Chủ nhật, 07/07/2024, 22:15[GMT+7]

Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững (Kỳ 3)

Thứ 6, 06/12/2019 | 08:34:49
1,308 lượt xem
Phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân trong tỉnh, trước hết là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, quản lý của chính quyền và phối hợp, hướng dẫn của các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể trong quá trình thực hiện.

Đàn bò của gia đình ông Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Kỳ 3: Tổ chức sản xuất chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết

Để đạt hiệu quả kinh tế tối ưu thì mọi sản phẩm của hoạt động chăn nuôi trâu, bò đều phải được người chăn nuôi sử dụng triệt để. Muốn vậy cần tổ chức chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết khép kín, tuần hoàn gồm: trồng cây thức ăn cho trâu, bò (cỏ voi, ngô sinh khối...), thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, cây chuối...); thu gom phân, đệm lót sinh học qua sử dụng sản xuất phân hữu cơ; thu mua bò vỗ béo, xuất bán. Trong chuỗi liên kết, nhất thiết phải có sự tham gia, phân công, phân nhiệm rõ cho các thành phần chính. Chẳng hạn, các doanh nghiệp hạt nhân thực hiện xây dựng các trang trại lõi, doanh nghiệp khác đảm nhận xây dựng các trang trại độc lập hoặc vệ tinh cho trang trại lõi; tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và chủ trang trại, nông hộ thì thực hiện chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ, trồng cây nguyên liệu thức ăn, thu mua, cung ứng phụ phẩm nông nghiệp...

Cần thành lập các HTX, THT chăn nuôi tại các khu quy hoạch cho các đối tượng chăn nuôi vệ tinh và tổ chức cho các hộ tham gia HTX, THT theo nguyên tắc tự nguyện. Tùy theo nhu cầu thực tiễn chăn nuôi của từng địa phương, theo từng thời kỳ, từng công đoạn mà bố trí số lượng, quy mô HTX, THT ở mỗi địa phương cho phù hợp để bảo đảm sự bền vững của liên kết. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp huyện và xã có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng, hướng dẫn tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trong việc hỗ trợ chính sách, đất đai, môi trường đầu tư, khoa học kỹ thuật; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ chăn nuôi, đào tạo dẫn tinh viên phục vụ thụ tinh nhân tạo, đào tạo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ nhân lực kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò...  

Cùng với đó, tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND, ngày 19/1/2015 của UBND tỉnh. Từ đó bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, hỗ trợ phát triển các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.

Đối với đầu ra sản phẩm, thông qua cơ chế hợp đồng liên kết theo từng khâu của chuỗi giá trị, doanh nghiệp “hạt nhân”, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung là đơn vị chủ yếu lo thị trường đầu ra cho người dân. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá sản phẩm thịt trâu, bò Thái Bình để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổ chức thu thập và cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi về thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm trâu, bò ở trong và ngoài tỉnh; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra thị trường ổn định cho các hộ chăn nuôi. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý điều hành của HTX, THT; nâng cao ý thức các thành viên tham gia trong chuỗi tuân thủ các nguyên tắc sản xuất và hợp đồng liên kết. Trên cơ sở các chính sách của nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh sẽ ban hành cơ chế, chính sách cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh như: ưu đãi về đất đai, cơ sở hạ tầng, nhập giống... cho doanh nghiệp; hỗ trợ chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật, sản xuất... đối với các HTX, THT, chủ trang trại.  


Các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết phải được hỗ trợ: lãi suất tiền vay ngân hàng cho các hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò cái nền; liều tinh; các loại vật tư phục vụ công tác phối giống nhân tạo như các loại bình chứa nitơ lỏng để bảo quản liều tinh, nitơ lỏng; công phối giống nhân tạo; một số vắc-xin phòng bệnh; mua đệm lót sinh học; chế phẩm vi sinh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật liên quan đến phát triển chăn nuôi trâu, bò...

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Để nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực phát triển chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết, cần xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cho lực lượng cán bộ chăn nuôi, thú y, khuyến nông từ tỉnh tới cơ sở, dẫn tinh viên đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò và phòng, chống dịch bệnh, các dịch vụ chăn nuôi. Tổ chức các khóa tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cao sản; quy trình chăn nuôi VietGAHP, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng đệm lót sinh học và các giải pháp để bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi trâu, bò; huy động các nguồn lực (nhà nước, doanh nghiệp) để đào tạo cho 28.000 hộ, chủ trang trại chăn nuôi có kỹ năng, trình độ chăn nuôi trâu, bò.

Ông Bùi Quang Thái, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần T&T 159

Thái Bình là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò thương phẩm, Công ty T&T 159 có đủ điều kiện để đầu tư xây dựng trang trại “lõi” và thực hiện phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản và bò nuôi lấy thịt trên địa bàn tỉnh. Nếu dự án được chấp thuận, Công ty bảo đảm đáp ứng các nhu cầu về xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống, quy trình chăm sóc, thú y, người dân tham gia vào các công đoạn của chuỗi liên kết phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của mình. Công ty cũng chia sẻ trách nhiệm xã hội, bảo đảm quyền lợi kinh tế cho người dân, đặc biệt là việc xử lý môi trường trong chăn nuôi, bảo đảm không để ô nhiễm.

Ông Bùi Ngọc Hoán, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Tây Lương, huyện Tiền Hải

Hiện nay trên địa bàn xã Tây Lương các hộ đang nuôi theo hình thức bán chăn thả  tổng số 47 con bò và 20 con trâu. Nguồn thức ăn cho trâu, bò chủ yếu sử dụng cỏ, rơm và một phần ngô, khoai, sắn. Theo tính toán của các hộ nuôi, một con bò nuôi trong thời gian 10 tháng cho lãi khoảng 8 triệu đồng, thời điểm xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá thịt bò tăng nên lãi đạt trên 10 triệu đồng/con. Tuy nhiên, do chủ yếu là chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên thị trường tiêu thụ bấp bênh, hiệu quả kinh tế thiếu bền vững.


(còn nữa)
Phan Anh