Thứ 4, 03/07/2024, 02:38[GMT+7]

Người Pháp viết về Thái Bình và tỉnh lỵ Thái Bình khi mới thành lập tỉnh

Thứ 2, 09/03/2020 | 10:11:09
7,156 lượt xem

Ảnh: Duy Đông (thành phố Thái Bình).

Vào năm 1935, một học giả người Pháp từng làm việc tại tòa công sứ Thái Bình dưới thời công sứ Ba ri làm Thủ hiến (1929 - 1933) đã viết tác phẩm “Chú thích về tỉnh Thái Bình” (Notice sur la procinse de Thai Binh) dưới dạng sách địa chí gồm 11 chương. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của người phương tây khảo cứu khá toàn diện về các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình từ thời tiền sử đến những năm 1930 - 1933. Mặc dù dưới cách nhìn nhận, đánh giá của một học giả thực dân nhưng có khá nhiều tư liệu trong cuốn sách cũng rất đáng trân trọng, đáng để tham khảo khi cần tìm hiểu về Thái Bình từ những phương diện khác nhau.

Trong lời nói đầu (chương I) trình bày khái quát về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Bình, tác giả viết: “Tỉnh Thái Bình, tên gọi theo Hán Việt có nghĩa là “yên ổn hoàn toàn”, có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc Kỳ, đó là 1 điểm không ai chối cãi được”.

Chương II với tiêu đề “Từ thời kỳ nguồn gốc cho đến lúc người Pháp đến” tác giả đã đưa ra một nhận xét khá lý thú: “Xứ sở của yên lặng và tịch mịch, thích hợp với trầm tư và nghiên cứu, Thái Bình đã từng sản sinh và đào tạo nên để rồi ném họ vào cuộc tranh đấu, những vị sĩ phu uyên bác hoặc đầy tham vọng, những người này đã từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam”.

Điều mà tác giả sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” nhận định là người Thái Bình “đã từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam”, hẳn là muốn ám chỉ về những con người Thái Bình thời Trần. Bởi vì, khi lược khảo về lịch sử Thái Bình “từ thời kỳ nguồn gốc cho đến lúc người Pháp đến”, tác giả đã dành một dung lượng khá dày dặn để viết về người và đất Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần.

Khi lược khảo về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương trở về sau, tác giả đã điểm đến một số sự kiện trong lịch sử Thái Bình ở từng thời kỳ. Ví dụ: Dưới thời Hai Bà Trưng có viết về lai lịch và hành trạng của bà chúa Tiên La. Từ sau khi nhà tiền Lý sụp đổ (năm 602) đến khi Ngô Quyền xưng vương (năm 939) “có hai nhà nho người Thái Bình tham dự cuộc thi ở Bắc Kinh trúng tuyển và được phong làm quan”. Rất tiếc là tác giả không nêu rõ họ tên của hai nhà nho này và họ đã làm quan ở chức gì tại Trung Quốc thuở ấy.

Vì là lược khảo về các thời kỳ lịch sử nên tác giả sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” chỉ viết giản đơn về một sự kiện nào đó có liên quan đến lịch sử tỉnh Thái Bình ở mỗi thời đại. Về Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần tác giả viết: “Triều đại hiển hách của nhà Trần, với những vị vua quê quán ở Thái Bình, là một trong những trang sử oanh liệt nhất của nước An Nam”.

