Thứ 4, 03/07/2024, 01:52[GMT+7]

Thiên Hoa Thần nữ

Thứ 2, 02/03/2020 | 08:55:44
7,312 lượt xem
Ngày nay, người dân làng Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng và Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ vẫn truyền nhau câu ca: “Sinh ư tính Vũ, thác ư tính Lê” và “Sinh ư triều Mạc, thác ư triều Lê, thập tứ tuế huệ, hy sinh hiển thánh” để ngợi ca công đức của Thánh bà Lê Thị Thiên Hoa.

Lăng mộ và đền thờ Thiên Hoa thần nữ mới được tôn tạo phần hậu cung.

Trong kho tàng thần tích về “Nữ thần Thánh mẫu” ở Thái Bình có “thần nữ” tuổi mới độ “trăng tròn” ở làng Bương Hạ, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, nay thuộc xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ vì nghĩa nước non mà giữ tròn đạo trung hiếu, mới “thập tứ niên” đã dũng cảm lấy tấm thân trắng trong ngăn “hòn tên, mũi giáo” hận thù của cuộc nội chiến tương tàn, dòng máu trung trinh nhuộm đỏ dải đất phù sa làng Hạ Phán đến Bương Hạ được triều đình nhà Lê trung hưng ban quốc tính họ Lê, tấn phong “Trăng non công chúa”, sắc phong “Thiên Hoa Thần nữ” liệt hàng “Đệ Bát Đại vương” thờ ở đình, đền làng Bương Hạ...

Thiên Hoa thần nữ Đệ Bát Đại vương là duệ hiệu của bà Vũ Thị Thiên Hoa con gái ông Vũ Phúc Thịnh và bà Nguyễn Thị Đường, tương truyền là con cháu dòng họ Tiến sĩ Vũ Hựu triều đại Lê - Mạc ở làng Dũng Quyết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương từng nối đời hưởng lộc nhà Lê. Khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, để tránh hậu họa, một “chi cành” họ Vũ đã rời bỏ quê hương chạy sang tổng Đồng Trực, huyện A Côi (Quỳnh Côi), nay là xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ sinh ra bà Vũ Thị Thiên Hoa. Sử cũ ghi chép về bà Vũ Thị Thiên Hoa nổi bật ở câu ca: “Sinh ư tính Vũ, thác ư tính Lê” và “Sinh ư triều Mạc, thác ư triều Lê” nghĩa là sinh ra mang dòng họ Vũ, khi chết mang quốc tính họ Lê hay sinh ra trong thời nhà Mạc mà chết vì triều Lê là vậy.

Theo các nguồn khảo luận, đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ sau một thời gian phát triển cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông đã bắt đầu suy thoái và kịch điểm của lịch sử đã phải thừa nhận một thực tế tàn khốc khi một triều đại liên tục có đến 5 vị vua bị giết nhằm chiếm đoạt ngôi báu, hai vụ tiếm ngôi xưng vương, nhiều phe phái trong triều Lê tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực quốc gia suy tàn, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực, binh sĩ nhiều người bỏ thân nơi chiến địa không vì lợi ích quốc gia. Các sử gia thời nhà Lê cũng đã phải thừa nhận: “Từ vua Lê Uy Mục trở đi, cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, không có vua nào làm được việc nhân chính lại thường say đắm tửu sắc làm những điều tàn ác gây thành sự giặc giã, thoán đoạt”. Mạc Đăng Dung thời trai trẻ con nhà nghèo, làm nghề chài lưới nhưng được luyện võ thuật từ bé nên Mạc Đăng Dung có sức khỏe phi thường, ông từng thi đỗ Đô lực sĩ, được nhà Lê trưng dụng làm Đô chỉ huy sứ triều Lê Uy Mục, đến triều vua Lê Tương Dực được phong “Vũ Xuyên bá”, sau vua Lê Chiêu Tông lại phong “Vũ Xuyên hầu”. Sự giằng co giữa các thế lực, mỗi thế lực có người đại diện của mình và đều là nhằm giành ngôi nhà Lê đang suy tàn, bất lực. Nhưng sau khi loại trừ lẫn nhau, cuộc “chung kết” chỉ còn lại có hai đối thủ là Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung đã thắng và tiếm ngôi vua nhà Lê. 

Sử cũ chép, tháng 11 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 10, Mạc Hồng Ninh thứ 2 (1592) đời vua Mạc Thế Tông, Tiết chế Trịnh Tùng nhân danh phục Lê diệt Mạc kéo quân đánh Thăng Long. Trước đó vào khoảng tháng 8 năm đó đúng ngày mùng 1 (Mậu Tý) trên trời thành Thăng Long đang nắng đẹp bỗng dưng tối sầm, mây đen kìn kìn kéo đến che kín trời, quần thần nhà Mạc hốt hoảng ngước nhìn lên thấy quầng sao sa màu đỏ dài tới 5 trượng (khoảng 20m) cháy rực trời rồi lao xuống đất, tiếng nổ vang rền như sấm. Vũ tiên sinh (Vũ Hựu) liền cho gọi thân quyến đến mà truyền rằng: “Năm Giáp Tý, vua Hồng Ninh đế hiệu Mậu Hợp trùng ngày Mậu Tý có sao sa trên trời ta dự đoán điềm xấu sắp xảy ra với nhà Mạc, nhà Lê sắp hoàn thành việc trung hưng, các con cần mài giáo nhọn để nghênh đón đại quân”. Nghe lời tiên sinh, con cháu nhà họ Vũ liền gom tiền sắm vũ khí. Quả nhiên trận chiến cuối năm ấy, Trịnh Tùng thắng trận, cha con Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn đại bại phải tháo chạy lên Cao Bằng. Nhà Lê đã lấy lại được kinh thành Thăng Long. Thừa thắng, Trịnh Tùng tiếp tục đưa quân truy quét nhà Mạc ở Hải Dương, quân của Trịnh Tùng với khẩu hiệu “phù Lê diệt Mạc” đi đến đâu cũng thu nạp thêm quân. Đến Phù Cừ (Hưng Yên nay), Trịnh Tùng sai tướng Nguyễn Tất Lý, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên lấy 300 chiến thuyền qua sông Luộc đến Ninh Giang để tắt qua đường Vĩnh Lại bao vây nhà Mạc. Khi đoàn quân phù Lê đến đoạn sông Luộc địa phận Đồng Trực bị quân nhà Mạc ẩn nấp trong bụi lau lách rậm rạp bên sông cạnh miếu Rậm, làng Hạ Phán (nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ) phục kích đánh úp. Bị đánh bất ngờ, quân của Trịnh Tùng lúng túng chống đỡ. Lúc ấy, Thiên Hoa đang chăn trâu ở cánh đồng nhìn thấy quân nhà Mạc tiến đánh quân nhà Lê, tình huống nguy cấp, nhớ lời dặn Vũ tiên sinh, Thiên Hoa liền cởi áo làm cờ, lấy roi trâu làm cán chạy lên trước đoàn quân phù Lê, dẫn đại quân tiến sâu vào miếu Rậm truy quét tàn quân Mạc. Quân nhà Mạc nhìn thấy Thiên Hoa phất cờ dẫn đại quân liền bắn chết bà, nhưng đại quân cũng kịp thời đánh tan đám tàn quân nhà Mạc, bắt được quốc mẫu vua Mạc. Ký vụ nhà Lê đem gương liệt nữ Thiên Hoa ghi chép vào sổ bạ rồi kịp cùng đại quân trở về kinh thành Thăng Long. Đầu năm Quý Tỵ (1593), vua Mạc sai Kiến quốc công, Nghĩa quốc công kéo quân đánh chiếm lại ba phủ Tân Hưng, Thái Bình, Kiến Xương, đắp lũy, xây thành ở huyện Quỳnh Côi, quyết tâm chiếm lại trấn Sơn Nam. Lúc này có kẻ xiểm nịnh tướng nhà Mạc rằng “con gái họ Vũ theo giặc...”, tướng nhà Mạc liền sai người tìm giết cả nhà họ Vũ. Vũ tiên sinh phải trốn biệt, rồi nhà họ Vũ phải đổi thành họ Lê. Quân Mạc mải đắp thành, xây lũy và chống trả quân nhà Lê nên cũng không truy sát nhà họ Vũ. Tháng 5 năm Quý Tỵ (1593), Thái úy đoàn quốc công Nguyễn Hoàng đem quân bình định nhà Mạc. Vua Lê Thế Tông vô tình nghe được câu chuyện về Thiên Hoa cởi áo làm cờ, lấy roi trâu làm cán dẫn đại quân đánh tan quân Mạc ở Đồng Trực, cảm kích bởi tấm gương liệt nữ tuổi trăng tròn, vua Lê liền xuống chiếu cho làng Bương Hạ 3 mẫu ruộng để xây phần mộ cho bà, sắc phong Thiên Hoa thần nữ làm tôn thần, ban cho làng Bương Hạ nhiều tiền, vàng, ruộng hương hỏa thờ cúng. Dân gian truy tôn Thiên Hoa làm Thánh Mẫu. Đời Vĩnh Thịnh (1705 - 1729) vua Lê xét công bách thần, thiên hạ, cảm động trước tấm gương liệt nữ trẻ tuổi Vũ Thị Thiên Hoa liền ban sắc phong mang quốc tính họ Lê. Phong Lê Thị Thiên Hoa là “trăng non công chúa”. Tới triều Nguyễn, vua Duy Tân sắc phong bà là bậc trung đẳng thần. Đời vua Khải Định ân phong bà lên “Thượng đẳng thần”.


