủ bóng đá giỏi, em ước 2 mẹ con em hết nghèo”. Người mẹ gầy còm ốm yếu với công việc thu gom rác thải nặng nhọc, lương tháng chỉ gần một triệu thì biết đến bao giờ 2 mẹ con Cường hết nghèo?

Ðây chỉ là 4 trong số hàng nghìn trường hợp trẻ em nghèo trong toàn tỉnh, tuổi thơ thiệt thòi, nhọc nhằn, vất vả khiến ước mơ của các em khó có thể trở thành hiện thực. Tất cả chúng ta hãy dành thật nhiều tình yêu thương và sự sẻ chia, giúp đỡ để các em có thể chạm tay được tới ước mơ của mình.

 Trung Hiếu

  • Từ khóa