Thứ 6, 28/06/2024, 18:39[GMT+7]

Nguyễn Thành: Người viết điếu văn Lê Lợi

Thứ 6, 14/06/2024 | 09:37:19
7,184 lượt xem
Nguyễn Thành, biệt hiệu Bồ Giảng tiên sinh, quê làng An Lạc (làng Lác), nay thuộc thôn An Lạc, xã Mê Linh (Đông Hưng), đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cùng khoa với đại thi hào Nguyễn Trãi. Ông tham gia chống Minh và làm Tế tửu Quốc Tử Giám ở cả triều Hồ và triều Lê sơ. Khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) qua đời, Nguyễn Thành được triều đình giao soạn điếu văn, Nguyễn Trãi được giao soạn văn bia.

Xã Mê Linh (Đông Hưng) ngày nay. Ảnh Khắc Duẩn

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở xã Mê Linh thì tổ tiên của dòng họ này đã đến đất này khai cơ lập ấp từ đầu thời Trần (thế kỷ XIII). Ông tổ của dòng họ này có công đóng góp trong quá trình dựng nghiệp của nhà Trần nên con cháu được hưởng tập ấm. Ông nội của Nguyễn Thành từng giữ một chức quan võ nhỏ tại kinh đô vào đời vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372). Bố của Nguyễn Thành là Tốn Am được học hành chu đáo nhưng dự thi mấy lần không đỗ. Khi Tốn Am đang theo học tại Quốc Tử Viện thì được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vời đến trao cho chức Khởi cư trú xá nhân (văn thư) ở Trung thư sảnh. Xuất thân từ gia cảnh như thế nên Nguyễn Thành sớm được cho theo học tại Thượng xá sinh trong Quốc Tử Viện cùng Nguyễn Trãi và thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên thứ nhất (1400), đời Hồ Quý Ly. Khoa thi này lấy đỗ 6 người gồm: Nguyễn Thành, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiền, Bùi Ứng Đẩu. Cả 6 người này đều đã trở thành những danh thần kiệt hiệt thời Lê sơ. Ngay sau khi thi đỗ, Nguyễn Thành được bổ vào điện Kính Diên dạy dỗ các hoàng thái tử. Sau thăng đến Tế tửu Quốc Tử Giám.

Dưới thời phong kiến, trong hệ thống quan chức của triều đình có hai chức quan đại phu phụ trách Quốc Tử Giám là Tế tửu (người đứng đầu) và Tư nghiệp (người đứng thứ hai). Hai chức quan này tuy không thuộc hàng đầu triều nhưng người được bổ dụng phải là người học rộng đỗ cao, giàu phẩm hạnh, giàu năng lực thực học vì liên quan trực tiếp đến việc đào tạo con cháu trong hoàng tộc và đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Bảng nhãn Lê Quý Đôn cũng đã có những năm tháng được bổ dụng làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Từ khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh luôn lăm le sang đánh chiếm nước ta, thác cớ “phù Trần diệt Hồ”. Trước họa xâm lăng, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã gấp rút triển khai kế sách ứng phó. Tháng 9/1405, Hồ Hán Thương đích thân chỉ huy lập phòng tuyến sông Lô, sai đóng cọc giữ cửa sông Bạch Hạc để ngăn quân địch tiến đến. Tuy là một quan văn nhưng Nguyễn Thành đã được triều đình cử đi tham gia chiến dịch này. Tại phòng tuyến sông Lô, Nguyễn Thành được giao tổ chức cho dân sẵn sàng chủ động sơ tán để thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” khi giặc Minh tràn đến. Ông lại được giao cho đi các phủ hạt miền Kinh Bắc tổ chức tuyển mộ dân binh để bổ sung cho quân đội của triều đình.

Tháng 11/1406, Minh Thành Tổ sai đại tướng quân Chu Lăng, phó tướng là bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh khởi binh, đưa hàng chục vạn tinh binh theo hai đường thủy bộ tiến đánh nước ta. Mặc dù đã chủ động bố phòng nhưng do thế giặc quá mạnh nên chỉ vài tháng sau đó giặc Minh đã tiêu diệt được nhà Hồ và đặt ách đô hộ trên toàn cõi nước Nam. Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương cùng nhiều quan chức triều Hồ, trong đó có Nguyễn Thành bị giặc Minh bắt và bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Trên đường đi, Nguyễn Thành đã bỏ trốn rồi về quê sống mai danh ẩn tích.

Sau khi bình định được nước ta, nhà Minh đặt quan cai trị xuống đến tận phủ huyện và hạ chiếu trưng cầu các nhân sĩ có tài danh đang ẩn dật ra hợp tác với chúng. Khi phát hiện được Nguyễn Thành đang sống ẩn dật ở quê, bọn ngụy quan ở phủ Tân An (thời thuộc Minh đổi thành phủ Trấn Man) đã dụ ông ra hợp tác nhưng ông đã khước từ. Để dễ bề quản thúc, bọn chúng đã ép Nguyễn Thành phải nhận chức Phán thủ ở phủ. Mặc dù Phán thủ là một chức quan quá nhỏ bé, không hề tương xứng với mình nhưng ông vẫn nhận để chờ thời.
Khi nghe tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa ở Lam Sơn và những người bạn đồng khoa với mình như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên... đã tham gia, Nguyễn Thành bèn tìm vào yết kiến. Biết tiếng Nguyễn Thành từng dạy các hoàng tử nhà Hồ ở điện Kính Diên, lại là quan Tế tửu Quốc Tử Giám nên Lê Lợi đã tin dùng và giao cho việc giảng dạy con cháu mình tại căn cứ Lũng Nhai.

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Lê Thái Tổ, Nguyễn Thành được giao tu sửa lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bị giặc Minh tàn phá và phong chức Tế tửu Quốc Tử Giám kiêm Thái tử tân khách (dạy dỗ các thái tử).

Năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tổ qua đời, Nguyễn Thành được triều đình giao soạn bài điếu, Nguyễn Trãi được giao soạn văn bia. Bài điếu Lê Lợi của Nguyễn Thành mang tên “Vãn Thái tổ cao hoàng đế” là một áng văn bất hủ đã được Lê Quý Đôn chép trong sách “Toàn Việt thi lục”. Bài văn bia của Nguyễn Trãi được khắc bia Vĩnh Lăng đặt tại lăng Lê Lợi ở Lam Kinh (Thanh Hóa).

Khi Lê Thái Tông lên nối ngôi, Nguyễn Thành vẫn tiếp tục làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm Ất Mão, Thiệu Bình năm thứ 2 (1435) đời Lê Thái Tông, đã xảy ra một sự kiện liên quan trực tiếp đến bước ngoặt trong cuộc đời và hành trạng của Nguyễn Thành. Đó là việc Lê Tử Dục, một học trò đang theo học tại Quốc Tử Giám nhưng không chịu học, chơi bời lêu lổng lại ăn trộm của cải của bạn, sợ Nguyễn Thành tâu lên triều đình nên đã làm đơn vu khống cho Nguyễn Thành cùng các giáo thụ khác đang ngầm mưu khởi loạn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Chém Lê Tử Dục là giám sinh Quốc Tử Giám, vợ con điền sản sung công. Tử Dục ở Giám không chịu đọc sách, chỉ chuyên nghề bói toán, phù chú, dụ trộm cả vợ lẽ người khác, lại lấy trộm cả đồ dùng của mười tám phòng. Tế tửu Nguyễn Thành sắp tâu lên thì Tử Dục bèn làm đơn vu cho Thành và Vũ Ủng Tiên từ Tế tửu trở xuống đến các viện đường trưởng cùng nhau ngầm mưu phản nghịch, Đại Tư đồ Lê Sát biết đơn ấy gian dối, sai ngục quan là Nguyễn Doãn Cương bắt hỏi. Tử Dục cùng lời phải thú tội...”.

Sau vụ việc này, Nguyễn Thành xin cáo quan về quê mở trường dạy học. Tuy có quê gốc ở làng An Vĩnh, vốn là một làng trù phú nhưng khi cáo quan về quê ông đã ra cánh đồng ven làng đang còn là một vùng lau lác hoang sơ để khai phá. Cựu quan Tế tửu Quốc Tử Giám đã tổ chức cho con cháu cùng học trò phát quang cỏ dại, dựng nhà, lập thành làng mới có tên là An Lạc (làng Lác). Sau đó, ông mở trường dạy học ở làng Kim Bôi.

Nghe tin quan Tế tửu Quốc Tử Giám cáo quan về mở trường dạy học, học trò xa gần tìm về theo học rất đông. Theo một số nguồn sử liệu cho biết, các thế hệ học trò của Nguyễn Thành có nhiều người hiển đạt khoa danh và sự nghiệp kinh bang tế thế. Chỉ tính riêng huyện Thái Thụy đã có tới 4 môn sinh của ông sáng danh trong lịch sử nước nhà. Đó là: Hoàng giáp Nguyễn Mậu người làng Bích Du, làm quan tới chức Hình bộ thượng thư, Đô ngự sự đài, được ông vua sáng Lê Thánh Tông khen là dường cột của triều đình. Tiến sĩ Nguyễn Công Định người làng Biền Cán, làm quan tới Hình bộ thượng thư, người được vua Lê Thánh Tông giao cho biên soạn bộ Luật Hồng Đức thời Lê sơ. Thám hoa Quách Đình Bảo và em ruột là Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm người làng Phúc Khê đều là những danh nhân đất Việt, lừng lẫy tiếng tăm hai nước Việt - Hoa về thơ hay sứ giỏi. Chính vì những thành tựu đào tạo nhân tài của Nguyễn Thành ở Kim Bôi mà dân gian xưa đã lưu truyền câu ca: “Con ơi muốn nên thân người/Gắng công tìm đến Kim Bôi học hành”.

Năm Nhâm Tuất (1442), Lê Nhân Tông lên ngôi, cho vời Nguyễn Thành ra làm quan nhưng ông cáo từ vì tuổi già, vài năm sau đó ông mất tại quê nhà. Lê Thánh Tông lên ngôi đã xuống chiếu khôi phục nguyên chức cho ông và truy phong tước Đông Long hầu, cho lập đền thờ làm phúc thần ở làng. Bia mộ Nguyễn Thành còn ghi: “Thái chúng Đại phu, Đông các học sĩ, Thái tử tân khách. Nhập thị Kính Diên Nguyễn Quý Công tự Bồ Giảng tiên sinh chi mộ”.


Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày