Chủ nhật, 07/07/2024, 19:14[GMT+7]

Tiền Hải bảo đảm an ninh trật tự trong mùa gặt

Thứ 2, 18/06/2018 | 14:21:22
4,609 lượt xem
Hiện nay, 10.216ha lúa xuân của huyện Tiền Hải đang trong giai đoạn thu hoạch. Để bảo đảm an ninh trật tự trong mùa gặt, Tiền Hải đã tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp tổ chức thu hoạch lúa xuân hợp lý, tránh tình trạng tranh giành, bảo kê địa bàn gặt lúa.

Các chủ máy gặt đập liên hợp yên tâm gặt lúa cho bà con nông dân huyện Tiền Hải.

Những năm trước, việc tranh giành địa bàn hoặc khống chế dịch vụ gặt lúa diễn ra ở một số địa phương trong huyện Tiền Hải. Các đối tượng “bảo kê” đứng ra làm giá, kinh phí gặt lúa tăng, nhiều máy gặt ở địa phương khác đến không dám xuống đồng gặt lúa để phục vụ bà con nông dân trong khi lúa đã chín rộ, dẫn đến việc thời vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.  

Do bức xúc, các chủ máy đã có hành động khiêu khích với nhau dẫn đến xô xát, gây thương tích… Điểm nóng nhất là các xã khu Nam, trong đó có 2 vụ việc liên tiếp xảy ra tại xã Nam Phú. Theo đó, ngày 22/10/2014, khi thời điểm gấp rút thu hoạch lúa mùa, tại cánh đồng địa phương, chủ máy gặt là anh Nguyễn Văn Đởn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, khi đang trong giờ nghỉ để máy tại cánh đồng đã bị bốc cháy. Sự việc không rõ nguyên nhân, tuy nhiên nhân dân địa phương đều cho biết vì tranh chấp máy gặt đã dẫn đến việc các đối tượng đốt máy. Sự việc đã gây thiệt hại cho anh Đởn về kinh tế và gây hoang mang, bức xúc cho các chủ máy gặt khác. Không dừng lại một vụ việc, khi thu hoạch lúa xuân năm 2015, do xảy ra mâu thuẫn nên Nguyễn Văn Việt, sinh năm 1980, thôn Thúy Lạc đã dùng kiếm chém anh Phạm Văn Du, sinh năm 1970, thôn Bình Thành và con trai Phạm Văn Thắng, sinh năm 1993 gây thương tích. Cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố đối tượng Việt về tội cố ý gây thương tích, xử phạt trên 5 năm tù giam. 

Do vậy, để bảo đảm an ninh trật tự trong mùa gặt vụ xuân này, Tiền Hải đã tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở về phương thức hoạt động của các đối tượng để nhân dân cảnh giác, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý. Yêu cầu công an các địa phương thống kê quản lý danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp và chủ máy là người địa phương khác đến đăng ký gặt lúa trên địa bàn. Thực hiện tốt việc tổ chức, phân vùng cho các chủ máy gặt lúa theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức ký cam kết chủ máy gặt thực hiện tốt việc công khai giá gặt lúa, chấp hành nghiêm quy định của địa phương về việc bảo đảm an ninh trật tự trong thu hoạch lúa. Hiện nay, nhiều địa phương đã làm tốt việc sắp xếp, tổ chức cho các chủ máy gặt phục vụ bà con nông dân yên tâm sản xuất. 

Ông Lê Duy Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Nhiều vụ gặt, Vũ Lăng đã làm tốt việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Diện tích gieo cấy trên 300ha, chính quyền địa phương đã tổ chức ký cam kết cho 10 chủ máy gặt, phân chia trên địa bàn 5 thôn. Giao trách nhiệm cho cán bộ thôn phụ trách, bố trí máy gặt. Cắt cử lực lượng an ninh bảo vệ, người và máy đều được bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình thu hoạch lúa. Công khai giá thu mỗi sào là trên 100.000 đồng để nông dân biết, tránh tình trạng bị ép giá vào thời kỳ thu hoạch lúa cuối vụ. 

Anh Nguyễn Văn Hòa, xã Mê Linh (Hà Nội) cho biết: Những năm trước đây khi chuyển máy gặt về huyện Tiền Hải tôi rất lo lắng, có một số người ra tận ruộng đòi tiền, nếu không nộp tiền sẽ bị các đối tượng gây khó khăn. Tuy nhiên, mấy vụ gặt lúa gần đây tôi không thấy hiện tượng đòi “bảo kê”, nhũng nhiễu với các chủ máy gặt. 

Được biết, do các địa phương trong huyện tiếp nhận những kiến nghị của chủ máy gặt nên đã tăng cường lực lượng an ninh, giải quyết dứt điểm tình trạng “bảo kê” địa bàn gặt lúa.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày