Thứ 7, 29/06/2024, 03:39[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Chủ động các phương án ứng phó trước mùa mưa bão

Thứ 2, 24/06/2024 | 18:33:35
171 lượt xem
Bước vào mùa mưa bão năm 2024, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống, huyện Quỳnh Phụ đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa bão xảy ra.

Hạt Quản lý đê điều huyện Quỳnh Phụ kiểm tra chất lượng hệ thống kè bãi lở ở xã An Khê.

Công trình hệ thống kè bãi lở ở xã An Khê là công trình trọng điểm của huyện Quỳnh Phụ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do vậy việc chống xói lở chân và mái kè, bảo đảm an toàn cho khu vực bãi sông và tuyến đê bối xã An Khê được lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ và địa phương rất chú trọng. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Khê cho biết: Trước đây, mỗi khi đến mùa mưa bão, địa phương rất lo lắng trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do một số vị trí xung yếu ở kè bị sạt lở. Khi được cấp trên quan tâm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp tuyến kè, người dân sống gần đê rất phấn khởi và yên tâm trước mỗi mùa mưa bão. Hiện toàn bộ tuyến kè bãi lở ở xã An Khê với tổng chiều dài trên 1.521m gồm 2 đoạn: đoạn 1 từ K0+360 (sau kè An Thái) đến K1+00 đê hữu Hóa với chiều dài 358,4m; đoạn 2 từ K1+625 (khu vực bến đò Vĩnh Long) đến K2+00 đê hữu Hóa với chiều dài 1.163m đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện. Quá trình thi công, cùng với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình luôn được đơn vị thi công chú trọng. 

Anh Nguyễn Quang Huân, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Thương mại Ánh Sơn cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp kè bãi lở xã An Khê được khởi công từ tháng 8/2023 với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thiện khoảng 80% công việc. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, Công ty đã tập trung nhân lực, phương tiện, phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát về kỹ, mỹ thuật bảo đảm theo đúng thiết kế, phấn đấu đến tháng 6/2024 sẽ hoàn thành để góp phần bảo vệ an toàn đê điều, bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng của nhân dân trong khu vực, giảm nhẹ thiên tai, chống sạt lở bờ sông.

Kênh Sành qua địa phận xã Quỳnh Giao hoàn thành tạo thuận lợi trong việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Cùng với các tuyến đê, kè, hệ thống kênh mương cũng được huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, kịp thời báo cáo để cải tạo, nâng cấp bảo đảm cho việc tưới, tiêu, phục vụ sản xuất. 

Tại xã Quỳnh Giao, tuyến kênh Sành phục vụ tưới, tiêu cho 3 xã: Quỳnh Giao, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Khê sau nhiều năm ứ đọng nguồn nước do dòng sông bị rác lấp đầy đến nay đã được cải tạo lại. 

Ông Nguyễn Đình Thiệu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao chia sẻ: Khi chưa xây dựng kênh Sành, hai bên dòng kênh có nhiều cây cối, lá cây rụng xuống kết hợp với chất thải người dân đổ xuống làm hẹp dòng, ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu. Tháng 7/2023, tuyến kênh Sành được khởi công với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Quá trình thi công được nhân dân hai bên bờ tự nguyện tháo dỡ cầu tạm bắc qua kênh, hiến đất, hiến tài sản để xây dựng đường kè. Từ khi kênh hoàn thành và đi vào sử dụng tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc tưới, tiêu; cảnh quan môi trường, làng xóm của xã sạch đẹp, nhân dân đi lại thuận lợi.

Huyện Quỳnh Phụ có 2 tuyến đê chính gồm đê hữu Luộc và hữu Hóa với tổng chiều dài 36km, có 7 kè, 16 cống lớn nhỏ qua đê... Những năm qua, hệ thống đê điều trên địa bàn huyện đã được đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những tuyến đê tiềm ẩn nguy cơ nên các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời, trong đó chú ý đến những đoạn đê có thẩm lậu, mạch sủi; những đoạn đê bị đào xén chân đê... gây nguy hại đến an toàn của đê. Một số kè xây dựng từ lâu, chưa được đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa. 

Ông Đinh Thế Mạnh, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trước mùa mưa bão hàng năm, Hạt phối hợp với địa phương có đê rà soát các công trình đê, kè, cống, kịp thời phát hiện các điểm xung yếu để xử lý kịp thời trước mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều, xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa hư hỏng (nếu có); rà soát xây dựng phương án hộ đê phù hợp với điều kiện thực tế, theo phương châm “4 tại chỗ” và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc chuẩn bị sớm và đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng ứng cứu kịp thời sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, kè, cống để phòng chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Nguyễn Cường