Thứ 3, 02/07/2024, 23:29[GMT+7]

Dịch đau mắt đỏ xuất hiện trên diện rộng nhưng đang có dấu hiệu chững lại

Thứ 2, 30/09/2013 | 09:11:17
764 lượt xem
Theo tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch đau mắt đỏ bùng phát tại một số tỉnh, thành phố. Tại Thái Bình, dịch xuất hiện muộn hơn và sau những ngày đầu tăng mạnh số người mắc đau mắt đỏ, đến nay, dịch đang có xu hướng chững lại.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt. Ảnh: Thành Tâm

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Lịch, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Bình thông thường số lượng bệnh nhân mắc đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện chiếm tỷ lệ thấp, chỉ từ 0 - 4%. Song hai tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc đau mắt đỏ đến khám tăng khá mạnh, chiếm từ 15 - 20% tổng số bệnh nhân khám mỗi ngày; có ngày cao điểm, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám lên đến hơn 20%.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, dịch đau mắt đỏ bùng phát tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Bắc từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Tại Thái Bình, dịch xuất hiện muộn hơn nhưng sau khi xuất hiện, dịch lây lan nhanh, rải rác  trên diện rộng, ở 8/8 huyện, thành phố. Từ đầu tháng 9 đến nay, y tế các tuyến ghi nhận có hơn 3.000 ca mắc đau mắt đỏ. Bệnh xuất hiện tập trung tại một số điểm như trường mầm non, trường tiểu học, cơ quan, đơn vị sản xuất.

 

Tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh, số học sinh mắc đau mắt đỏ đã lên tới 10 - 20%. Thành phố Thái Bình là địa phương có đông bệnh nhân mắc đau mắt đỏ nhất. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng  cho biết: nhà trường phát hiện học sinh mắc đau mắt đỏ cách đây gần ba tuần. Đến hết ngày 28/9, toàn trường đã có 237 cháu mắc đau mắt đỏ trong tổng số 745 trẻ đang theo học.

 

Trước tình hình dịch đau mắt đỏ lây lan, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị toàn ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Trung tâm đã phối hợp tích cực với Bệnh viện Mắt, trung tâm y tế các huyện, thành phố cử cán bộ xuống cơ sở điều tra, nắm bắt tình hình dịch, bảo đảm thông tin thường xuyên về diễn biến dịch, tăng cường giáo dục, truyền thông về tình hình dịch và phòng chống dịch trong cộng đồng. Đồng thời Trung tâm cũng chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các tuyến phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục trong việc phòng chống dịch lây lan tại trường học. Đến nay, Trung tâm đã cấp hơn 1.000 kg cloramin xuống cơ sở đáp ứng đủ yêu cầu khử trùng các vùng có dịch.

 

Tại các trường mầm non, tiểu học có đông học sinh mắc đau mắt đỏ đều có cán bộ y tế xuống tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh, chăm sóc mắt và phun hóa chất khử trùng. Tại Trường Mầm non Hoa Hồng, cô giáo Nguyễn Thị Hương cho biết: ngay sau khi trong trường lác đác có học sinh mắc đau mắt đỏ, nhà trường đã báo cáo với Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế Thành phố phối hợp phòng chống dịch. Trung tâm Y tế Thành phố, Trạm Y tế phường thường xuyên cử cán bộ đến nắm tình hình dịch hàng ngày, tổ chức phun cloramin khử trùng toàn trường, cấp cloramin cho nhà trường để tổ chức cho các lớp học tổng vệ sinh sàn nhà, trang thiết bị dạy học, đồ chơi, khăn mặt…; tổ chức hướng dẫn cho các cháu rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Các cháu đau mắt được cách ly cho nghỉ ở nhà để tránh lây sang các bạn. Đến ngày 28/9, đã có hơn 50% số cháu khỏi bệnh đến trường trở lại, tuy nhiên vẫn còn gần 50% số cháu phải nghỉ học.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm cho biết: hàng năm, dịch đau mắt đỏ vẫn xuất hiện và thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, năm nay, dịch xuất hiện đồng loạt trên diện rộng, bùng phát mạnh hơn so với mọi năm. Trong hai tuần đầu tháng 9, số người mắc đau mắt đỏ tăng mạnh. Nhưng tuần vừa qua, dịch đang có xu hướng chững lại, đây là dấu hiệu tốt và phù hợp diễn biến, đặc điểm tình hình dịch.

 

Bác sĩ Nguyễn Quang Lịch, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt cho biết: Đau mắt đỏ chuyên môn gọi là viêm kết mạc cấp do Adeno virut gây nên. Biểu hiện của bệnh là mắt sưng đỏ, nhiều tiết tố (dử mắt), khi biến chứng đi kèm với giảm thị lực. Bệnh lây lan mạnh qua tiếp xúc thông thường trong sinh hoạt hàng ngày. Do virut gây nên, bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc dùng kháng sinh chủ yếu đề phòng bội nhiễm. Khi mắc, bệnh có thể kéo dài 7 - 10 ngày. Mặc dù là bệnh lành tính song đau mắt đỏ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc.

 

Tuy nhiên, theo cảnh báo, trong số các bệnh nhân có biểu hiện sưng, đỏ mắt, chỉ có 70 - 80% là đau mắt đỏ, còn lại là các bệnh về mắt khác như viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, glocom (thiên đầu thống)… Đây là những bệnh về mắt nguy hiểm có thể làm tổn hại thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Quang Lịch, khi có biểu hiện đau mắt, đặc biệt khi có biểu hiện giảm thị lực, cần thiết phải đến cơ sở y tế để khám, không tự ý dùng thuốc, tránh gây biến chứng. Điều quan trọng nhất là luôn chú ý vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là thường xuyên vệ sinh, chăm sóc đôi mắt hàng ngày.

Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa