Thứ 4, 03/07/2024, 05:39[GMT+7]

Những phận đời éo le

Thứ 2, 26/11/2018 | 11:06:54
2,050 lượt xem
Mỗi cuộc đời, mỗi số phận của những đứa trẻ mồ côi, người khuyết tật là những câu chuyện đầy nước mắt. Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy cuộc sống của nhiều người còn lắm vất vả, khổ đau.

Em Nguyễn Thị Thoa mắc bệnh thiếu máu huyết tán, thường xuyên phải đi truyền máu.

Vũ Hải Lâm, học sinh lớp 7B, Trường THCS Văn Lang (Hưng Hà) mất bố khi em mới được 3 tháng tuổi. Lên 8 tuổi, Lâm lại chịu thêm nỗi đau mất mẹ. Thương đứa cháu nhỏ sớm chịu cảnh côi cút, bà ngoại đến ở cùng cháu. Thế nhưng cách đây hơn một năm, bà ngoại em cũng đã qua đời. Từ ngày bà mất, Lâm được bác đưa về sống cùng gia đình. Nhưng bác trai và bác dâu thu nhập phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống cũng không mấy khá giả. 

Cô giáo Hoàng Minh Thư, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang cho biết: Văn Lang là một trong những xã nghèo của huyện Hưng Hà nên học sinh địa phương cũng có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, Trường đều có từ 3 - 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. 

Trong trường, cùng với Hải Lâm còn có em Nguyễn Thị Thoa, học sinh lớp 8B. Thoa mắc căn bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh nên sức khỏe yếu. Từ khi 6 tuổi, Thoa đã phải cắt bỏ lá lách. Để duy trì sự sống, hàng tháng Thoa phải lên Bệnh viện Nhi Trung ương truyền máu. Chi phí mỗi lần điều trị lớn trong khi kinh tế gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng cấy. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn khi mẹ em sinh thêm hai em, một đứa hiện mới được 2 tuổi, 1 đứa 5 tháng tuổi và cả hai đều mắc căn bệnh này. Cách đây 2 tháng, bố em vừa qua đời cũng bởi căn bệnh thiếu máu huyết tán. Cùng với bốn bố con Thoa, em còn có bác trai và bác gái cũng mắc căn bệnh này nên cả mấy gia đình đều khó khăn, không thể giúp đỡ nhiều cho bốn mẹ con khi bố em qua đời. 

Trong căn nhà nhỏ, người mẹ trẻ cùng ba đứa con chỉ biết khóc khi nghĩ về tương lai phía trước. Thoa chia sẻ: Em chỉ mong ba chị em được mạnh khỏe để mẹ đỡ khổ. Ngoan ngoãn, học tập chăm chỉ song tương lai phía trước của cô học trò nhỏ còn lắm gian nan bởi người mẹ nghèo khó có thể lo cho cả ba đứa con bệnh tật trong khi căn bệnh của các em phải điều trị thường xuyên, lâu dài và tốn rất nhiều chi phí.

Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Lâm và Thoa đều mơ ước được đến trường, học hết cấp III và thi vào đại học. Nhưng với những khó khăn đang chờ ở phía trước, con đường tới trường của những đứa trẻ nghèo, mồ côi liệu có bị đứt đoạn.

Chị em Đỗ Thủy Tiên, Đỗ Xuân Tới mồ côi bố đang sống với ông bà nội tại xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Ai sinh ra cũng muốn được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc, đùm bọc của cha mẹ. Thế nhưng, bệnh tật đã cướp đi người cha khi Đỗ Xuân Tới mới 42 ngày tuổi. Chị gái em Đỗ Thủy Tiên cũng vừa lên 3. Ở độ tuổi còn quá nhỏ, các em không thể hiểu được nỗi đau mồ côi. Gần 1 năm qua, mẹ đi làm xa, hiện hai đứa trẻ đang được ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Thương hai đứa cháu sớm chịu cảnh mồ côi song tuổi đã cao, sức đã yếu, cuộc sống gia đình lại khó khăn, ông bà cũng không thể lo cho cháu được bằng bạn bằng bè. Bữa cơm hàng ngày của ông bà và hai đứa cháu nhỏ chỉ đơn giản là bát canh, quả trứng. 

Nói trong nước mắt, bà Đỗ Thị Sợi, bà nội của Tới chia sẻ: Khổ lắm! Bố mất khi các cháu còn quá nhỏ. Chúng tôi thì đã già không biết sống được bao lâu, chỉ lo sau này khi chúng tôi mất đi, cuộc sống của hai đứa trẻ sẽ ra sao? Câu nói bỏ ngỏ của người bà mái tóc đã bạc quá nửa đầu khiến người nghe không khỏi buồn lòng vì xót xa.

Không chỉ có những đứa trẻ mồ côi, chúng tôi còn gặp không ít người cha, người mẹ sinh con ra nhưng không được chứng kiến sự trưởng thành của các con. 88 tuổi, ở độ tuổi đáng lẽ đã được hưởng sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu, thế nhưng cuộc sống của bà Vi Thị Thuyện, thôn Trà Đông, xã Quang Trung (Kiến Xương) chưa có lấy một ngày vui vẻ. Bà Thuyện sinh được 5 người con thì 4 người tàn tật. Mỗi người con một dạng tật khác nhau, người thì bị mọt xương, người thì khuyết tật vận động, người thì bị mù. Cách đây 6 tháng, người con bị khuyết tật thần kinh đột ngột ra đi. Sức khỏe đã yếu, bà Thuyện luôn lo lắng: mai này mất đi ai là người sẽ lo cho những đứa con. Cuộc sống của những đứa con khuyết tật rồi sẽ đi về đâu.

Em Vũ Hải Lâm phát biểu trong giờ học lịch sử.

Hình ảnh những người cha người mẹ tóc đã bạc trắng đầu phải chăm sóc người con khuyết tật như bà Thuyện không hiếm gặp. Do di chứng của chất độc da cam/Điôxin, bệnh tật, tai nạn, trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi vẫn bắt gặp những mảnh đời như thế. Đó là hoàn cảnh của ông Lại Văn Biên, xã Tân Hòa (Vũ Thư) với hai người con khuyết tật vận động; ông Nguyễn Văn Thạch và bà Nguyễn Thị Giữa, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ) và bốn người con thiểu năng trí tuệ… Không thể tự chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt của những người con khuyết tật đều phải phụ thuộc vào cha mẹ, dù cha mẹ họ đã ở tuổi xế chiều.

Cuộc sống với những khó khăn vẫn đang chờ ở phía trước. Sự nỗ lực từ chính bản thân và sự chung tay giúp sức của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng sẽ giúp họ từng bước vượt qua khó khăn và có thể mở ra cánh cửa tương lai phía trước.

Hoàng Lanh