Trần Thủ Độ có lẽ sinh ra ở Đặng Xá, huyện Hưng Nhân (khi thành lập tỉnh Thái Bình, tổng Đặng Xá có 18 làng, trong đó có các làng: Phú Đường, Ngọc Đường, Thái Đường, đến năm 1895 tổng Đặng Xá đổi tên là tổng Thái Đường). Nhiều làng trong tỉnh, như làng Thâm Động, huyện Duyên Hà và làng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực, cũng cho rằng chính làng mình mới có vinh dự là nơi đã sản sinh ra Trần Thủ Độ, nhưng chắc chắn rằng địa điểm lịch sử này nằm ở Đặng Xá, vì ở đây còn có ba cái mộ đất gọi là “Tam Thai” và đằng sau các mộ đất này cũng có những mộ đất thấp gọi là “Ngôi Sao”. Những ngôi mộ này do  Pièrre Pasquies Phó sứ Thái Bình phát hiện ra, đều được sắp xếp để hình thành chữ vương; về mé bên phải, dưới cái đồi còn có chiếc quan tài của ông tổ nhà Trần. Chính phủ An Nam cho rằng đây mới đúng là nguyên quán của nhà Trần nên trước đây đã ban cho làng này 60 quan tiền dùng vào việc tế lễ các vị vua Trần tại đền làng. Tiếp đó là những trang viết về vai trò của Trần Thủ Độ trong sự ra đời của vương triều Trần, nhà Trần với công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và quân Chiêm Thành, trong đó có sự kiện: “Dưới thời Trần Dụ Tông, quân Chiêm Thành trong một cuộc phản công đã tiến đến tận Thái Bình và xâm nhập vào huyện Hưng Nhân… Trong một cuộc giao chiến với quân An Nam ở gần Hưng Nhân (Thái Bình), Chế Bồng Nga đã bị một phát đại bác bắn chết tươi ở mạn chiến thuyền, từ đó nước An Nam thoát được nạn quân Chiêm Thành”.
Cách ngày nay gần 100 năm, hẳn là vị học giả người Pháp này phải tham khảo nhiều nguồn sử liệu đông, tây, kim, cổ  có liên quan đến lịch sử vùng đất Thái Bình nên đã viết khá tường tận về Trần Thủ Độ và quê quán của vương triều Trần với một tinh thần trân trọng. Mấy thập niên qua, vị thế và nhân cách của danh nhân Trần Thủ Độ trong lịch sử nước nhà cũng như quê hương Thái Bình của ông với sự nghiệp nhà Trần đã được làm sáng tỏ hơn qua các cuộc hội thảo khoa học cùng nhiều nguồn sử sách mang tính chính thống.

Ở những chương tiếp theo, sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” đã đề cập đến nhiều sự kiện lịch sử Thái Bình đáng chú ý kể từ khi người Pháp đến (1873) trong đó có chương IV viết về sự kiện thành lập tỉnh Thái Bình. Ở chương này đã thống kê về đơn vị hành chính của các phủ huyện trong tỉnh và ghi chép sơ lược về tỉnh lỵ Thái Bình: “Khi thành lập tỉnh năm 1890, tỉnh lỵ đặt tại phủ lỵ Kiến Xương, bên bờ  sông Trà Lý. Phủ lỵ hồi đó gồm có một thành xây hình bốn góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có một con đường phố, hai bên có nhà lụp xụp bằng đất hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng chừng 300 dân. Các công sở mọc lên nhanh chóng ngay bên sông Trà Lý (Tòa công sứ xây dựng 1895).

Một đường phố rộng, đường Juyn-lơ Pi-kê (đường Lê Lợi ngày nay) nối liền thành phố với sông. Các nhà buôn Hoa kiều đến lập nghiệp ngay tại thành phố mới. Những ngôi nhà bằng gạch và có gác được xây dựng nhanh chóng ở các làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên, sáp nhập vào thị trấn Thái Bình theo quyết định ngày 4 tháng 2 năm 1895 của quan Kinh lược sứ, do quan Thống sứ Bắc Kỳ thông qua.

Do thị trấn ngày càng mở rộng nên quan Thống sứ Bắc Kỳ đã ký nghị định ngày 7 tháng 12 năm 1895, chuyển thị trấn thành thị xã…”.

Các chương còn lại của cuốn sách viết về dân số, các công trình lịch sử và nghệ thuật, tôn giáo, y tế, giáo dục, canh nông, kỹ nghệ và thương mại, những công trình về cơ sở hạ tầng đã được xây dựng... Đó là một phần tư liệu địa chí rất đáng quý giúp cho các nhà nghiên cứu về từng lĩnh vực của người Thái Bình, đất Thái Bình.

Đáng chú ý là khi viết về dân số của tỉnh Thái Bình, tác giả đã có phần viết mang tên “Khái quát về nhân chủng học”. Ở phần viết này tác giả đã khái quát một cách khá tinh tế về tính cần cù, chịu đựng nặng nhọc trong lao động, thanh đạm trong ăn uống… Về tinh thần quật khởi đấu tranh chống áp bức cường quyền đã được tác giả lý giải bằng quan điểm của một học giả thực dân và đi đến kết luận đó là đặc điểm nổi bật nhất của người dân tỉnh Thái Bình.

Nếu loại trừ những phần nhìn nhận đánh giá các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử theo quan điểm của một học giả thực dân thì cuốn sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” đã cung cấp cho ta một khối lượng tư liệu đáng quý về nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình trong những thập niên đầu thế kỷ XX và thêm hiểu về sự kiện thành lập tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày