Thứ 3, 02/07/2024, 23:48[GMT+7]

Đối phó với 94 loài sinh vật ngoại lai xâm hại

Thứ 4, 18/09/2013 | 09:35:08
751 lượt xem
Việt Nam có 94 loài sinh vật ngoại lai xâm hại, du nhập qua 3 con đường tự nhiên, không chủ đích và có chủ đích.

Ốc bươu vàng, một loài sinh vật ngoại lai xâm hại

Đây là thông tin được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố tại Hội thảo Tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, hiện nay các loài sinh vật ngoại lai xâm hại (SVNLXH) là mối đe dọa đứng thứ hai đối với hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học bản địa.

Theo thống kê, số lượng thực vật ngoại lai ở Việt Nam có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc các họ thực vật như thầu dầu, đậu, cúc, cói, hòa thảo, thông.

SVNLXH gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Hằng năm, những chi phí cho phòng chống các loài SVNL trên thế giới tính trị giá khoảng 400.000 triệu USD. Trong quá trình toàn cầu hóa, với sự gia tăng các hoạt động thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho sự du nhập, lan truyền của nhiều loài SVNL.

Tại Việt Nam, trước đây vấn đề SVNLXH không được chú ý. Chỉ từ khi ốc bươu vàng phát triển thành dịch thì vấn đề SVNLXH mới được quan tâm. Các loài SVNLXH chủ yếu xâm nhập qua 3 con đường: Du nhập tự nhiên (như dòng nước, gió, bão hoặc các loài sinh vật di chuyển, di cư); du nhập không chủ đích (việc vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa có chứa SVNL như một số loài nấm gây bệnh); du nhập có chủ đích (buôn bán, trao đổi hàng hóa là các sinh vật sống…).

Các chuyên gia môi trường đã chỉ ra những tác động của SVNLXH lên hệ sinh thái và đời sống xã hội như làm giảm độ che phủ của rừng, thay đổi quần xã thực vật rừng như cây mai dương, cây bạch đàn nâu, keo lá sim…; lấn át các loài bản địa và gây khó khăn cho công tác bảo tồn thiên nhiên; làm xuất hiện mầm bệnh mới, các ký sinh trùng mới cho các loài bản địa, người và gia súc.

Theo chinhphu

 

 

  • Từ khóa