Ngày nay, người dân làng Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng và Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ vẫn truyền nhau câu ca: “Sinh ư tính Vũ, thác ư tính Lê” và “Sinh ư triều Mạc, thác ư triều Lê, thập tứ tuế huệ, hy sinh hiển thánh” nghĩa là lúc sinh ra mang dòng họ Vũ, lúc chết lại mang dòng họ Lê, 14 tuổi mang tấm thân trinh trắng dẫn đại quân nhà Lê đánh tan quân nhà Mạc, được các triều đại phong Thánh mẫu để ngợi ca công đức của Thánh bà Lê Thị Thiên Hoa. Đền thờ bà ở làng Bương Hạ hàng năm mở hội vào ngày 27 tháng Một theo lịch âm, người dân quen gọi đền Chúa Bà.


Ông Vũ Trung Mại, trưởng ban quản lý di tích đền, đình Thánh mẫu Thiên Hoa thần nữ, thôn Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ

Năm 2004, ngôi đền thờ Thánh mẫu Thiên Hoa Đệ Bát Đại vương xuống cấp nghiêm trọng. Nhân dân thôn Bương Hạ chúng tôi quyên góp rồi kêu gọi công đức của nhân dân thập phương quy hoạch, tôn tạo và xây lại đền thờ bà. Hiện nay, phần mộ Chúa Bà và hậu cung đền thờ Thánh mẫu đã được xây dựng mới, tuy nhiên khuôn viên thờ tự còn quá nhỏ bé so với công lao của Chúa Bà, nhân dân chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt hồ sơ di tích, công nhận đền Chúa Bà thờ Thánh mẫu Thần nữ Lê Thị Thiên Hoa (thời Lê trung hưng) là di tích lịch sử, văn hóa, được đăng ký bảo vệ.

Ông Phan Tiến Sự, thôn Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ

Do địa bàn giáp sông Luộc thuận lợi cho phòng tuyến quân sự nên làng Bương Hạ vốn được các vương triều phong kiến sử dụng làm cát cứ, đặc biệt là cuộc chiến tranh nam, bắc triều thời Lê - Mạc thế kỷ XVI, chính nơi này đã góp phần giúp nhà Lê hoàn tất công cuộc trung hưng của mình, xây dựng lại vương triều thịnh trị.

Ông Phạm Thế Tuyển, thôn Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ

Bương Hạ là làng giáp ranh giữa Thái Bình với Hưng Yên nên du khách tìm đến di tích để thăm viếng rất khó khăn. Chúng tôi mong các cấp chính quyền quản lý văn hóa nên có biển báo chỉ dẫn đến di tích để phát huy giá trị lịch sử và văn hóa của quê hương.


Quang Viện