Thứ 3, 02/07/2024, 23:52[GMT+7]

Hiệu quả mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Đồng Thanh

Thứ 6, 27/09/2013 | 16:38:36
1,031 lượt xem
Ðồng Thanh không chỉ là xã xa trung tâm mà còn là xã nghèo nhất huyện Vũ Thư. Tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức trên 2 con số, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ chiếm trên 70%. Xác định nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do chị em thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu việc làm và nhiệm vụ quan trọng của Hội là phải “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nông dân xã Ðồng Thanh (Vũ Thư) chăm sóc ngô trên vùng đất bãi ven sông Trà Lý. Ảnh: Thành Tâm

Dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Ðồng Thanh đã tập trung tuyên truyền kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, kinh nghiệm trong quản lý kinh tế gia đình, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…, qua đó kiến thức của chị em dần được nâng lên. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa này đa số phụ nữ nghèo đều đã qua tuổi lao động hoặc sống đơn thân không có người thừa kế nên khó tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư cho phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã khắc phục khó khăn lớn nhất này bằng cách chủ động phát huy nguồn vốn tại chỗ, phát động phong trào “Hội viên phụ nữ tương trợ, giúp nhau giống, vốn để phát triển kinh tế gia đình”.

 

Một số chị em có điều kiện kinh tế đã hưởng ứng phong trào song số hộ phụ nữ nghèo được giúp đỡ rất ít bởi đời sống của nhân dân Ðồng Thanh còn quá thấp. Thấy cách này hiệu quả không cao, Ban Chấp hành Hội tổ chức họp và quyết định phát động và làm điểm mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại thôn An Ðiện. Chị Lương Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Lúc mới thành lập (năm 2009) mô hình gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có 63 hội viên tham gia, phải phân công từng đồng chí trong Ban Chấp hành Chi hội An Ðiện phụ trách hộ thường xuyên đến từng hộ tuyên truyền, vận động và thu tiền tiết kiệm, sau đó bình chọn cho những chị khó khăn vay. Sau một năm, mô hình đã giúp 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.

 

Ðến tháng 10/2011, mô hình được nhân rộng ra 4 thôn. Ðể không phải vất vả đến từng hộ thu tiền tiết kiệm như ở thôn An Ðiện, các thành viên của 4 thôn mới thành lập đề ra quy định riêng. Vào dịp kỷ niệm ngày 8/3, ngày 20/10, tại hội nghị sơ kết 6 tháng hay tổng kết cuối năm các thành viên đến dự mang luôn tiền mình tiết kiệm được nộp cho Ban Chấp hành Chi hội. Chi hội sẽ tổ chức bình xét công khai cho những hộ nghèo, khó khăn, hoạn nạn vay không lấy lãi đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mở mang dịch vụ.

 

Vừa phù hợp với điều kiện, vừa đáp ứng được nhu cầu của chị em lại mang ý nghĩa “tương thân, tương ái” nên càng ngày mô hình càng có sức lan tỏa sâu rộng. Cuối năm 2012, tất cả các chi hội trong xã đều thành lập được mô hình với 805 thành viên, được 106.500.000 đồng, cho 21 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ vay. Hầu hết các chị được vay vốn từ tiền tiết kiệm của phụ nữ trong chi hội đều sản xuất, chăn nuôi có lãi, từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển. Ðiển hình như chị Phạm Thị Hoa, thôn An Ðiện được bình xét cho vay 5 triệu đồng mua một con bò giống. 4 năm được gia đình chị Hoa chăm sóc cẩn thận, con bò giống đó đã sinh ra 3 bê con, bê con trưởng thành sinh 2 bê con nữa đem đến cho gia đình chị Hoa 3 cặp bò, trị giá gần 60 triệu đồng. Chị Hoa dự tính cuối năm nay sẽ bán đi một cặp bò để lấy tiền sửa sang ngôi nhà cấp 4 thành nhà mái bằng kiên cố.

 

Năm 2009, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trong toàn xã là 141, sau hơn 4 năm triển khai mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giảm xuống còn 134 hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 11,9% (năm 2009) xuống 10,87% (năm 2012).

Thu Hiền

 

  • Từ khóa