Thứ 2, 01/07/2024, 02:37[GMT+7]

Gian nan đường “Cử nghiệp”

Thứ 4, 27/11/2013 | 15:10:16
1,053 lượt xem
Con đường “cử nghiệp” (lập nghiệp bằng thi cử) đã có ở nước ta từ ngàn đời nay và con đường đó chưa bao giờ bằng phẳng. Nếu như ngày trước, việc thi cử khó khăn bao nhiêu thì ngày nay, cái khó ấy lại nhân lên gấp bội bởi thi đỗ chưa chắc sự nghiệp đã tìm được “bến đỗ”.

Lễ xướng danh tại trường thi Nam Định năm Mậu Tý 1888 cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân.

Ngày xưa đã khó…

Lật lại những trang sử đã được học, tìm hiểu con đường mà mỗi sĩ tử “ôm mộng công danh” ngày xưa phải trải qua mới thấu hiểu tại sao ông cha ta lại ví việc thi cử đỗ đạt với hình ảnh “cá chép vượt vũ môn”. Thế mới thấy việc thi cử khó khăn biết nhường nào. Sau những tháng ngày dùi mài kinh sử, làm bạn với bút nghiên, các sĩ tử sẽ “lều chõng” lên đường đi thi.

Kỳ thi đầu tiên mà các sĩ tử phải trải qua đó là kỳ thi Hương (kỳ thi do một tỉnh hoặc liên tỉnh tổ chức) để chọn ra người tham dự những kỳ thi cao hơn là thi Hội và thi Ðình. Trong kỳ thi Hương, các sĩ tử phải trải qua 4 kỳ thi, ai đủ điểm kỳ thi thứ nhất mới được dự kỳ thi thứ 2 rồi thứ 3, thứ 4. Ðậu được 3 kỳ thi đầu gọi là Tú tài, đậu được cả 4 kỳ thi được gọi là Cử nhân.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Trường Tây Thụy Anh (Thái Thụy).

Những người đậu Cử nhân sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi Hội. Ðây là kỳ thi cấp quốc gia, cũng gồm 4 kỳ thi, vượt qua cả 4 kỳ thi sĩ tử sẽ được cấp bằng Tiến sĩ. Thi Ðình là kỳ thi được diễn ra trong “sân rồng” và được đích thân vua chấm thi. Kỳ thi Ðình nhằm mục đích xếp hạng các Tiến sĩ đã đậu ở kỳ thi Hội. Cả thi Hội và thi Ðình đều là những cuộc kiểm tra về học vấn được đánh giá là cao nhất đối với các bậc tài danh của đất nước. Mỗi kỳ thi phải qua 2 lần chấm điểm phúc khảo và sơ khảo. Các Tiến sĩ đậu ở kỳ thi Hội vào dự thi Ðình sẽ được “vinh quy bái tổ” và bổ nhiệm làm quan.

Không những phải vượt qua những kỳ thi dày đặc, các sĩ tử còn phải đối mặt với những quy định rất ngặt nghèo trong quá trình làm bài thi, được gọi chung là “trường quy”. Có không ít nhân tài “vô duyên” với khoa cử chỉ vì điều này và Tú Xương – người “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” là một nhân vật điển hình. Việc thi cử “vạn người thi không lấy được trăm người đỗ” đã để lại không ít nước mắt cho các sĩ tử. Chính họ đã ghi lại nỗi niềm ấy qua những vần thơ của mình: “Ðau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng/ Tủi bút, tủi nghiên, hổ lều, hổ chõng” (Tú Xương).

…Ngày nay còn khó hơn

Nếu như các sĩ tử ngày xưa chỉ cần vượt qua “vũ môn” là sẽ được bổ nhiệm làm quan thì các sĩ tử ngày nay sau khi vượt qua kỳ thi đại học, cao đẳng – được xem là “vũ môn thời hiện đại”, lại không khỏi băn khoăn, lo lắng cho công việc trong tương lai của mình. Việc thi đỗ đại học, cao đẳng hiện nay không đồng nghĩa là sẽ có một công việc ổn định, chắc chắn. Nhiều trường đại học, cao đẳng ra sức chiêu sinh thay vì nâng cao chất lượng đào tạo, không cân đối giữa nhu cầu thực tế với số lượng đào tạo.

Cùng với những khó khăn của nền kinh tế dẫn đến tình trạng mỗi năm có hàng nghìn sinh viên ra trường và… thất nghiệp. Có lẽ, chưa bao giờ con đường “cử nghiệp” lại chông chênh như thế! Cách đây khoảng chục năm, ở làng tôi, gia đình nào có con thi đỗ đại học sẽ “mổ lợn khao làng”, bởi khi đó thi đỗ đại học đồng nghĩa với thoát ly khỏi nông nghiệp, là sẽ có một công việc ổn định, tốt đẹp sau khi ra trường. Ðó là mơ ước, là khát khao của biết bao người trong làng, những người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Vậy mà giờ đây, cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển đại học của con, không ít người cha, người mẹ không nén được tiếng thở dài. Chị Nguyễn Thị Tý (xã Ðông Sơn, huyện Ðông Hưng) cho biết: “Cháu út nhà tôi thi đỗ đại học, cả nhà mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng. Không những phải lo làm sao xoay sở đủ tiền cho con theo học mà còn lo sau khi ra trường liệu cháu có xin được việc làm hay không? Ðứa thứ hai nhà tôi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng đã hơn 1 năm nay rồi mà vẫn chưa xin được việc, phải đi làm trái nghề. Vì thế, tôi đã từng định hướng cho cháu út đi học nghề với hy vọng khi ra trường sẽ dễ xin việc hơn nhưng bây giờ cháu thi đỗ đại học chẳng lẽ lại không cho cháu đi, mà học rồi lại thất nghiệp như chị nó thì biết tính sao?”. Với tâm trạng như vậy, liệu còn mấy ai vui vẻ để “mổ lợn khao làng”.

 

Nhiều em lựa chọn học nghề sớm thay vì cắp sách tới trường.

Việc sinh viên ra trường và thất nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy. Một lần tình cờ, tôi có gặp mấy em đang học việc tại một cơ sở may ở xã Ðông Sơn (Ðông Hưng). Sau khi hỏi chuyện tôi được biết, các em đều là học sinh mới tốt nghiệp THCS. Khi được hỏi tại sao các em không tiếp tục thi vào THPT, chỉ duy nhất 1 trong 6 em trả lời là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn lại đều có chung một câu trả lời: “Học không có tương lai chị ạ!”. Khi được hỏi kỹ hơn, em Hoàng Thị Quỳnh, sinh năm 1998, quê ở xã Ðông La (Ðông Hưng) cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS em có thi và trúng tuyển vào Trường THPT Mê Linh. Nhưng thấy nhiều anh chị cùng làng học đại học xong vẫn thất nghiệp nên em quyết định không học nữa mà đi học nghề.

Lúc đầu, vì muốn em đi học, nên bố mẹ định mua xe đạp điện để động viên nhưng sau thấy em quyết định vậy nên cũng đồng ý. Vì không thi đại học thì học cấp 3 làm gì hả chị?” Câu hỏi của cô bé như xoáy sâu vào trong tâm trí tôi. Tuổi của các em lẽ ra phải được học tập, rèn luyện cho tương lai nhưng các em lại tự mình tước đi cái quyền ấy chỉ vì mất niềm tin vào con đường “cử nghiệp” và thiếu đi sự định hướng đúng đắn của người lớn. Nhìn những dáng người nhỏ bé cặm cụi bên những chiếc máy khâu công nghiệp, tôi không khỏi chạnh lòng.

Vẫn biết con đường “cử nghiệp” chưa bao giờ bằng phẳng, tuy nhiên cần phải có những giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay, từ đó khôi phục niềm tin, khơi dậy ngọn lửa khát khao học tập cũng như truyền thống hiếu học của dân tộc trong giới trẻ.

Đào Quyên

  • Từ khóa